Khi tình hình biển Đông nóng lên vì những hành động ngang ngược của Trung Quốc cũng là lúc các chiến sĩ cảnh sát biển nâng cao quyết tâm bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của đất nước.
Hơn bất cứ lúc nào, những người vợ, người yêu của các anh nơi quê nhà lại nóng lòng ngóng đợi, lo lắng cho sự an toàn của người thân. Đằng sau đó là những câu chuyện tình yêu đầy cảm động của các cảnh sát biển Việt Nam khiến nhiều người khâm phục.
1. Chuyện tình càng xa càng nhớ càng yêu của chàng cảnh sát biển
Chàng Thượng úy, Cảnh sát biển Vùng 3 Hồ Sỹ Quyết (SN 1986, quê Nghệ An) và Kim Thoa (SN 1986, quê Hà Tĩnh, hiện đang sống và làm việc tại Vũng Tàu) đã dệt nên một câu chuyện tình yêu tuyệt đẹp bởi sự chân thành và sẵn sàng hy sinh cho nhau. Dù tình yêu Thoa và Quyết đã trải qua nhiều xa cách, một người ngoài biển khơi, một người ở đất liền, nhưng hai trái tim vẫn hướng về nhau, làm chỗ dựa tinh thần vững chắc.
Cặp vợ chồng Sỹ Quyết và Kim Thoa mới cưới đã phải xa nhau vì anh phải ra biển bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. |
Họ đến với nhau sau khi tình cờ gặp mặt trong đám cưới một người bạn. Ấn tượng bởi nụ cười xinh xắn của Thoa, Quyết đã chủ động kết bạn trên Facebook. Những tin nhắn ít ỏi bởi công việc bận rộn không ngờ lại là sự mở màn cho một cuộc tình đẹp như mơ.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của họ có lẽ là lần đầu tiên hò hẹn. Món hải sản quen thuộc thường ngày bỗng khiến cô gái Kim Thoa nổi mẩn ngứa như mề đay và phải vào viện cấp cứu. Quyết bắt đầu dành cho cô những ân cần, chăm sóc đầu tiên.
2 năm yêu nhau, ngày xa nhiều hơn ngày gần. Những lần gặp nhau ít ỏi trở thành những giây phút hạnh phúc mà cả hai người đều trân trọng. Họ chia sẻ với nhau mọi niềm vui nỗi buồn qua chiếc điện thoại. Sau bao thử thách, ngày 2/3/2014, Sỹ Quyết và Kim Thoa đã chính thức nên duyên vợ chồng.
Cưới được 3 ngày, Sỹ Quyết có lệnh đi biển tuần tra, sau đó anh theo lệnh của cấp trên cùng các chiến sĩ khác lên đường ra đảo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Ở nhà, Kim Thoa vẫn gửi gắm mọi thương nhớ qua cánh sóng điện thoại và động viên anh yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.
2. Xúc động tình yêu của chàng cảnh sát biển và cô giáo xinh xắnMột câu chuyện tình yêu khác khiến nhiều người phải rơi nước mắt vì những hy sinh của họ để bảo vệ tình yêu của mình, đó là tình cảm đẹp của bác sĩ Trương Trường Quang và cô giáo Võ Thị Diệu Thảo.
Bác sỹ Trương Trường Quang – Chủ nhiệm quân y Cảnh sát biển vùng 2, hiện đang sát cánh cùng đồng đội làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc tại vùng biển Hoàng Sa. Anh đã may mắn nhận được tình yêu chân thành và sự ủng hộ, đồng cam cộng khổ của người yêu (nay đã trở thành vợ anh Quang) là cô giáo Võ Thị Diệu Thảo, hiện đang công tác tại trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật du lịch Quảng Nam (TP Tam Kỳ).
Hình ảnh vợ chồng anh Quang trong lễ đính hôn. |
Quen biết và yêu nhau đã được gần 5 năm, tình yêu của họ thật khó có thể đong đếm nổi những nhớ thương trong suốt thời gian anh Quang công tác. Có những khi Diệu Thảo không tránh khỏi sự tủi thân vì 2 tháng mới được gặp người yêu. Nhưng chị vẫn luôn tự nhủ bản thân rằng, anh đang vì nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả đối với đất nước và chị tự hào vì điều đó.
Tình yêu của anh chị gửi gắm qua cả những món quà biển mà anh Quang mang theo mỗi khi về thăm người yêu, là những lần anh cõng chị trên lưng, ngắm nhìn những con thuyền thắp đèn lênh đênh giữa đại dương và nói đó là những tượng đài chủ quyền bất tử của quê hương mình.
Đám cưới chưa kịp tiến hành thì anh Quang bất ngờ thông báo sẽ lên tàu ra vùng biển Hoàng Sa làm nhiệm vụ. Một mình chị Thảo ở nhà chuẩn bị mọi việc cho đám cưới. Chị và gia đình xác định tinh thần nếu anh không về kịp ngày cưới thì gia đình vẫn sẽ tổ chức ngày 8/6. Nhưng may mắn anh Quang được nghỉ phép ngắn về nhà những ngày cuối tháng 5 nên hai bên gia đình đã tổ chức đám cưới sớm hơn dự kiến để anh tiếp tục công tác hoàn thành nhiệm vụ.
