Thèm muối và đồ ăn mặn có thể là dấu hiệu cơ thể đang bị cạn kiệt dinh dưỡng. Ảnh: Beachbody on Demand. |
Để đưa ra nhận định trên, Eat This Not That đã phỏng vấn một chuyên gia dinh dưỡng về nguyên nhân khiến nhiều người lại thèm muối và đồ ăn mặn.
Chuyên gia này cho biết muối ăn được tạo ra từ sự kết hợp của 2 chất điện giải thiết yếu là natri và clorua. Những chất điện giải này đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng chất lỏng, độ pH, áp suất máu và chức năng thần kinh của cơ thể.
Tuy nhiên, từ xưa đến nay, muối vẫn thường bị "mang tiếng xấu" là một thành phần không tốt cho sức khỏe. Thực tế, nó lại là loại gia vị mỗi người cần tiêu thụ hàng ngày.
Theo chuyên gia dinh dưỡng, việc cảm thấy thèm ăn muối có thể là dấu hiệu của cơ thể đang bị cạn kiệt các chất dinh dưỡng có trong muối hoặc liên quan đến thói quen ăn uống, hormone của mỗi người. Trong đó, 5 lý do chuyên gia dinh dưỡng cho rằng bạn thèm ăn muối cụ thể như sau:
Bị mất nước
Natri và clorua rất cần thiết cho sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể, vì vậy khi xảy ra tình trạng mất nước, bạn có thể thèm ăn nhiều muối và uống nhiều nước hơn. Đây cũng là cách cơ thể khiến bạn ăn hoặc uống nhiều natri và clorua để cải thiện tình trạng hydrat hóa.
Ngoài ra, khi bị mất nước, bạn còn gặp một số triệu chứng khác như nhức đầu, ít đi tiểu, thờ ơ.
Khi cơ thể bị mất nước, bạn sẽ cảm thấy thèm muối cùng nhiều triệu chứng khác. Ảnh: Shutterstock. |
Để giảm nguy cơ mất nước, theo chuyên gia dinh dưỡng, bạn cần uống đủ chất lỏng trong ngày và cố gắng để nước tiểu có màu vàng nhạt đến trong. Nếu đang hoạt động hoặc ở nơi có khí hậu nóng ẩm, bạn cần tăng lượng muối ăn vào cùng với chất lỏng để bù đắp tình trạng mất nước.
Mắc hội chứng tiền kinh nguyệt
Hội chứng này còn được gọi là PMS và thường xảy ra vài ngày trước khi phụ nữ bắt đầu có kinh.
Khi xảy ra tình trạng PMS cơ thể sẽ có một loạt các triệu chứng khác nhau. Một số người có thể nhận thấy các triệu chứng thiên về mặt cảm xúc như thay đổi tâm trạng, cáu kỉnh, chán nản. Những người khác lại gặp sự thay đổi trong khẩu vị và thèm ăn bất kỳ loại thực phẩm nào, kể cả thức ăn mặn.
Phụ nữ mắc hội chứng tiền kinh nguyệt sẽ thèm ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau, trong đó có cả đồ mặn. Ảnh: Catholic Health. |
Nếu bạn thấy thèm ăn khoai tây chiên và bỏng ngô vào tuần trước kỳ kinh nguyệt, bạn có thể thưởng thức chúng. Tuy nhiên, chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn nên chọn các loại thực phẩm mặn có nhiều dinh dưỡng để thưởng thức (như bỏng ngô, các loại hạt muối, bánh quy giòn nguyên hạt). Ngoài ra, khi ăn đồ mặn, bạn cũng cần uống nhiều nước.
Bị căng thẳng
Một trong những nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng thèm muối là căng thẳng. Khi gặp tình trạng này, cortisol là hormone chính giúp cơ thể đối phó với căng thẳng.
Hormone này được giải phóng từ tuyến thượng thận, làm thay đổi các chức năng không cần thiết, huyết áp, nhịp tim và thậm chí cả việc sử dụng glucose để giảm sự căng thẳng.
Tình trạng căng thẳng sẽ khiến nhiều người cảm thấy thèm ăn muối. Ảnh: 123RF. |
Một nghiên cứu từ Tạp chí Khoa học thần kinh cho biết khi gặp căng thẳng, nhiều người thường có nồng độ natri trong máu cao và giải phóng ít cortisol hơn. Vì vậy, lúc này, cơ thể sẽ muốn tiêu thụ lượng muối cao để giúp kiểm soát tình trạng căng thẳng về mặt sinh lý.
Mất cân bằng điện giải
Khi tập thể dục hoặc sống ở vùng khí hậu nóng và ẩm, hay bị sốt, nôn mửa, tiêu chảy, cơ thể của bạn đều có thể bị mất cân bằng điện giải. Ở những trạng thái này, bạn sẽ bị mất chất lỏng và các chất điện giải có giá trị như natri.
Các triệu chứng của tình trạng mất cân bằng điện giải là cảm giác thèm ăn muối, nhức đầu, mệt mỏi, nhịp tim nhanh, chuột rút hoặc co thắt cơ. Để tránh thèm muối và các triệu chứng này, bạn có thể sử dụng đồ uống điện giải hoặc tăng lượng thức ăn mặn cùng với chất lỏng khác.
Mang thai
Hai trong số các triệu chứng phổ biến nhất mà phụ nữ mang thai gặp phải là buồn nôn và nôn.
Khi buồn nôn, phụ nữ mang thai có thể không thèm muối, nhưng tình trạng nôn mửa thì có. Nguyên nhân là khi nôn mửa, cơ thể sẽ mất nhiều nước và các chất điện giải.
Khi mang thai, nếu thèm muối và bị nôn mửa kéo dài, bạn cần đi gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể. Ảnh: iStock. |
Vì vậy, nếu cảm thấy thèm muối, bị nôn mửa trong thời kỳ mang thai bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, uống đủ nước và bù đắp thêm nhiều chất điện giải để duy trì sự cân bằng chất lỏng và chất điện giải trong cơ thể.
Đây là việc làm đặc biệt quan trọng vì có thể ảnh hưởng đến nhu cầu chất lỏng, chất dinh dưỡng của bé trong bụng mẹ. Ngoài ra, chất lỏng cân bằng điện giải cũng rất quan trọng khi cho phụ nữ con bú.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.