Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công thức tạo bom tấn nhìn từ sức hút của 'Kong'

Hầu hết các nhà làm phim Hollywood vẫn phải tuân theo một số nguyên tắc nếu muốn làm nên một bom tấn, thu về hàng trăm triệu USD trên toàn cầu.

Với nhiều khán giả, cụm từ “phim bom tấn” (từ gốc: blockbuster) thường dùng để chỉ những bộ phim có nguồn đầu tư lớn, được quảng bá rầm rộ nhằm phân biệt với các bộ có kinh phí thấp.

"Kỹ thuật bom tấn" nói theo nhà văn nổi tiếng John Truby không có nghĩa là tạo ra một kịch bản cực kỳ tốt mà nó phải mang những yếu tố cho phép bộ phim đó hòa hợp hơn với đại đa số công chúng.

cong thuc lam phim bom tan anh 1
Huyền thoại King Kong tái xuất đã đem lại doanh thu tuần đầu ấn tượng cho Kong: Skull Island. Ảnh: Warner Bros. 

1. Kinh phí lớn

Với kinh phí sản xuất 185 triệu USD và thu về hơn 150 triệu USD chỉ sau 3 ngày công chiếu, bộ phim Kong: Skull Island được xem là một bom tấn thành công của Hollywood.

Tuy nhiên, nếu nói đây là một dự án điện ảnh có ngân sách khủng thì chưa phải nếu so với những bộ phim cùng ra mắt trong đầu năm nay như Beauty and the Beast (hơn 300 triệu USD) hay The Fate of the Furious (200 triệu USD).

Nguồn ngân sách để thực hiện và quảng bá phim tại Hollywood nhiều năm nay liên tục tăng lên. Trước năm 2000, một bộ phim có chi phí sản xuất khoảng 100 triệu USD đã được xem là nguồn đầu tư khổng lồ.

Hiện tại kinh phí trung bình của những tác phẩm nằm trong đế chế của 6 hãng phim lớn nhất thế giới thường dao động từ 200 - 400 triệu USD như phim Cướp Biển Vùng Caribê: Nơi Tận Cùng Thế Giới (2007, 340 triệu USD), Harry Potter và Hoàng Tử Lai (2009, 275,5 triệu USD), Tangle (2010, 281,3 triệu USD), Batman v Superman: Dawn of Justice (2016, 250 triệu USD)…

Riêng Marvel Studio, hai bom tấn mới của hãng này là Avengers 3 4 dự kiến sẽ ngốn hơn 1 tỷ USD, con số được xem là cao nhất trong lịch sử.

cong thuc lam phim bom tan anh 2
Cướp Biển Vùng Caribê: Nơi Tận Cùng Thế Giới hiện tại đang nắm giữ kỷ lục phim có chi phí sản xuất cao nhất mọi thời đại với khoảng 340 triệu USD. Ảnh: Cinemablend. 

 

Đa phần những bộ phim được đầu tư lớn là những tác phẩm thuộc thể loại khoa học viễn tưởng, hành động, thần thoại. Chính vì tính chất của những phim này đòi hỏi phải có nhiều kỹ xảo hình ảnh (CGI).

Khi khán giả đến rạp xem những bộ phim thuộc các thể loại trên, ngoài nội dung hấp dẫn điều họ trông chờ dĩ nhiên là sự mãn nhãn với hình ảnh.

Chính vì vậy trong một tác phẩm được dán mác “bom tấn” thì kỹ xảo hoành tráng là hạng mục ngốn nhiều tiền nhất từ nhà sản xuất. Đạo diễn Steven Spielberg tiết lộ rằng trong phim Jurassic World họ phải mất 80.000 USD để làm kỹ xảo một con khủng long đi bộ trên màn hình trong 8 giây và khoảng 150.000 USD để có sự xuất hiện của 4 con.

Dù vậy, canh bạc bom tấn đầy liều lĩnh này vẫn liên tục được các nhà đầu tư rót vào với kinh phí khủng vì họ có đủ cơ sở để tin rằng lợi nhuận thu về của các bộ phim này sẽ nhanh chóng hoà vốn chỉ sau vài ngày công chiếu.