3. Chuyện tình của thuyền phó tàu CSB 4033 và người vợ trẻ
Trung úy Phạm Khả Đăng (27 tuổi, quê ở huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang công tác tại tàu 4033, hải đội 201, vùng cảnh sát biển 2 (Tam Quang, Núi Thành, Quảng Nam) mới từ Hoàng Sa trở về để lo việc gia đình, chăm sóc mẹ già bị bạo bệnh. Anh là thuyền phó tàu CSB 4033 đang thực thi nhiệm vụ chấp pháp trên biển Đông. Tàu CSB 4033 từng đối đầu với tàu Trung Quốc gần đây, khiến họ buộc phải lùi bước.
Trở về nhà trong nỗi lo về gia đình, anh Đăng không khỏi xúc động khi chứng kiến cảnh người vợ hiền đảm đang của mình tận tụy bón cơm cho bố chồng và thay anh chăm sóc người mẹ già mang bệnh ung thư.
Anh Đăng luôn nhận được sự cổ vũ tinh thần từ vợ mình là chị Nguyễn Thị Mận. |
Vợ anh là chị Nguyễn Thị Mận (25 tuổi) phải nghỉ dạy học tại Đà Nẵng để về chăm sóc bố mẹ chồng. Anh Đăng và chị Mận cưới nhau chưa được 4 tháng. Anh luôn canh cánh trong lòng một nỗi niềm vì chưa chăm sóc cho vợ ngày nào, chưa từng nấu cho chị một bữa ăn hay đưa chị đi chơi, mua sắm. Hai người cũng chưa sinh con. Anh Đăng chia sẻ đầy xúc động rằng, anh hạnh phúc khi có chị và thấy mang ơn vợ nhiều.
Chị Mận đã chấp nhận mọi thiệt thòi về phần mình để anh yên tâm hoàn thành nhiệm vụ. Đối với chị, đây là niềm tự hào lớn lao và chị luôn hiểu cho công việc của chồng. Sau ngày nghỉ phép, anh trở lại với nhiệm vụ cùng các đồng đội, chị luôn cổ vũ tinh thần cho anh hoàn thành nhiệm vụ để sớm trở về với gia đình.
4. Mái ấm hạnh phúc của Trung úy trên tàu Cảnh sát biển 4033
Cũng như Trung úy Phạm Khả Đăng, Trung úy Thái Song Hiệp (SN 1980, quê Hà Tĩnh) là một trong các cảnh sát biển đang làm nhiệm vụ trên tàu Cảnh sát biển 4033 - một trong hai tàu của Việt Nam đã đối đầu với tàu Trung Quốc vừa qua. Để có thể cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ, anh phải trông cậy mọi việc nhà và việc nuôi dưỡng các con vào người vợ. Chính nhờ có chị - hậu phương vững chắc, anh có thể yên tâm để bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió.
Gia đình Trung úy Thái Song Hiệp và chị Võ Thị Xuyến. |
Gia đình nhỏ của anh ở trong căn phòng thuộc Nhà công vụ vùng 3 Hải quân (quận Sơn Trà, Đà Nẵng). Thế nhưng, tính chất công việc khiến anh không mấy khi được sum vầy cùng vợ con. Dù vậy, những bữa cơm vội, những lần trở về chóng vánh không vì thế mà làm tình cảm vợ chồng anh phai nhạt.
Ngược lại, gạt đi mọi lo lắng, vợ anh, chị Võ Thị Xuyến (SN 1980, quê Quảng Nam) vẫn luôn động viên chồng mình để anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó. Một mình chị đã nuôi nấng hai người con, vừa làm mẹ vừa làm cha để chăm sóc, dạy bảo các con.
Con trai anh mới 6 tuổi nhưng sớm được vợ chồng anh truyền cho tình yêu Tổ quốc và cũng mong muốn sau này trở thành chiến sỹ cảnh sát biển giống như bố để bảo vệ chủ quyền đất nước.
5. Hậu phương vững chắc của nhân viên pháo tàu CSB 2012
Thiếu úy Nguyễn Nam Tiến là nhân viên pháo tàu CSB 2012 đang ngày đêm cùng các đồng đội bảo vệ Biển Đông của đất nước. Vợ anh, chị Hoàng Như Phương (27 tuổi) vì muốn được gần chồng nên quyết định vào Đà Nẵng thuê nhà trọ sống và tiếp tục đi học nâng cao ngành kế toán.
Mối tình của anh chị luôn khiến chị Phương mỉm cười hạnh phúc mỗi khi nhớ đến. Họ gặp tiếng sét ái tình ngay trong lần đầu gặp mặt. Sự cương trực, vui vẻ của anh và sự điềm đạm, chăm chỉ của chị đã giúp họ xích lại gần nhau, bén duyên và kết đôi vợ chồng. Hạnh phúc hơn nữa khi con trai của anh chị, cháu Nguyễn Quang Minh chào đời vào năm 2010.
Vợ và con trai thiếu úy Nguyễn Nam Tiến, nhân viên pháo tàu CSB 2012. |
Anh Tiến thường xuyên xa nhà khiến chị không khỏi có những lúc chạnh lòng mỗi khi con đau ốm, một thân một mình lo cho con. Nhưng hơn tất cả, chị vẫn vượt qua mọi khó khăn, thông cảm và động viên anh. Đối với chị, mỗi lần chồng được về thăm nhà, vui đùa cùng con có lẽ là giây phút hạnh phúc nhất. Chị cho rằng mọi vất vả của mình khó có thể bằng một phần vất vả mà anh phải đối mặt ở ngoài biển khơi. Chính bởi vậy, chị luôn đảm đương tốt mọi việc ở hậu phương để anh có thể yên tâm công tác.
Con trai của họ còn nhỏ nhưng đã có một niềm tự hào lớn lao vì có bố là cảnh sát biển. Đối với cậu bé, bố chính là một anh hùng!