Ông Biền cho biết, tại tất cả các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, ông Nguyễn Thanh Chấn đều không thừa nhận các hành vi phạm tội. Mọi câu hỏi về việc giết chị Hoan, ông Chấn đều nói là không biết. Tuy nhiên, Tòa án các cấp lại coi đây là hành vi loanh quanh chối tội của ông Chấn mà không nhìn ra 5 điểm bất hợp lý “rõ rành rành” trong cáo trạng của Viện kiểm sát.
Luật sư Nguyễn Đức Biền (Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang). |
Theo ông Biền, vấn đề đầu tiên là sự bất hợp lý về mặt thời gian trong quá trình xác định ông Chấn gây án. Các nhân chứng đều khẳng định khoảng thời gian ông Chấn đi lấy nước, khoảng thời gian ông Chấn về nhà mà không ai biết được chính xác.
Mãi đến phiên tòa phúc thẩm, luật sư đã đưa thêm chứng cứ mới là bảng kê của Bưu điện xác định thời điểm ông Chấn bấm máy gọi điện thoại là hơn 19h19. Tuy nhiên, Tòa án cho rằng trong thời gian 10-15 phút, ông Chấn vẫn có thể giết người được.
Thứ hai, tòa án lấy căn cứ cho rằng ông Chấn có thể mô tả vanh vách các vật dụng bố trí trong nhà của chị Hoan như thế nào để xác định rằng ông Chấn đã có mặt tại địa điểm gây án. Tuy nhiên, ý kiến của luật sư cho rằng: ông Chấn là hàng xóm của chị Hoan, thường xuyên qua lại nhà chị Hoan chơi thì việc biết được vị trí của các đồ vật là bình thường.
Thứ ba, căn cứ vào việc ông Chấn có thể diễn tả thuần thục các động tác khi giết chị Hoan như trong thực nghiệm điều tra, Tòa án cho rằng lời khai của bị cáo phù hợp với quá trình thực nghiệm. Tuy nhiên, khi ông Biền hỏi, ông Chấn trả lời: Việc mình thực hiện được là do toàn bộ được điều tra viên dạy rất nhiều lần, đánh bên này, đánh bên kia. Những việc này ông Chấn hoàn toàn bị ép buộc làm.
Thứ tư, ông Biền cũng cho rằng, cơ quan tiến hành tố tụng đã sai sót trong quá trình thu thập chứng cứ khi khám nghiệm hiện trường. Tại thời điểm đó, có mấy dấu vân tay nhưng không biết của ai. Đây là chứng cứ đặc biệt quan trọng nhưng lại không được đánh giá khách quan.
Và cuối cùng là đối với một số dấu bàn chân tại hiện trường, HĐXX đã thấy rằng, vết chân này “gần bằng” chân của ông Chấn. Tuy nhiên, “gần bằng” cũng có thể là không phải. Đáng ra phải áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội để làm lợi cho bị cáo. Song HĐXX lại khẳng định đây chính là vết bàn chân của ông Chấn.
“Tôi cho rằng, đây là sai lầm nghiêm trọng trong quá trình tố tụng nhưng đáng tiếc HĐXX không hề để ý gì đến các lập luận của luật sư cũng như sự phản cung của bị cáo tại phiên tòa. Điều này cũng là nguyên nhân dẫn tới kết luận một cách phi lý của HĐXX khẳng định ông Chấn giết người một cách oan ức”, ông Biền nói.