Bệnh nhân N.V.C. (52 tuổi, trú tại Quảng Yên, Quảng Ninh) vào cấp cứu tại Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) trong tình trạng đau bụng nhiều vùng thượng vị và hạ sườn phải, sốt cao, nôn. Người bệnh cho hay có thói quen ăn gỏi hải sản sống, 2-3 lần/tháng.
Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán người đàn ông này nhiễm trùng đường mật cấp, theo dõi sỏi đoạn thấp ống mật chủ. Ông C. được chỉ định nội soi chụp mật tụy ngược dòng (ERCP), cấp cứu can thiệp lấy sỏi ống mật chủ.
Trong quá trình nội soi chụp đường mật, các bác sĩ phát hiện đoạn thấp ống mật chủ của ông C. có nhiều nốt khuyết thuốc cản quang, lấy ra khoảng 50 con sán lá gan nhỏ. Sau can thiệp ERCP, sức khỏe bệnh nhân ổn định, tiếp tục điều trị chống nhiễm trùng và diệt sán lá gan nhỏ.
Bệnh nhân phục hồi tốt sau can thiệp ERCP. Ảnh: BVCC. |
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Kim Liên, Trưởng khoa Thăm dò Chức năng, cho biết sán lá gan là một trong các nguyên nhân gây bệnh lý như sỏi mật, sỏi gan, ung thư đường mật.
Miệng hút của sán bám sâu vào thành đường mật gây tình trạng viêm loét, tắc, nhiễm trùng đường mật, hoại tử túi mật. Một số trường hợp ấu trùng sán sinh sôi có thể xâm nhập vào các cơ quan thiết yếu như não, tim, phổi..., đe dọa tính mạng người bệnh.
"Bệnh nhân C. có nhiều sán lá gan trong ống mật chủ là nguyên nhân chính dẫn đến tắc và nhiễm trùng đường mật. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, người này có thể bị áp-xe gan, viêm phúc mạc mật, hẹp đường mật... Trường hợp nguy hiểm nhất là nhiễm trùng huyết dẫn đến suy gan, thận cấp, sốc nhiễm trùng nặng, có nguy cơ tử vong", bác sĩ Chu Mạnh Tường, khoa Ngoại cho hay.
Để phòng tránh bệnh sán lá gan và ký sinh trùng khác, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên ăn chín, uống sôi, không dùng thực phẩm tươi sống, chưa qua chế biến. Ngoài ra, bạn cũng cần tăng cường vệ sinh môi trường, giữ nơi ở sạch sẽ, tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần.