Sau khi uống sữa, một số người sẽ có triệu chứng bao tử bị đầy hơi, nôn nao, đau bụng. Đó là do cơ thể không thể dung nạp được lactose, thành phần đường trong sữa. Nhưng sữa lại là nguồn cung cấp canxi chính mà các thực phẩm khác khó thay thế được, nên thay vì nói không, bạn hãy cố gắng làm quen với sữa theo những cách sau:
1. Tìm hiểu loại sữa mình uống
Nếu đang uống sữa nguyên kem, bạn có thể thay thế bằng sữa gạn một nửa hay toàn bộ chất béo. Tuy cùng chủng loại nhưng nhiều người lại có cảm nhận khác nhau về mùi vị của sữa. Bạn có thể thử uống sữa đậu nành, sữa dừa hay các loại khác như sữa gạo, sữa không béo hay có mùi vani cũng rất ngon.
2. Uống mỗi lần một ít
Khi pha sữa, bạn có thể cho thêm một ít ngũ cốc hoặc rót sữa vào ly nhỏ để uống mỗi lần một ít vì khi uống một lượng sữa nhỏ, cảm nhận mùi vị của sữa cũng ít hơn. Nếu không quen với mùi sữa, bạn chỉ nên uống mỗi lần 1 muỗng và sau đó tăng dần lên.
3. Thêm độ lạnh cho sữa
Sữa bảo quản ở nhiệt độ phòng thường có mùi khó chịu hơn khi giữ trong tủ lạnh. Để giảm mùi khó chịu của sữa, bạn hãy làm lạnh trước khi uống bằng cách cho 1 viên đá nhỏ hoặc để ngăn mát tủ lạnh. Tránh làm ấm trước khi uống sẽ khiến mùi càng khó chịu hơn vì váng sữa nổi lên trên bề mặt của sữa.
4. Tạo mùi cho sữa
Bạn có thể thêm nước ép trái cây, nước si rô, bột sữa, trái cây nghiền, sinh tố trái cây, mật ong... để giảm bớt mùi và tăng thêm hương vị hấp dẫn cho sữa.
Uống sữa với sô-cô-la tan chảy tạo cảm giác như bạn không uống sữa vậy. Nếu không thích sô-cô-la, có thể thay bằng nước si rô dâu. Một lựa chọn khác cũng rất thú vị là thêm hương trái cây vào sữa, uống vào mỗi buổi sáng, thức uống thơm ngon này sẽ giúp khởi đầu một ngày với tinh thần tỉnh táo và sảng khoái.
5. Kết hợp với thực phẩm khác
Để giảm mùi của sữa, hãy ăn kèm với món bạn thích. Bạn có thể nhúng bánh mì hay bánh lạt vào sữa, hoặc sau khi uống sữa thì ăn thêm một cái bánh nhỏ hay miếng táo.