Dưới đây là chia sẻ của chuyên gia thẩm mỹ Vũ Thị Thanh Ngọc (Ms Jenny), đang làm việc tại Australia về những lưu ý khi thực hiện biện pháp nối mi:
1. Những ai nên, không nên nối mi?
Tất cả khách hàng có nhu cầu muốn một hàng mi dày đẹp đều có thể nối mi trừ những trường hợp:
- Mi quá yếu hoặc bị hư tổn do môi trường hay trang điểm.
- Mắt nhạy cảm với các thành phần trong keo nối mi, polyester (vật liệu làm mi giả).
2. Những kỹ thuật nối mi nào tiên tiến nhất hiện nay?
Có hai kỹ thuật phổ biến nhất hiện nay là:
- Nối mi Classic (one by one): một sợi mi giả sẽ được gắn vào một sợi mi thật (sợi mi 0,1 mm đến 0,25 mm).
- Nối mi Volume: nối từ hai đến mười sợi mi giả trên một sợi mi thật (sợi mi 0,04 mm đến 0,07 mm). Biện pháp này được ưa chuộng và phổ biến hơn do độ bền và hạn chế các sợi mi bị rối.
3. Quy trình
Tại các cơ sở thẩm mỹ uy tín, quy trình nối mi sẽ được thực hiện đầy đủ 3 bước sau:
- Kiểm tra tình trạng mi và độ kích ứng nếu có của khách hàng.
- Tìm hiểu mục đích sử dụng của khách hàng để tư vấn về kỹ thuật nối mi. lựa chọn sợi mi có độ dài, dày và độ cong phù hợp với đôi mắt.
- Vệ sinh mắt cho khách hàng bằng các sản phẩm không chứa dầu trước khi tiến hành nối mi.
Đôi mắt sâu và hút hồn hơn sau khi nối mi. Ảnh: Pinterest |
4. Cách giữ bộ mi bền đẹp?
Một bộ mi có thể có tuổi thọ tối đa 3 tháng nếu được chăm sóc đúng cách:
- Mắt kiêng nước, tránh tắm hơi, xông hơi hay rửa mặt nước nóng trong ít nhất 24 tiếng đầu.
- Không chải mi khi ướt. Không dùng các chất tẩy rửa có dầu.
- Tránh nằm ngủ trong thư thế úp.
5. Những rủi ro có thể gặp phải khi nối mi?
Sau khi nối mi, bạn có thể bị cay mắt, cộm, đỏ, nặng hơn là viêm bờ mi, viêm lỗ chân lông mi, nhiễm trùng mắt hay lây các bệnh về mắt nếu:
- Mắt không vệ sinh sạch sẽ trước khi nối.
- Keo không đảm bảo chất lượng và hạn sử dụng.
- Dụng cụ nối mi dùng chung cho các khách khác nhau.