Khi tư vấn họ thường nói với bác sĩ chính vì nghĩ không còn khả năng thụ thai nữa nên không áp dụng các biện pháp tránh thai.
Tại một số bệnh viện như Từ Dũ, Mekong, Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản... ở TP HCM, các bác sĩ đều cho biết vẫn thường gặp những phụ nữ lớn tuổi mang thai ngoài ý muốn.
Bỏ thì nguy hiểm, giữ lại lo!
Gần đây, Bệnh viện Từ Dũ TP HCM tiếp nhận hai trường hợp có thai ngoài ý muốn. Trường hợp thứ nhất là bà M.T.M., 48 tuổi, ở Bình Dương. Bà M. kể mình không áp dụng biện pháp tránh thai vì hai năm nay bà có biểu hiện tiền mãn kinh nên cho rằng mình không còn khả năng thụ thai nữa.
Những ngày đầu tháng 4, bà M. thấy bụng lớn. Nghi ngờ có khối u, bà tìm đến bệnh viện khám bệnh nhưng không ngờ được bác sĩ thông báo có thai 16-17 tuần tuổi.
Vì hai con đã lớn, bà cũng ngấp nghé sang tuổi 50 nên đã đến Bệnh viện Từ Dũ để bỏ thai nhưng các bác sĩ từ chối.
Sau đó, bà M. tự tìm đến một phòng khám đa khoa không được phép phá thai trên 12 tuần gần Bệnh viện Từ Dũ để phá thai, khiến suýt mất mạng.
Bác sĩ tư vấn kế hoạch hóa gia đình tại Bệnh viện Từ Dũ TP HCM. Ảnh: T.T.D. |
Trường hợp thứ hai là bà L.T.M.H., 40 tuổi, ở Đồng Nai. Bà H. đã có hai con (con đầu 22 tuổi, con thứ hai 14 tuổi) nhưng khi có thai ngoài ý muốn bà vẫn giữ lại.
Tuy nhiên, lúc thai được 24 tuần tuổi, bà được phát hiện thai có bất thường (rối loạn dẫn truyền từ tâm nhĩ xuống tâm thất), đây là trường hợp rất nguy hiểm.
Sáng 22/4, khi thai hơn 37 tuần tuổi, bà H. được mổ bắt con tại Bệnh viện Từ Dũ. Sau đó, êkip phẫu thuật của Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã có mặt tại phòng sinh để đặt máy tạo nhịp tim cho con bà ngay khi vừa chào đời, nếu không bé sẽ có nguy cơ tử vong cao.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM, cho biết nhiều phụ nữ ngộ nhận về khả năng thụ thai.
Họ cho rằng từ 40 tuổi trở lên sẽ rất khó thụ thai và khi vào giai đoạn tiền mãn kinh sẽ không còn khả năng thụ thai nữa. Do vậy, họ chủ quan trong việc áp dụng các biện pháp tránh thai.
Bác sĩ Thông nhấn mạnh phụ nữ từ 20-30 tuổi, đặc biệt từ 20-24 tuổi có khả năng thụ thai tốt nhất. Sau 30 tuổi khả năng thụ thai giảm đi, đến tuổi 35 khả năng này càng giảm mạnh (chỉ bằng 1/4 so với 20-30 tuổi) và từ 40 tuổi trở đi khả năng thụ thai giảm rõ rệt.
Tuy nhiên, cần phân biệt được rằng phụ nữ sau tuổi 40 khả năng thụ thai giảm rõ rệt chứ không phải là không còn khả năng thụ thai.
Còn theo bác sĩ Lê Văn Hiền - phó giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện phụ sản MêKông, phụ nữ lớn tuổi, đặc biệt trên 40 tuổi mang thai sẽ có nguy cơ cho cả mẹ và thai nhi.
Trong đó, nguy cơ cho người mẹ là sẩy thai, băng huyết sau sinh, tiền sản giật, sản giật, nhau tiền đạo... và nguy cơ cho thai nhi là thai dị tật (đặc biệt là hội chứng Down), thai suy dinh dưỡng...
Phần lớn muốn bỏ thai
Theo bác sĩ Thông, khá nhiều phụ nữ sau 40 tuổi đi bỏ thai, trong đó người lớn tuổi nhất mà bác sĩ Thông từng gặp là 52 tuổi.
Những phụ nữ này thường bỏ qua triệu chứng mất kinh vì cho rằng phụ nữ lớn tuổi là vậy, chỉ khi thấy trong người khó chịu (biểu hiện của ốm nghén), tưởng mắc bệnh mới đi khám.
Đa số phụ nữ lớn tuổi có thai ngoài ý muốn đều muốn được bỏ thai nên tìm đến các cơ sở y tế, trong đó có cả những nơi chưa được cấp phép, không an toàn.
Bác sĩ Thông lưu ý các thai phụ muốn bỏ thai khi đến các bệnh viện lớn mà bị từ chối thì cần phải hiểu nếu tiến hành bỏ thai sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng thai phụ và khi không thể bỏ thai được thì nên giữ thai.
Để tránh tình trạng mang thai ngoài ý muốn, bác sĩ Thông khuyên phụ nữ cần áp dụng các biện pháp tránh thai an toàn cho đến khi mãn kinh được một năm. Phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh, kinh nguyệt không còn đều nhưng vẫn còn rụng trứng nên vẫn có khả năng thụ thai.