2. Yếu tố siêu anh hùng, thần thoại

John Truby, chuyên gia tư vấn cho Disney Studios, Sony Pictures, Fox và HBO tiết lộ hai “từ khóa” nếu muốn xây dựng một kịch bản bom tấn Hollywood dễ dàng được chào đón, đó là hai yếu tố “thần thoại” và “anh hùng”.

Khoảng 10 năm đầu thế kỷ 20, thần thoại có thể được xem là đề tài được khai thác nhiều nhất khi các nhà làm phim muốn cho ra đời một bom tấn. Bởi những câu chuyện thần thoại luôn có sức ảnh hưởng to lớn, đa dạng, nhiều màu sắc và có thể kích thích sự tò mò của khán giả dù ở nền văn hoá nào.

Những phim theo thể loại này như The Lord of the Rings, Troy, 300, Percy Jackson, Clash of the TitansMaleficent nhờ đó có thể thành công ở nhiều quốc gia khác nhau.

cong thuc lam phim bom tan anh 3
 The Lord of the Rings được xem là đỉnh cao của dòng phim thần thoại. Ảnh: Movie Web. 

 

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, làm phim về siêu anh hùng với sức mạnh siêu nhiên, có khả năng oanh tạc màn ảnh bằng những pha chiến đấu hoành tráng mới chính là công thức hữu hiệu nhất để tạo nên một bom tấn đình đám.

Số lượng các phim về đề tài siêu anh hùng từ đó tăng lên chóng mặt. Nếu từ năm 1996 đến năm 2000, Hollywood chỉ có khoảng 8 phim siêu anh hùng thì trong vòng 5 năm qua đã có hơn 20 phim.

Ước tình cứ một bộ phim siêu anh hùng có ngân sách trong vòng 200 triệu USD sẽ đem về doanh thu cao hơn 50 triệu so với phim khác có cùng ngân sách.

3. Hình tượng quen thuộc

Điều đem đến thành công cho bộ phim Kong: Skull Island mới đây nằm ở hình tượng nhân vật Kong huyền thoại. Chính sự quen thuộc của King Kong khổng lồ đã khiến khán giả phải bỏ tiền ra rạp để gặp lại “vua của loài khỉ” cách đây 12 năm. Hay như phần mới của nhân vật X-Men nổi tiếng WolverineLogan đến nay cũng đã đem về hơn số tiền hơn 430 triệu USD toàn cầu.

Việc xây dựng lại hoặc tiếp nối những hình tượng quen thuộc với khán giả trên màn ảnh có thể là cách đầu tiên mà các nhà sản xuất hướng tới nếu muốn tìm một nội dung đắt giá để làm phim. Việc tái khởi động lại một nhân vật nào đó có lẽ đã quá quen với khán giả nhiều năm nay.

Như Spiderman (2017) phiên bản thứ hai của vũ trụ Marvel được reboot (làm lại) tuy chưa ra mắt nhưng cũng nghiễm nhiên trở thành bom tấn đáng chú ý bởi hình tượng Người Nhện quen thuộc cùng sự đầu tư chưa bao giờ nhỏ của Marvel.

Cuộc đối đầu của Kong và Godzilla trong phim mới sẽ được khán giả chờ đợi từ giờ đến năm 2020. 

cong thuc lam phim bom tan anh 4
Hình tượng Logan quen thuộc với khán giả suốt 17 năm qua. Ảnh: Fox. 

4. Nhượng quyền thương mại

Theo thống kê của Economist, ngày nay gần 1/5 số phim Hollywood được tung ra trong một năm sẽ thuộc nhóm phim nhượng quyền thương mại. Ở trong cùng một điều kiện, thì phần tiếp theo hoặc phim chuyển thể từ những tác phẩm đã nổi tiếng trước đó sẽ kiếm được nhiều tiền hơn, cụ thể là nhỉnh hơn khoảng 35 triệu USD so với các phim khác.

