![]() |
Thuỷ đậu dù được xem là bệnh lành tính nhưng có thể gây biến chứng nặng đối với trẻ sơ sinh. Ảnh: Washington Post. |
Thủy đậu thường được coi là bệnh truyền nhiễm lành tính, đặc biệt ở trẻ em. Tuy nhiên, ThS.BS Phan Minh Đoàn, khoa Lâm sàng 2, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết bệnh vẫn có thể gây biến chứng nghiêm trọng, nhất là ở người lớn tuổi hoặc phụ nữ mang thai.
Dưới đây là 5 điều quan trọng người dân cần biết
Bệnh thường bắt đầu giống cảm cúm
Thủy đậu thường khởi phát với các triệu chứng giống cúm như sốt, mệt mỏi, đau đầu. Sau đó, người bệnh xuất hiện các mụn nước nhỏ li ti khắp cơ thể, gây ngứa ngáy và khó chịu. Những mụn nước này có thể vỡ ra, đóng vảy và lành dần sau vài ngày.
Lây lan rất nhanh qua đường hô hấp
Virus gây thủy đậu lây truyền chủ yếu qua giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mụn nước. Nguy cơ lây nhiễm rất cao nếu tiếp xúc gần với người mắc bệnh, kể cả khi người bệnh chưa phát ban rõ ràng.
Có thể dẫn đến biến chứng nặng
Dù phần lớn trường hợp diễn tiến nhẹ, thủy đậu vẫn có thể gây ra các biến chứng như viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng huyết. Những đối tượng có hệ miễn dịch yếu, người lớn tuổi, thai phụ hoặc người chưa từng mắc bệnh sẽ có nguy cơ cao gặp biến chứng.
Vaccine giúp phòng bệnh hiệu quả
Vaccine là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu. Trẻ em nên tiêm mũi đầu tiên khi 12-15 tháng tuổi, mũi thứ hai cách đó 3 tháng. Trẻ trên 13 tuổi cần tiêm 2 mũi cách nhau một tháng. Người lớn chưa từng mắc thủy đậu hoặc chưa tiêm chủng cũng được khuyến cáo nên tiêm càng sớm càng tốt.
Tiêm vaccine giúp bệnh nhẹ hơn nếu mắc
Ngay cả khi đã tiêm vaccine mà vẫn mắc thủy đậu, bệnh cũng sẽ nhẹ hơn và ít biến chứng hơn. Đây là lý do các chuyên gia y tế khuyến cáo không nên chủ quan và cần chủ động tiêm phòng, đặc biệt trong thời điểm giao mùa, khi các bệnh truyền nhiễm dễ bùng phát.
Bác sĩ Đoàn khuyến cáo người dân không nên tự ý điều trị thủy đậu tại nhà bằng các mẹo dân gian, đặc biệt là bôi các loại lá lên vùng da tổn thương vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Ngoài ra, nên cách ly người bệnh trong giai đoạn có mụn nước để tránh lây lan ra cộng đồng.
Trong nhiều năm hành nghề y và từng giữ chức trưởng khoa dinh dưỡng của một bệnh viện lớn, tác giả Hạ Manh đã điều trị hơn 10.000 ca bệnh liên quan đến chế độ ăn uống không lành mạnh. Cuốn sách "Ăn chuẩn ít bệnh" (tập 1) được viết ra từ những kinh nghiệm chuyên môn của vị bác sĩ này, nó sẽ mang đến cho người bệnh những kiến thức hữu ích về dinh dưỡng, để xây dựng chế độ ăn hợp lý.