Trong một cuộc khảo sát về những người đã kết hôn ở Singapore, 90% các cặp vợ chồng cho biết họ bất đồng về vấn đề tài chính trong khoảng một nửa thời gian chung sống.
Theo Asia One, dù đang cân nhắc kết hôn hay chuyển về sống chung với người yêu, mỗi người nên thẳng thắn trao đổi với đối phương về chuyện tài chính cá nhân để tránh xung đột tiềm ẩn. Trên thực tế, nếu hai bên không cùng quan điểm, việc đưa ra những quyết định tài chính quan trọng khi ở cùng nhau có thể dẫn đến bất đồng căng thẳng.
Trước khi quyết định về chung nhà, mỗi người cần làm rõ vấn đề tài chính với đối phương để tránh xung đột tiềm ẩn. Ảnh: BNZ. |
Để giúp mối quan hệ phát triển lành mạnh, Asia One đã đưa ra danh sách một số câu hỏi giúp làm rõ vấn đề tài chính của người bạn đời tương lai.
1. Đối phương có đang vay nợ không?
Một trong những yếu tố quan trọng là người yêu hay vợ/chồng tương lai của bạn có đang có món nợ nào hay không. Với nhiều người, chia sẻ về nợ nần là chuyện nhạy cảm, tuy nhiên cần có cái nhìn rõ ràng về khoản nợ mà người kia đang gánh để có cân nhắc về thời gian, phương pháp chi trả, tránh căng thẳng về sau.
Theo nguyên tắc chung, nợ "tốt" có thể giúp gia tăng tài sản trong dài hạn (như nợ giáo dục và vay mua nhà) không phải là một dấu hiệu đáng lo, trừ khi các khoản thanh toán có dấu hiệu không thể chi trả được. Nợ "xấu" như nợ thẻ tín dụng hoặc nợ cá nhân để chi tiêu có khả năng trở thành gánh nặng trong mối quan hệ.
2. Người kia tiết kiệm được bao nhiêu mỗi tháng?
Nếu bạn đời tương lai của bạn tiết kiệm được 20% thu nhập hàng tháng có nghĩa họ có tình trạng tài chính tốt về lâu dài.
Biết được số tiền tiết kiệm, thói quen chi tiêu giúp những đôi sắp về chung nhà lập được kế hoạch tài chính. Ảnh: Pinterest. |
Nếu đối phương không có khoản tiết kiệm, bạn nên tìm hiểu lý do. Có thể họ dùng số tiền kiếm được để đầu tư vào một lĩnh vực nào đó cũng được xem là điều đáng ủng hộ.
Các cặp vợ chồng sắp cưới có thể cân nhắc việc gửi tiền vào một tài khoản tiết kiệm có lãi suất cao hơn. Ngoài ra, họ có thể cân nhắc gửi tiền vào quỹ kế hoạch tiết kiệm thường xuyên, quỹ này sẽ thay mặt để giúp người gửi đầu tư vào thị trường.
3. Ai trả tiền cho các hóa đơn?
Một câu hỏi quan trọng trước khi quyết định về chung nhà với người yêu, bạn nên biết bình thường họ có chia sẻ việc chi trả các hóa đơn hàng tháng với cha mẹ hay để phụ huynh thanh toán mọi chi phí.
Trước khi kết hôn, các đôi cần thảo luận rõ về mức độ chi tiêu để thống nhất việc chi trả, bởi có thể một người sẽ tiêu nhiều hơn người còn lại.
Các cặp vợ chồng có thể lập chung tài khoản ngân hàng để chi trả hóa đơn. Ảnh: Pexels. |
Một số cặp vợ chồng còn lập tài khoản ngân hàng chung nhằm mục đích chi trả cho các hóa đơn. Lợi ích của việc có tài khoản chung là cả hai đều có thể truy cập, thanh toán và nắm được mức biến động trong chi tiêu.
Bên cạnh đó, nếu một trong hai người gặp tình huống bất ngờ cần đến tiền, tài khoản chung sẽ giúp họ ngay lập tức xử lý vấn đề. Tuy nhiên, việc dùng chung một tài khoản cũng nên được cân nhắc nếu vợ hoặc chồng có ý tưởng và kế hoạch riêng, muốn giữ kín.
4. Sở thích của người kia là gì?
Biết được sở thích của vợ/chồng tương lai giúp bạn hiểu cách họ tiêu tiền và điều gì quan trọng nhất với họ.
Ví dụ, nếu đối phương thích hoạt động ngoài trời, họ có thể sẽ chi nhiều tiền cho việc mua thiết bị và các kỳ nghỉ. Người đam mê công nghệ sẽ muốn tiêu tiền để mua sắm máy móc, cập nhật các món đồ chơi công nghệ mới.
Thậm chí có những sở thích nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến mối quan hệ. Ví dụ một người mê cờ bạc, cá độ có thể khiến tài chính gia đình suy kiệt nếu họ sa vào trò đỏ đen không có điểm dừng.
5. Nửa kia của bạn thấy họ đang ở đâu trong 5 năm tới?
Biết được kế hoạch của đối phương cũng giúp bạn tự xác định tài chính của mình. Ví dụ, bạn đời tương lai đang tiết kiệm để mua một căn nhà, bạn cần biết xem kế hoạch tiết kiệm của mình có phù hợp với họ không.
Trong trường hợp bạn và người kia cùng tìm mua một bất động sản trong vòng 5 năm tới, cả hai nên cùng tìm hiểu về kế hoạch tiết kiệm và loại nhà có thể mua được.
Đối phương có thể muốn bắt đầu kinh doanh của riêng họ hoặc có mục tiêu chuyển sang định cư ở nước ngoài, bạn cần trao đổi về những vấn đề này vì nó có khả năng thay đổi kế hoạch tài chính tương lai của bạn.