Năm 2016, trong 10 phim có doanh thu cao nhất thị trường Bắc Mỹ đã có đến 8 phim là phần tiếp theo, làm lại và chuyển thể. Tờ ComScrore nhìn nhận rằng, hiếm có tác phẩm nào đơn độc, mới toanh mà lại có thể trở thành bom tấn Hollywood.

Khái niệm chuỗi phim đã thống trị Hollywood suốt nhiều thập kỷ qua. Hầu hết phim làm lại, phim chuyển thể từ truyện, phim live-action hay các phần phim tiếp theo vẫn được nhìn nhận là yếu tố cơ bản nhất để tạo nên bom tấn.

Những dự án nhượng quyền thương mại thành công nhất có thể kẻ đến là những bom tấn Avengers của Marvel, phim về hai anh hùng lừng lẫy Superman và Batman của DC hay loạt phim X-Men của Fox.

Không chỉ vậy, việc làm phim live-action từ những tựa phim hoạt hình nổi tiếng của Disney cũng đã trở thành xu hướng hãng này như như Cinderella, Beauty and the Beast, Hoa Mộc Lan, Cruella, The Nutcracker and the Four Realms và Tinker Bell.

Bên cạnh những con số doanh thu rõ ràng, hiệu ứng truyền thông từ một bộ phim nhượng quyền thương mại cao hơn rất nhiều so với các dự án “trên trời rớt xuống”.

Minh chứng gần đây nhất là sự thành công vang dội trước khi công chiếu của các bộ phim như phiên bản live-action Beauty and the Beast, phần 8 loạt phim Fast and Furious hay phim chuyển thể từ truyện tranh Nhật Ghost in the Shell.

cong thuc lam phim bom tan anh 5
Beauty and the Beast tạo được tiếng vang nhờ là phim chuyển thể từ phiên bản hoạt hình năm 1991. Ảnh: Disney. 

 

5. Đừng chỉ dựa vào các “ngôi sao phòng vé”

Sự tham gia của các ngôi sao điện ảnh trong phim từng được xem là bảo chứng cho thành công của phim ở phòng vé.

Tuy nhiên những năm trở lại đây, nhiều bộ phim có sự tham gia của các tên tuổi lừng danh không những không thể trở thành bom tấn được đánh giá cao mà ngược lại trở thành “bom xịt” đáng thất vọng.

Trong lịch sử, Hollywood tin rằng các ngôi sao chính là "nam châm" thu hút khán giả mạnh mẽ. Nhưng theo tờ Deadline, hiện nay rất nhiều phim bom tấn không còn quá chú trọng trong việc chọn một tên tuổi lớn.

Trong năm ngoái, những ngôi sao như Tom Hanks (Inferno, Sully), Ben Stiller (Zoolander 2), Brad Pitt (Allied), Johnny Depp (Alice Looking Through The Glass) đều không thể cứu vãn những lỗ hổng quá lớn của phim và doanh thu của những bộ phim này “thê thảm” tại phòng vé.

Hay với trường hợp khác là Passengers, mặc dù được đánh giá khá cao về nội dung, cùng với sự góp mặt của nữ hoàng phòng vé là Jennifer Lawrence và nam diễn viên Chris Pratt nhưng doanh thu của phim vẫn lẹt đẹt ở cuối bảng. 

Không chỉ riêng sức hút đang dần mờ nhạt của những diễn viên, các đạo diễn hàng đầu như Steven Spielbearg với bộ phim dành cho thiếu nhi The BFG và Lý An với tác phẩm Billy Lynn's Long Halftime Walk cũng không thể hấp dẫn đám đông.

Ngày nay, những nhà làm phim hàng đầu Hollywood tin rằng điều làm nên thành công của phim bom tấn hiện nay chính là ở một kịch bản hay dựa trên một nguyên tác nổi tiếng, sở hữu những nhân vật quen thuộc và nương theo thị hiếu nghệ thuật của số đông.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm