Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

5 câu hỏi xung quanh sai phạm của ĐH Đông Đô

Gần một tháng từ khi hiệu trưởng ĐH Đông Đô bị khởi tố với tội "Giả mạo trong công tác", vụ việc còn nhiều câu hỏi đang chờ Bộ GD&ĐT trả lời.

Sau khi hiệu trưởng ĐH Đông Đô cùng một số cán bộ bị khởi tố về tội "Giả mạo trong công tác", chủ tịch HĐQT bị truy nã, đại diện nhà trường chưa thể trả lời những câu hỏi của các học viên "kêu cứu".

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng chưa lên tiếng về trách nhiệm quản lý khi để xảy ra sai phạm nhiều năm ở ĐH Đông Đô.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho rằng nếu Bộ GD&ĐT làm hết trách nhiệm, đã không xảy ra sai phạm nghiêm trọng và nhiều năm ở ĐH Đông Đô.

Bộ GD&ĐT có tiền hậu bất nhất?

Sau khi thông tin khởi tố cán bộ ĐH Đông Đô được công khai, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT - cho biết nhiều năm qua, dù không được phép đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh, ĐH Đông Đô vẫn liên tục chiêu sinh. Riêng năm 2018, hiệu trưởng ĐH Đông Đô công nhận tốt nghiệp và cấp phát bằng cho hàng trăm sinh viên văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh.

sai pham cua dh dong do anh 1
Bộ không cấp phép, ĐH Đông Đô vẫn có thể đào tạo văn bằng 2 trót lọt nhiều năm? Ảnh: Tiền Phong.

Tiếp đó, trong văn bản trả lời báo chí ngày 17/8, Bộ GD&ĐT khẳng định không chỉ ngành ngôn ngữ Anh mà tất cả ngành mà trường này thông báo tuyển sinh văn bằng 2 đều chưa được cấp phép.

Tuy nhiên, theo Tiền Phong, trong ngày 12/10/2018, Đoàn kiểm tra số 1 của Bộ GD&ĐT kiểm tra tại ĐH Đông Đô (địa chỉ số 60B, phố Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Biên bản kiểm tra ngành nghề, trình độ và quy mô đào tạo của ĐH Đông Đô do bộ đưa ra ghi trường có đào tạo văn bằng 2 chính quy với 323 sinh viên.

Tháng 8/2018, Cục Nhà trường (Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng) có văn bản gửi Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) xin danh sách tổ chức khảo thí và các cơ sở đào tạo của Việt Nam được công nhận đủ điều kiện cấp văn bằng cử nhân ĐH (văn bằng 2) ngôn ngữ nước ngoài và tổ chức khảo thí được quốc tế và Việt Nam công nhận cấp Chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT từ 45 điểm trở lên…

Ngày 21/8/2018, Cục Quản lý Chất lượng có văn bản trả lời Cục nhà trường, cho biết Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài có mã ngành 72202 trong Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ ĐH ban hành kèm theo Thông tư số 24/2017/TT - BGDĐT ngày 10/10/2017 của Bộ trưởng GD&ĐT.

Từ công văn đó, Cục Nhà trường đã đưa ra hướng dẫn về quy trình, nội dung xác định trình độ ngoại ngữ đối với người dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ năm 2018 và những năm tiếp theo.

Hướng dẫn này liệt kê ra danh sách gồm 111 cơ sở đào tạo của Việt Nam được phép đào tạo và cấp văn bằng ĐH ngoại ngữ (văn bằng 2), trong đó có ĐH Đông Đô.

Câu hỏi đặt ra là thông tin do đại diện Bộ GD&ĐT cung cấp gần đây và quá trình kiểm tra, lập danh mục trước đó có bất nhất?

Bộ vẫn duyệt chỉ tiêu đào tạo?

Trái với khẳng định của Bộ GD&ĐT về việc ĐH Đông Đô không được cấp phép đào tạo văn bằng 2, năm 2017, trường này tổ chức tuyển sinh công khai 17 ngành hệ văn bằng 2 chính quy.

sai pham cua dh dong do anh 2
ĐH Đông Đô tuyển sinh văn bằng 2, chỉ tiêu tuyển sinh được Vụ Kế hoạch - Tài chính phê duyệt. Ảnh: Tiền Phong.

Cụ thể, năm 2017, trường xác định chỉ tiêu văn bằng 2 hệ ĐH chính quy là 150 dành cho 3 khối ngành III, V và VII. Năm 2018, trường tự xác định chỉ tiêu văn bằng 2 hệ ĐH chính quy là 400, không chính quy là 150 ở các khối ngành III, V và VII. Năm 2019, trường cũng tự xác định chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 chính quy là 500; vừa học vừa làm là 150.

Thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh nằm trong đề án của trường được công bố trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Thí sinh đọc đề án tự mặc định các ngành này đã thông qua thẩm định, được bộ duyệt chỉ tiêu.

Nhưng thực tế, báo cáo kết quả tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy các năm từ 2016 đến 2018 gửi về Vụ Giáo dục Đại học của trường không có thông tin về việc đào tạo văn bằng 2.

Như vậy, tại sao Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD&ĐT, lại phê duyệt khi trường không được cấp phép đào tạo? 

Sai phạm lớn trong nhiều năm không bị phát hiện?

ĐH Đông Đô tuyển sinh và đào tạo văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh từ năm 2016. Đến 2018, trường liên kết tuyển sinh với khoảng 200 trung tâm đào tạo ngắn hạn.

Năm 2017, trường tuyển sinh văn bằng 2 đối với 17 ngành. Như vậy, quy mô tuyển sinh, đào tạo của trường trong 3 năm qua rất lớn. Thế nhưng, Bộ GD&ĐT lại không phát hiện?

sai pham cua dh dong do anh 3
TS Lê Viết Khuyến nhận định việc ĐH Đông Đô sai phạm nhiều năm, quy mô lớn mà Bộ GD&ĐT không phát hiện rất lạ. Ảnh: Quang Đức.

Trao đổi với Zing.vn, TS Lê Viết Khuyến đặt nghi vấn tại sao sai phạm nghiêm trọng như vậy lại có thể tiếp diễn trong nhiều năm.

“Nếu sai phạm chỉ diễn ra với một vài sinh viên, thậm chí vài khóa, còn có thể nói do bỏ sót. Nhưng ĐH Đông Đô sai phạm nhiều năm với hàng nghìn sinh viên mà Bộ GD&ĐT để sót thì đúng là lạ. Chuyện này không thể nói không dính dáng gì đến trách nhiệm của bộ”, ông nêu quan điểm.

Dù khâu cấp bằng, duyệt chỉ tiêu tuyển sinh còn kẽ hở và với số lượng hàng trăm trường đại học, công tác thanh tra như “muối bỏ biển”, việc để một trường từng có nhiều sai phạm kể từ khi thành lập như ĐH Đông Đô liên tiếp đào tạo, cấp bằng trái phép rất khó biện giải.

Xử lý bằng đã cấp thế nào?

Trong nhiều năm qua, số lượng bằng hệ văn bằng 2 do ĐH Đông Đô cấp là số lượng không hề nhỏ. Hiện tại, phía cơ quan điều tra đã khởi tố lãnh đạo, cán bộ trường về sai phạm. Vậy, những người theo học tại đây, bằng cấp đã phát sẽ được xử lý như thế nào?

Hiện tại, Học viện Khoa học Xã hội đang chờ câu trả lời từ phía Bộ GD&ĐT vì 6-7 người trong danh sách 27 nghiên cứu sinh đào tạo trình độ tiến sĩ trúng tuyển do học viện công bố từ tháng 4 sử dụng văn bằng 2 Tiếng Anh hệ ĐH chính quy của ĐH Đông Đô.

Việc này đẩy trường vào tình thế khó xử. Họ không thể hủy kết quả vì học viên có phôi bằng thật. Nhưng bộ lại khẳng định không cấp phép đào tạo văn bằng 2 cho Đông Đô. Vì vậy, Học viện Khoa học Xã hội đành phải chờ bộ có quyết định thu hồi bằng không.

Theo TS Lê Viết Khuyến, xử lý bằng cấp rất phức tạp. Đúng theo quy định, bằng không có giá trị. Song cách làm này lại ảnh hưởng đến những người bị trường lừa, bản thân họ là nạn nhân.

Tương lai của ĐH Đông Đô ra sao?

Sau hàng loạt sai phạm, ĐH Đông Đô vẫn tồn tại và hoạt động suốt 25 năm qua. Hiện tại, sinh viên vừa tốt nghiệp của trường chưa được nhận bằng do hiệu trưởng bị bắt, không còn người ký.

sai pham cua dh dong do anh 4
Chuyên gia đề nghị giải tán ĐH Đông Đô sau hàng loạt sai phạm. Ảnh: VTV.

Tình trạng hiện tại của trường cũng khiến sinh viên lo lắng. Nếu trường đóng cửa, công sức học tập của họ coi như mất hết.

TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT - cho rằng sai phạm đến mức độ như ĐH Đông Đô, trường cần phải giải tán. Bộ đã có quy định. Trường sai phạm cần bị xử lý nghiêm túc, không phải kiểu xử rồi vẫn tồn tại. Xử lý một trường để răn đe hàng trăm trường khác.

Cùng quan điểm, TS Lê Viết Khuyến khẳng định với những sai phạm đó, trường không đủ tư cách của một cơ sở giáo dục đại học, không xứng đáng đào tạo.

Ông đề nghị xử lý nghiêm khắc bằng cách đình chỉ hoạt động đào tạo hoặc giải tán trường. Đương nhiên, mọi việc vẫn tùy thuộc kết quả điều tra của cơ quan công an và xét xử của tòa án.

Kẽ hở nào của Bộ GD&ĐT khiến ĐH Đông Đô 'nhởn nhơ' đào tạo văn bằng 2?

Các năm 2015, 2016, 2017, Bộ GD&ĐT có thông báo về việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh cho ĐH Đông Đô, trong đó xác nhận chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2.


Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm