1. Giúp trẻ nhận biết và gọi tên cảm xúc: Khi trẻ hiểu và nhận biết những cảm xúc của mình, chúng có thể kết nối và biết cách xử lý hiệu quả. Allie Riley, người giám sát các chương trình phi lợi luận cho trẻ em gái, nhận định quản lý cảm xúc là một khía cạnh quan trọng của khả năng phục hồi. Bà cho rằng bước đầu tiên để điều chỉnh cảm xúc là nhận biết và gọi tên những gì trẻ thấy và cảm nhận. Nếu vốn từ của trẻ chưa đủ để gọi tên cảm xúc, cha mẹ hãy mô tả giúp trẻ biết loại cảm xúc đó là gì. Cùng người lớn tâm sự cũng là cách trẻ loại bỏ những cảm xúc tiêu cực và cảm thấy an tâm hơn. Ảnh: The Gottman Institute. |
2. Khuyến khích trẻ theo đuổi sở thích: Học online, giãn cách xã hội có thể khiến trẻ mất đi cơ hội tiếp cận với những hoạt động yêu thích. Nếu được tập trung vào sở thích, những căng thẳng của trẻ khi sống trong đại dịch có thể bị phân tán. Kai, một phụ huynh Hà Lan, nhận thấy con trai 10 tuổi gặp khó khăn trong việc học trực tuyến. Ông quyết định cho con đăng ký tham gia câu lạc bộ sách. Nhờ đó, con trai bắt đầu quan tâm đến những cuốn sách và có cách nhìn khác khi đối diện với những khó khăn thường ngày. Ảnh: FirstCry Parenting. |
3. Dạy trẻ kỹ năng giải quyết vấn đề: Nhà tâm lý học Ryan C.T. DeLapp khuyên cha mẹ nên dựa trên sở thích cá nhân để dạy trẻ cách giải quyết vấn đề. Ông Ryan từng đề nghị trẻ xây dựng một khối hình lego và nghĩ ra nhiều giải pháp khác nhau, từ đó đánh giá ưu, nhược điểm của từng phương án. Điều quan trọng là giúp trẻ dự đoán các tình huống và tìm ra cách giải quyết cùng phương án dự phòng. Qua đó, các em sẽ biết cách xử lý khi gặp những tình huống bất ngờ, gây căng thẳng trong đại dịch, theo Wall Street Journal. Ảnh: SpectrumNews. |
4. Dạy trẻ tìm kiếm sự giúp đỡ: Người kiên cường không phải lúc nào cũng tự chống chọi với những tình huống khó khăn. Trong một số trường hợp, yêu cầu giúp đỡ có vai trò quan trọng, nhất là đối với trẻ. Đôi khi, trẻ cảm thấy khó mở lời tìm kiếm sự giúp đỡ và các em dễ bị mắc kẹt nếu không được hỗ trợ. Vì thế, cha mẹ cần dạy trẻ tìm kiếm sự giúp đỡ bằng cách làm mẫu, ví dụ như đề nghị trẻ lắng nghe bạn tâm sự. Khi đó, trẻ sẽ hiểu rằng mọi người đều có vấn đề riêng và cần người khác giúp khi cần thiết. Bạn nên cởi mở khi trẻ cần hỗ trợ để xây dựng lòng tin và tạo cảm giác an toàn cho con. Ảnh: ParentMap. |
5. Cho trẻ rèn luyện kỹ năng sống: Cuộc sống trong đại dịch mang lại nhiều căng thẳng, nhưng đây cũng là cơ hội tốt để dạy trẻ kỹ năng sống và trau dồi khả năng phục hồi. Charlotte Klopp, một người mẹ ba con ở North Carolina (Mỹ), nói rằng con bà đang vượt qua đại dịch bằng cách luyện tập những thói quen và kỹ năng mới. Gia đình bà dành nhiều thời gian dọn nhà, làm vườn để giảm bớt căng thẳng. Người mẹ cũng dạy các con ý thức trách nhiệm với đồ đạc và không gian riêng của từng người. "Tôi nghĩ các con tôi đang phát triển một số kỹ năng mới. Tôi rất vui vì có thể giúp chúng làm điều đó", Charlotte Klopp nói với Times. Ảnh: Raising Children Network. |