Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

5 vấn đề của ngành giáo dục trong năm học 2021-2022

Năm học 2021-2022 bắt đầu với nhiều khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Ngành giáo dục cần tìm ra giải pháp để đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông và đại học.

5 bai toan cua nganh giao duc anh 1

Sáng 5/9, lễ khai giảng năm học mới 2021-2022 diễn ra tại hơn 40 tỉnh, thành nhưng nhiều nơi phải tổ chức online, qua truyền hình do dịch. Lễ khai giảng đặc biệt mở đầu cho năm học được dự báo là có nhiều khó khăn.

Dạy học online cho học sinh

Dạy online cho học sinh ở các cấp nói chung trong bối cảnh dịch bệnh nhận được sự quan tâm của xã hội.

Sau khi các trường tiểu học, THCS, THPT thực hiện rà soát những học sinh không có thiết bị tối thiểu để học online và đường truyền Internet, có thiết bị nhưng không có đường truyền, các lý do khác, Sở GD&ĐT TP.HCM đã tổng hợp và cho biết khoảng 4% học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 không có điều kiện tham gia việc học trực tuyến. Ở bậc tiểu học, con số này là khoảng 8,5%.

Cụ thể, trong tổng số gần 700.000 học sinh trung học, khoảng 17.000 học sinh không có thiết bị, không có đường truyền Internet, hơn 5.000 học sinh có thiết bị nhưng lại không có Internet.

“Có những trường hợp được phân tuyến vào trường nhưng gia đình có F0 đang điều trị, họ không còn tâm trạng để đăng ký cho con học, chưa nói gì đến việc học online. Có gia đình khi giáo viên gọi điện, họ cho biết giờ lo cái ăn còn chưa xong, lấy đâu thời gian, tâm trí ngồi học cùng con đúng giờ”, phó hiệu trưởng một trường tiểu học ở Bình Thạnh, TP.HCM, chia sẻ như vậy khi nói về khó khăn của việc dạy online cho trẻ lớp 1.

Với trẻ nhỏ, đặc biệt là lớp 1 nhận được sự quan tâm của xã hội.

Có gia đình khi giáo viên gọi điện, họ cho biết giờ lo cái ăn còn chưa xong, lấy đâu thời gian, tâm trí ngồi học cùng con đúng giờ.

Phó hiệu trưởng một trường tiểu học ở Bình Thạnh, TP.HCM

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội), chia sẻ với tâm lý lo lắng này của phụ huynh. Ông cũng thừa nhận học online không bằng trực tiếp nhưng mong phụ huynh không quá lo lắng.

“Tất cả nhà trường, giáo viên, đặc biệt thầy cô dạy tiểu học quyết tâm khi học sinh trở lại trường, dù sau 2 tuần, 1 tháng, thậm chí lâu hơn, sẽ sử dụng thời gian vàng đó để dạy bù, bổ sung, củng cố kiến thức học sinh thiếu hụt khi học online để cuối năm, các con đạt chuẩn yêu cầu. Chúng tôi chắc chắn làm được, mong phụ huynh yên tâm”, thầy Khang nhắn nhủ phụ huynh trước thềm khai giảng.

Triển khai chương trình, sách giáo khoa mới

2021-2022 cũng là năm học các trường triển khai dạy theo chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 2 và lớp 6.

Ngay đầu năm học, tại nhiều địa phương, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, học sinh khó tiếp cận sách giáo khoa. Dù sau đó, sách giáo khoa được đưa vào danh mục hàng thiết yếu, không ít em vẫn bước vào năm học mà không có sách trên tay.

5 bai toan cua nganh giao duc anh 2

Tại TP.HCM, sách giáo khoa đã được ưu tiên nhưng vẫn còn khó đến tay học sinh vì khâu vận chuyển. Ảnh: Nhật Sinh.

Sách giáo khoa theo chương trình mới có bản điện tử, song việc sử dụng cũng gây nhiều khó khăn, đặc biệt khi học trực tuyến, học sinh lớp 2 còn nhỏ tuổi.

Bên cạnh khó khăn trong tiếp cận sách giáo khoa, việc triển khai chương trình mới vướng mắc ở thiếu đội ngũ giáo viên hoặc chưa đạt chuẩn. Nhiều địa phương từng chia sẻ không đủ giáo viên để dạy học theo chương trình mới.

Ngoài ra, hai năm nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới công tác tập huấn giáo viên.

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế thừa nhận do dịch, việc tập huấn giáo viên dạy chương trình mới lớp 2 và lớp 6 còn chưa được như mong muốn. Đây cũng là lý do địa phương này quyết định cho học sinh lớp 2 và lớp 6 học qua truyền hình thay vì học online.

“Đổi mới giáo dục không dễ. Chúng tôi cần trí lực tập thể, những giáo viên cốt cán nhất để họ thực hiện ‘bài giảng mẫu’, bồi dưỡng những giáo viên khác”, ông Tân nói rõ hơn về việc thông qua việc dạy học trên truyền hình để quy tụ thầy cô giỏi, lên giáo án cho việc triển khai dạy học sách giáo khoa mới lớp 2, lớp 6.

Kinh phí thực hiện cũng là vấn đề khiến địa phương đau đầu. Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, cho hay thực hiện dạy học theo sách giáo khoa mới kèm theo việc chuẩn bị thiết bị.

Để chuẩn bị thiết bị dạy học chương trình lớp 2 và lớp 6, địa phương này cần 300 tỷ đồng. Sắp tới, họ cần chi thêm khi triển khai chương trình mới đối với lớp 3, 7, 10. Vì thế, ông Trường đề nghị bộ ban hành quy định chung để địa phương cân đối nguồn lực, đồng thời Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thêm.

Năm 2021, ngoài triển khai dạy sách giáo khoa mới với học sinh lớp 2, 6, các trường đồng thời bồi dưỡng giáo viên để chuẩn bị dạy theo chương trình mới với lớp 3, 7, 10 vào năm sau.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, khẳng định các địa phương khó hoàn thành bồi dưỡng giáo viên lớp 10. Theo kế hoạch, trong năm, họ cần thực hiện các mô đun 4, 5, 9 nhưng đến tháng chín, dữ liệu của bộ chưa có đủ, trong khi mỗi mô đun mất khoảng 2 tháng đào tạo.

Thừa thiếu cục bộ, chất lượng giáo viên chưa đạt chuẩn

Đây là vấn đề tồn tại nhiều năm nay. Chỉ riêng năm 2021, Bộ GD&DT đề xuất bổ sung khoảng 30.000 biên chế (gồm 20.000 biên chế giáo viên cho các môn học mới cấp tiểu học, cấp THPT và 10.000 biên chế giáo viên mầm non cho các tỉnh vùng sâu, xa khó khăn, vùng dân tộc thiểu số).

Chuyện thừa thiếu giáo viên cục bộ xảy ra tại nhiều địa phương. Ngay ở Hà Nội, theo thống kê, hàng năm, thủ đô tăng 44 trường và hơn 69.000 học sinh. Hiện tại, Hà Nội có 2,1 triệu học sinh. Trong khi đó, biên chế giáo viên không đủ, đặt ra vấn đề khó khăn.

Tại Nghệ An, cả tỉnh thiếu khoảng 8.000 giáo viên, chủ yếu là mầm non và tiểu học. Kon Tum thiếu khoảng 1.690 giáo viên, Gia Lai thiếu 3.700 giáo viên. Quảng Ninh vẫn thiếu khoảng 3.400 giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới trong năm học 2021-2022, nhưng cũng thừa cục bộ gần 1.400 giáo viên.

Liên quan việc thiếu giáo viên, ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho rằng việc tinh giản biên chế đang thực hiện cào bằng, ngành giáo dục cũng giảm 10% như các ngành nghề khác. Ông đề nghị Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ làm việc để đưa ra quy định phù hợp tình hình thực tế.

Thực tế, trong báo cáo tổng kết, Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông ở một số địa phương vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình và kế hoạch dạy học.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2020-2021, triển khai năm học 2021-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các địa phương cần rà soát; nghiên cứu cơ cấu lại mạng lưới trường lớp, giáo viên.

Nếu có thể, các địa phương phải sáp nhập, xóa bỏ điểm lẻ, củng cố hệ thống trường dân tộc nội trú ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để giảm lãng phí về cơ sở vật chất, đội ngũ, giúp học sinh không bị thiệt thòi.

Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc cao nhất "ở đâu có học sinh, ở đó phải có giáo viên", không thể để xảy ra tình trạng học sinh thất học.

Đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT

Một bài toán khác đặt ra cho năm học 2021-2022 là đổi mới thi tốt nghiệp THPT. Tại hội nghị giáo dục đại học năm 2021 diễn ra hôm 24/8, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhắc tới tinh thần đổi mới công tác tuyển sinh, gắn với việc kỳ thi tốt nghiệp THPT phải năng động hơn để thích nghi và có sự đổi mới theo hướng tăng cường phân cấp trong thi tốt nghiệp THPT.

5 bai toan cua nganh giao duc anh 3

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ đổi mới. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Đây là việc đang trong quá trình chuẩn bị, tuy nhiên, theo bộ trưởng, 2 đại học quốc gia và các đại học vùng có thể bắt tay ngay vào việc xây dựng và củng cố hệ thống các trung tâm khảo thí, tạo tiền đề cơ sở vật chất cho các chủ trương đổi mới thi trong thời gian sắp tới.

