Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

5 cô gái xem mắt 100 người đàn ông ở Trung Quốc

"Ngày hội hẹn hò" được tổ chức hôm 5/2 ở Bi Châu (Từ Châu, tỉnh Giang Tô) có tới 100 nam giới đến xếp hàng, nhưng chỉ có 5 người phụ nữ tham gia.

Buổi "hẹn hò mù quáng" diễn ra ở bãi đất trống dưới chân cầu sông Picheng, thành phố Bi Châu. Khoảng 100 người đàn ông tụ tập tại đây, mục đích của họ là "phỏng vấn" cùng 5 người phụ nữ tham gia mai mối để tìm được đối tượng hẹn hò.

Những bà mối cầm micro, làm nhiệm vụ điều phối, lần lượt đọc tên các chàng trai và giúp các cô gái giới thiệu bản thân.

dan ong trung quoc khong lay duoc vo anh 1

Người dân địa phương tụ tập để xem cuộc mai mối tập thể của 5 phụ nữ và 100 người đàn ông ở Bi Châu.

Theo Sohu, buổi xem mắt này do người dân trong làng tự nguyện tổ chức và diễn ra thường niên vào ngày mùng 5 Tết.

Tuy nhiên, cảnh tượng trong cuộc xem mắt này đã gây nên nhiều tranh cãi về vấn đề chênh lệch nam nữ ngày càng sâu sắc tại đất nước tỷ dân.

Phụ nữ tuyển chồng

Một trong số những người tham gia buổi xem mắt tập thể lần này là nam thanh niên địa phương 28 tuổi. Anh giới thiệu đã có nhà và ôtô, trong gia đình còn có 3 chị em gái nữa, tuy nhiên anh vẫn chưa tìm được đối tượng hẹn hò.

Theo người dân địa phương, ngày mùng 5 Tết hàng năm là dịp để dân làng tổ chức các cuộc mai mối tự phát, người tham dự đến từ các địa phương khác nhau.

Một bà mối họ Jiang có mặt tại buổi hẹn hò cho biết cảnh tượng ở hiện trường không khiến bà bất ngờ.

"Những năm gần đây, có rất nhiều nam, nữ thanh niên làm ăn xa thường phải tranh thủ dịp về quê ăn Tết để tìm kiếm đối tượng kết hôn. Những buổi xem mắt tập thể hay hẹn hò mù quáng như thế này được tổ chức khá nhiều vào dịp đầu xuân. Mọi người thường tập trung ở các khu vực chân cầu hay công viên để gặp gỡ đối tượng", Jiang nói.

dan ong trung quoc khong lay duoc vo anh 2

Nam giới đến buổi xem mắt cùng với bố mẹ của mình.

Theo Jiang, con gái ngày càng "có giá", việc "con gái chọn chồng" phổ biến hơn. Yêu cầu cơ bản của các cô gái địa phương với đàn ông là phải có xe, nhà lầu, sau đó mới đến xem xét công việc ổn định và tính đến chuyện kết hôn.

Ngoài ra, để đồng ý về làm dâu, phía nhà gái còn yêu cầu sính lễ ngày kết hôn từ 160.000 nhân dân tệ (hơn 570 triệu đồng) đến mức 400.000 tệ (hơn 1,4 tỷ đồng). Rõ ràng, một chàng trai có gia cảnh tốt, nhiều tiền dễ tìm được bạn đời hơn.

Trả lời truyền thông, đại diện Cục Nội vụ Bi Châu cho biết thực tế có sự mất cân bằng trong tỷ lệ kết hôn giữa nam và nữ khiến nam giới địa phương này ngày càng khó lấy vợ.

Đồng thời quan điểm về hôn nhân và tình yêu của cả hai giới cũng có nhiều thay đổi. Những phụ nữ học vấn cao thường chọn ra ngoài làm việc và không vội vàng kết hôn.

Nỗ lực muộn màng

Chênh lệch giới tính khi nam nhiều hơn nữ, áp lực kinh tế và xã hội là những nguyên nhân chính khiến giới trẻ Trung Quốc ngày càng khó khăn trong việc kết hôn.

Dữ liệu điều tra dân số vào năm 2000 và 2010 cho thấy thanh niên từ 25 đến 29 tuổi có trình độ đại học nhiều khả năng là người độc thân. Đặc biệt, phụ nữ ở các thành phố phát triển ít có mong muốn kết hôn hơn.

dan ong trung quoc khong lay duoc vo anh 3

Thanh niên Trung Quốc ngày càng ít mặn mà với chuyện kết hôn.

Để giải quyết tình trạng suy giảm dân số, Bắc Kinh đã bỏ chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ vào năm 2015 và thậm chí cho phép sinh con thứ 3 từ tháng 5/2021. Tuy nhiên, nó không thực sự tạo ra chuyển biến lớn khi ngày càng nhiều người trẻ ngại sinh con.

Theo China Youth Daily, những năm gần đây, việc kết hôn ở các vùng nông thôn ngày càng được các gia đình thúc đẩy sớm. Nhiều cô gái chỉ mới tốt nghiệp cấp 3 đã được bà mối đến hỏi kế hoạch học tập, rằng muốn học lên cao hay tính chuyện lấy chồng.

Bên cạnh đó, áp lực "quà thách cưới" khiến ngày càng nhiều đàn ông nông thôn ở Trung Quốc ngán ngẩm khi nói đến chuyện kết hôn. Nhà cô dâu thách cưới quá cao, cùng với yêu cầu về gia cảnh, điều kiện kinh tế và nhiều yếu tố khác có ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường tình yêu và hôn nhân ở đất nước tỷ dân.

Trước tình trạng đàn ông nông thôn không thể lấy được vợ, chính phủ Trung Quốc đã liên tục ban hành các quy định nhằm cải thiện tình hình kết hôn ở các thanh niên vùng quê.

Ngoài tuyên truyền nâng cao nhận thức, chấn chỉnh các hủ tục không lành mạnh, chính quyền nhiều tỉnh còn đưa ra mức trần thách cưới để đàn ông lấy được vợ.

Thậm chí, chính quyền nhiều địa phương còn đứng ra làm cầu nối, giúp người độc thân tìm được bạn đời.

Chủ tịch công ty ở Trung Quốc thành người nhặt rác

Jiang Yuanchen (75 tuổi) từng là doanh nhân nổi tiếng, làm chủ nhiều công ty. Năm 2017, ông phá sản và trở thành người vô gia cư, sống bằng nghề nhặt rác.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm