Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

5 bài học cuộc sống từ ‘Trò chơi vương quyền’

Trước khi mùa thứ tư của “Game of Thrones" chính thức lên sóng HBO trong đêm nay, hãy thử điểm lại những bài học cuộc sống mà loạt phim truyền hình số một Bắc Mỹ hiện nay đem lại.

Không phải tự nhiên mà Game of Thrones lại trở thành loạt phim truyền hình được tải về nhiều nhất ở thời điểm hiện tại. Có nhiều yếu tố cấu thành nên thành công của loạt phim: hệ thống nhân vật đa dạng, cốt truyện có nhiều bước ngoặt khôn lường, đại cảnh tuyệt mỹ, và cả những cảnh nóng hấp dẫn. Hoặc đơn giản hơn, là những bài học cuộc sống gần gũi mà khán giả có thể chắt lọc được từ Game of Thrones. Dưới đây là 5 bài học điển hình nhất mà loạt phim đã đem đến cho khán giả sau ba mùa phát sóng..

1. Cái chết là một phần của cuộc sống

Mùi đặc trưng nhất ở lục địa Westeros trong phim? Mùi của xác chết! Những pha hành quyết, những cuộc đấu kiếm, những trận chiến quyết tử diễn ra liên miên. Con người dường như chỉ chực chém giết lẫn nhau trong trò chơi vương quyền.

Khal Drogo từng là một nhân vật đinh trong mùa đầu tiên nhưng đã không còn nữa.
Khal Drogo từng là một nhân vật "đinh" trong mùa đầu tiên nhưng đã không còn nữa.

Sau mỗi tập phim, khán giả lại phải chứng kiến cái chết của một nhân vật nào đó mà họ yêu thích, cảm thấy trái tim mình như bị tan vỡ. Những nhân vật đáng mến cứ thế lần lượt ngã xuống, còn những kẻ đáng ghét thì vẫn thế nhởn nhơ (như Joffrey Baratheon là một ví dụ điển hình). Game of Thrones nhắc nhở chúng ta về quy luật bất biến của cuộc đời: ai rồi cũng sẽ chết, dù ta có sống tử tế hay trung thành đến đâu đi chăng nữa.

2. Đừng trông mặt mà bắt hình dong

Arya Stark và Tyrion Lannister chính là hai ví dụ điển hình của câu nói quen thuộc này. Mặc dù sở hữu cơ thể nhỏ bé nhưng cả hai đều đã chứng minh được sự giỏi giang và tài tình hơn hẳn những người bạn hay kẻ thù đồ sộ của họ.

Cô nàng Arya Stark nhỏ bé là một nhân vật không thể bị xem thường trong Game of Thrones.

Bỏ qua hạn chế về chiều cao, Arya và Tyrion là hai tuyến nhân vật đem đến cho khán giả niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống khi họ luôn quyết liệt chiến đấu cho những điều họ mong muốn và sống theo lý tưởng của riêng bản thân họ. Cả hai đều là những người sống có cá tính rõ ràng nhất trong cả bộ phim.

3. Quá khứ sẽ không bao giờ quên bạn

Hẳn bất cứ ai trong chúng ta đều cũng có những trải nghiệm về việc bị quá khứ ám ảnh. Những cư dân ở lục địa Westeros cũng không phải ngoại lệ. Điển hình nhất trong Game of Thrones phải kể đến nhân vật Theon Greyjoy.

Theon Greyjoy đã trở thành một nạn nhân của quá khứ.

Sinh ra và lớn lên để trở thành một cư dân đáng kính của vùng Winterfell, Theon là một thành viên được kính trọng nhất trong gia tộc. Không may thay, những thế mạnh về quyền lực của Theon bỗng trở nên tan biến khi anh xuống tay giết chết Ser Rodrik, người hầu cận đáng kính của Stark. Bỏ lại sau lưng sợi dây ràng buộc về tình thân với Robb Stark, Theon Greyjoy theo phe Chúa tể Balon trong công cuộc chinh phạt miền Bắc. Tới khi Theon lên nắm quyền cai trị Winterfell và tự phong mình là Hoàng tử, anh đã bị chính những người thân cận bên anh phản bội. Rốt cuộc, Theon trở thành nạn nhân của chính trò chơi do bản thân anh khởi xướng. Theon chìm đắm trong hối hận và dằn vặt, nhưng tất cả đã quá muộn.

Bài học rút ra ở đây là, khi mắc sai lầm, dù tiếp tục sống hay lựa chọn cái chết thì chúng ta vẫn phải đối diện và chấp nhận với những hậu quả. Quá khứ giống như một người bạn cũ, nó có thể trở lại “ghé thăm” ta dưới bất kỳ hình thức nào và vào bất cứ lúc nào.

4. Gia đình chưa chắc đã phải là tất cả

Chuyện nội bộ gia đình lục đục trong Game of Thrones xảy ra vốn như cơm bữa. Chẳng hạn như với gia tộc Lannister, người cha Tywin Lannister chỉ quan tâm tới cặp song sinh Jaime và Cersei. Còn lại, ông khinh rẻ đứa con có vẻ ngoài nhỏ bé khác thường Tyrion Lannister. Dẫu phải chăm nom đứa con ruột dị dạng ấy chỉ bởi anh mang họ Lannister, Tywin luôn cáo buộc Tyrion là người đã giết vợ ông bởi bà đã qua đời khi sinh hạ Tyrion.

Mối quan hệ giữa hai anh em nhà Targaryen không bao giờ là suôn sẻ.

Một mối quan hệ đáng chú ý khác là giữa hai anh em nhà Targaryen: Daenerys và Viserys. Mặc dù là hai anh em ruột, Viserys cởi mở thừa nhận rằng, nếu phải chứng kiến người em gái bị hàng ngàn tên lính cưỡng bức để có thể ngồi lên Chiếc Ghế Sắt quyền lực, hắn cũng sẵn sàng chấp nhận điều đó.

Rõ ràng, Game of Thrones đưa ra một thông điệp ngầm về tính xác thực của câu nói “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Gia đình chưa chắc đã phải là tất cả, bởi nếu những thành viên trong gia đình bạn là kẻ xấu, gây ảnh hưởng tới bản thân bạn thì bạn hoàn toàn có quyền rời bỏ mái nhà đó và xây dựng cho riêng bản thân một gia đình mới. Chẳng có điều gì cản trở tiềm năng của bạn hơn sự thiếu hụt nguồn động viên đến từ gia đình. Nếu gia đình không còn là chỗ dựa vững chắc, hãy làm như những gì Stormborn từng làm: tìm kiếm nguồn động viên từ một nơi khác.

5. Hãy đọc sách nhiều hơn nữa

“Em tôi có thanh kiếm của nó, còn tôi có trí tuệ của mình. Trí tuệ cần đến sách vở, cũng như thanh kiếm cần đến đồ mài để trở nên sắc lẹm hơn”. Đó là câu trả lời của chàng lùn Tyrion dành cho Jon Snow khi được hỏi tại sao anh lại đọc nhiều sách tới như vậy.

Thứ vũ khí duy nhất của Tyrion Lannister chính là kiến thức sâu rộng.

Không như người em trai Jaime, một đấu sĩ chỉ biết đến gươm giáo nhưng luôn ẩn chứa sự sợ hãi bên trong, Tyrion không bao giờ phụ thuộc vào bất kỳ loại vũ khí nào. Thứ vũ khí duy nhất mà anh trang bị chính là kiến thức từ những điều anh đọc được hàng ngày. Những cuốn sách về lịch sử và chiến tranh đã giúp anh không ít trong những cuộc đấu đá nội bộ giữa gia đình hoàng gia. Mãi sau này, Jaime mới vỡ lẽ ra một bài học cay đắng rằng, những biệt tài trong chiến trận có thể sẽ bị mai một theo ngày tháng. Trau dồi kiến thức và áp dụng nó một cách đúng đắn vào tình hình thực tiễn mới là điều nên làm.

Game of Thrones mùa thứ tư sẽ chính thức bắt đầu lên sóng HBO trong rạng sáng mai theo giờ Việt Nam, ngày 7/4.

Hoài Thu

Ảnh: HBO

Bạn có thể quan tâm