Chiều tối 26/2, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ký quyết định ban hành chính thức Quy chế tổ chức thi THPT Quốc gia năm 2015.
Thời gian nhận hồ sơ lùi một tháng
Theo dự thảo quy chế trước đó, hạn cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký dự thi là trước ngày 1/4 hằng năm. Tuy nhiên, quy chế mới đã lùi thời gian nhận hồ sơ đăng ký dự thi trước ngày 30/4.
Tuy nhiên, quy chế mới đã lùi thời gian nhận hồ sơ đăng ký dự thi trước ngày 30/4. Khi hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi, nếu phát hiện có nhầm lẫn, sai sót, thí sinh phải thông báo kịp thời cho Hiệu trưởng trường phổ thông hoặc Thủ trưởng đơn vị nơi đăng ký dự thi hoặc cho Hội đồng thi trong ngày làm thủ tục dự thi để sửa chữa, bổ sung.
Các trường hợp đặc biệt được phép bổ sung các loại giấy chứng nhận để được hưởng chế độ ưu tiên, hưởng cộng điểm khuyến khích phải thực hiện trước ngày tổ chức kỳ thi mới có giá trị.
Quay trở về thang điểm 10
Theo Thông tư ban hành quy chế thi THPT quốc gia, khi chấm thi giám khảo vẫn sử dụng thang điểm 10 và lấy đến 0,25; không quy tròn điểm. Trước đó dự thảo có nêu sử dụng thang điểm 20. Cùng với đó, điểm liệt thay thì 2,0 điểm thì lại quay về 1,0 điểm.
Điểm xét tốt nghiệp gồm điểm 4 bài thi thí sinh đăng ký để xét công nhận tốt nghiệp, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12; được tính theo công thức sau.
Điểm xét tốt nghiệp được lấy đến hai chữ số thập phân, do phần mềm máy vi tính tự động thực hiện.
Ngày, lịch, hình thức và thời gian làm bài của mỗi môn thi được quy định trong hướng dẫn hàng năm của Bộ GD-ĐT. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12.
Miễn thi môn Ngoại ngữ
Thí sinh được miễn thi môn Ngoại ngữ trong hai trường hợp sau: Là thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn Ngoại ngữ; Có một trong các chứng chỉ theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Thí sinh được miễn thi môn Ngoại ngữ được tính 10 điểm cho môn này để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Thí sinh không sử dụng quyền được miễn thi môn Ngoại ngữ thì phải dự thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT như thí sinh không được miễn thi. Tuy nhiên, thí sinh có được dùng điểm 10 này để xét tuyển vào ĐH, CĐ hay không là do hiệu trưởng từng trường ĐH, CĐ quyết định.
Thí sinh chỉ xét tốt nghiệp được thi tại địa phương
Một điều đáng lưu ý trong quy chế chính thức là các Sở Giáo dục sẽ phụ trách công tác tổ chức thi cho những thí sinh chỉ cần đạt mục tiêu tốt nghiệp THPT. Thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT được tổ chức thi tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh, do sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với trường đại học (ĐH).
Điểm này đã được thay đổi nhiều lần kể từ khi chủ trương về kỳ thi THPT Quốc gia chung được thông qua. Ban đầu giao cho địa phương, sau đó thuộc quyền các trường đại học và hiện tại lại trở về địa phương.
Mỗi thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi
Trong Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2015, cách thức xét tuyển vào ĐH, CĐ cũng sự có điều chỉnh.
Bộ GD-ĐT sẽ cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi: 1 giấy để thí sinh sử dụng xét tuyển nguyện vọng đầu, 3 giấy chứng nhận còn lại sẽ được dùng cho xét tuyển các nguyện vọng bổ sung. Nếu chưa đỗ vào trường nguyện vọng 2, thí sinh được quyền rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để đăng ký xét tuyển đợt tiếp theo. Như vậy, cơ hội đỗ ở các đợt còn lại sẽ tăng lên so với dự thảo trước đó.