Thực tế, trước tình hình tỷ lệ tốt nghiệp luôn ở mức cao, nhiều người đặt ra vấn đề giao kỳ thi tốt nghiệp về cho địa phương.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ trưởng vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, cho hay trước đây, kỳ thi tốt nghiệp THPT được giao cho địa phương tổ chức, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm giám sát. Tuy nhiên, kỳ thi vẫn diễn ra cùng ngày trên cả nước.

Với tình hình dịch bệnh cũng như điều kiện nước ta hiện nay, ông đề xuất nên phân cấp, giao kỳ thi về địa phương. Như vậy, trong tình hình bệnh dịch, thiên tai, lũ lụt, địa phương có thể tổ chức vào thời điểm phù hợp trong khung thời gian cho phép. Các địa phương cũng có thể liên kết với nhau để tổ chức kỳ thi theo vùng.

“Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT phải chuẩn bị các bộ đề chuẩn, thứ nhất cho trường hợp địa phương không thể ra đề. Thứ hai, nếu địa phương tự ra đề, chúng ta rất khó xác định mặt bằng chất lượng chung giữa các địa phương trong khi kết quả thi tốt nghiệp THPT là một trong các căn cứ để làm chính sách giáo dục”, TS Hoàng Ngọc Vinh chia sẻ.

Ông cũng nhấn mạnh việc cần có khung pháp lý chặt chẽ để đảm bảo chất lượng, giải trình nếu giao kỳ thi tốt nghiệp THPT cho địa phương.

Liên quan việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo sớm công bố phương án cho năm 2022, phù hợp tình hình dịch bệnh phức tạp.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cần sớm đưa ra phương án thi tốt nghiệp THPT các năm tiếp theo để giáo viên, học sinh có thời gian chuẩn bị.

Tự chủ đại học

Năm 2021-2022, ngành giáo dục tiếp tục đẩy mạnh việc tự chủ đại học. Trong báo cáo tổng kết năm học 2020-2021 và phương hướng năm học 2021-2022, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, đánh giá tự chủ đại học ghi nhận sự thay đổi rất lớn về nhận thức và sự triển khai. Việc tự chủ mang lại nhiều kết quả song bà thừa nhận một số nơi triển khai tự chủ chậm trễ, lúng túng.

Tự chủ đại học phải gắn với lợi ích của người học.

TS Hoàng Ngọc Vinh

Với vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay năm học tới, tự chủ đại học tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng toàn diện, có chiều sâu và hiệu quả.

“Tự chủ không gì khác là để đại học năng động hơn, giải phóng được nguồn lực và sức sáng tạo, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nếu tự chủ không mang lại được điều đó, cơ chế, chính sách phải điều chỉnh”, bộ trưởng nêu rõ.

Trong khi đó, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng chính sách tự chủ đại học không cần phải thay đổi. Theo ông, đây là chính sách nhất quán, nhưng cần đa dạng hóa việc thực hiện để đạt được mục tiêu chính sách, ở đó cần đổi mới mạnh thể chế để luật pháp mang tính đồng bộ nhất quán với chính sách.

Ông cũng đánh giá tự chủ đại học mang lại nhiều lợi ích. Thực tế, một số trường khi tự chủ đã khai thác được nhiều nguồn lực từ doanh nghiệp cũng như nội lực của trường, tuyển dụng giảng viên giỏi nhờ đưa ra mức lương cao.

Đương nhiên, tự chủ đại học phải gắn với lợi ích của người học. Điều này thể hiện qua việc khi được đầu tư và có đội ngũ giảng viên giỏi, trường nâng cao chất lượng đào tạo, sinh viên ra trường có việc làm tốt.

Trường làm tốt như ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM có thể thấy qua việc số lượng công trình nghiên cứu khoa học tăng, có nhiều hoạt động hợp tác với doanh nghiệp, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao, lương của cựu sinh viên cao…

Ông nhấn mạnh thêm tự chủ đại học cần gắn với trách nhiệm giải trình. Mục tiêu tối thượng của tự chủ đại học là mang lại lợi ích cho người học và xã hội. Khi thực hiện tự chủ, các trường phải làm sao để huy động, khai thác các nguồn lực, quản trị hiệu quả.

“Trường được quyền tự chủ trong sử dụng cơ sở vật chất và chịu trách nhiệm. Ví dụ, trường có thể cho thuê đất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm, dịch vụ nhưng quá trình đó phải minh bạch, tránh tình trạng nhóm quản lý ăn chia”, TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.

Kế hoạch dạy học cho trẻ lớp 1 của 63 tỉnh, thành

Hà Nội, TP.HCM quyết định dạy học trực tuyến với trẻ lớp 1 trong khi Thừa Thiên - Huế cho trẻ học qua truyền hình khi không thể đến trường.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm