Mỗi dịp đầu năm đi chúc Tết họ hàng, câu hỏi khiến người trẻ Trung Quốc ám ảnh nhất là "Đã có người yêu chưa?", "Bao giờ cưới?". Không chỉ giục kết hôn, không ít thanh niên còn phải tham gia vào những buổi xem mắt liên tiếp do người nhà sắp đặt khi có dịp đón Tết ở quê.
Trước Tết Nguyên đán năm nay, mạng xã hội Trung Quốc xôn xao trước câu chuyện một nam lập trình viên phải lên kế hoạch xem mắt trong suốt 7 ngày nghỉ lễ.
"Tôi thấy hẹn hò còn khó hơn cả cày KPI công việc", anh chàng này than thở. Ngay dưới phần bình luận, không ít dân cư dân mạng có chung hoàn cảnh cũng kể về câu chuyện dở khóc dở cười của mình.
"Tôi cũng giống cậu. Nhà tôi sắp xếp cho tôi 5 cuộc xem mắt một ngày", "Năm nào về quê ăn Tết tôi cũng như rơi vào chiến dịch hẹn hò mù quáng không cảm xúc", "Mỗi lần xem mắt, tôi thấy khổ hơn cả đi làm", nhiều cư dân mạng bình luận.
Kỳ nghỉ Tết trở thành "ngày hội xem mắt" ở Trung Quốc. |
Trải nghiệm khó chịu khi phải hẹn hò mù quáng trong dịp nghỉ Tết như của nam lập trình viên không phải hiếm gặp ở Trung Quốc.
Trên mạng xã hội Xiaohongshu, có hơn 10.000 bài viết liên quan đến chủ đề "Những buổi hẹn hò mù quáng vào lễ hội mùa xuân". Dù là lựa chọn chủ động hay thụ động, những cuộc xem mắt dịp Tết đã trở thành một phần cuộc sống của người trẻ tại đất nước tỷ dân.
Mắc bệnh tâm lý vì bị giục lấy chồng
Xiao Xia là một nữ nhân viên văn phòng độc thân tại Giang Tô. Cô bị áp lực bởi gia đình thúc giục chuyện lấy chồng. Dịp nghỉ Tết 7 ngày, cô được sắp xếp 6 buổi xem mắt.
Những cuộc hẹn hò mù quáng, phải gặp và trò chuyện liên tục với nhiều người lạ khiến Xiao gặp vấn đề tâm lý. Sau khi chẩn đoán, cô được xác nhận mắc "hội chứng trước kỳ nghỉ".
Chengzi, một cô nàng đang độc thân, kể đã bị bố mẹ sắp xếp 14 cuộc xem mắt trong 7 ngày. Suốt một tuần nghỉ Tết, sáng nào cô cũng phải dậy sớm thay quần áo rồi tiếp chuyện những anh chàng được bố mẹ họ đưa đến nhà.
Trong khi cặp nam nữ ngồi nói chuyện trong nhà, phụ huynh đôi bên cũng đứng bàn tán sôi nổi ngoài sân. Những cuộc xem mắt diễn ra trong không khí gượng gạo.
Không ít người phải xem mắt cả chục lần chỉ trong ít ngày nghỉ Tết. |
Chengzi thừa nhận cô không thể chấp nhận nổi những buổi hẹn hò mù quáng kiểu này. Tuy nhiên, dù muốn cự tuyệt xem mắt, cô vẫn không thể thoát khỏi áp lực từ bố mẹ.
"Bố mẹ liên tục hỏi tôi có nhắn tin WeChat mỗi ngày với người ta không, tình cảm của chúng tôi tiến triển đến đâu rồi", cô kể.
Bị "giam lỏng" suốt kỳ nghỉ Tết
Yaya (27 tuổi) sinh ra ở một huyện nhỏ tại Phúc Kiến. Những cô gái ở đây kết hôn từ khi còn khá ít tuổi. Yaya theo học đại học ở Bắc Kinh và ở lại đây làm việc sau khi tốt nghiệp. Cường độ công việc quá lớn khiến cô gần như không còn thời gian để hẹn hò, yêu đương.
Ngày về quê ăn Tết, cô được bố mẹ, cô dì trong gia đình sắp xếp xem mắt 10 chàng trai trong 5 ngày. Biết sẽ phải xem mắt vào hai buổi sáng, chiều mỗi ngày, cô thấy như mình bị cầm tù.
Sau buổi sáng trò chuyện với chàng trai lạ, cô chỉ có chút thời gian ăn uống, nghỉ ngơi rồi lại gặp thêm người nữa vào buổi chiều.
Áp lực khi bị giục kết hôn khiến thanh niên Trung Quốc mệt mỏi. |
"Tôi không hiểu được bố mẹ, họ muốn tôi kiếm một anh chàng cùng quê để kết hôn. Bố mẹ muốn tôi ở nhà chăm chồng, nuôi con, không phải vất vả làm lụng bên ngoài. Thế nhưng những gì tôi được giáo dục ở trường lại hướng tôi phấn đấu vì cuộc sống mà mình mơ ước, không phải chỉ biết an phận", Yaya bày tỏ.
Trong thời gian về quê, Yaya cũng dành thời gian gặp hai người bạn nữ học cùng lớp trước đây. Họ đều đã lập gia đình và sinh con, có cuộc sống ổn định. Song hai người ghen tỵ với cuộc sống tự do của Yaya, mơ ước được sống như cô.
Trong 10 chàng trai đã xem mắt, Yaya có cảm tình với 2 chàng trai, nhưng họ đều nói điều kiện tiên quyết để kết hôn là cô phải chuyển về quê. Trong đó, có một anh chàng chấp nhận để cô theo đuổi sự nghiệp ở thành phố nên cô quyết định tiếp tục tìm hiểu.
"Người đó không nhất thiết phải chuyển đến cùng thành phố với tôi, nhưng tôi nghĩ tôn trọng nhau là điều kiện quan trọng nhất trong một mối quan hệ", Yaya nói.