Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

6 ca không qua khỏi vì sốt xuất huyết ở TP.HCM, ca mắc tăng hơn 150%

Từ đầu năm đến nay, TP.HCM ghi nhận hơn 14.300 ca sốt xuất huyết, tăng hơn 150% so với 2024, đã có 6 ca không qua khỏi, ngành y tế cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch lớn.

Người dân thực hiện các biện pháp xử lý vật chứa nước. Ảnh: HCDC.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) trong tuần 27 (từ 30/6 đến 6/7), toàn TP.HCM ghi nhận 838 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 43 ca so với tuần trước. Khu vực TP.HCM cũ có 704 ca, tăng 38,8% so với mức trung bình 4 tuần trước.

Bình Dương (cũ) ghi nhận 84 ca, tăng 40 ca so với cùng kỳ năm ngoái (44 ca), nhưng giảm 43 ca so với tuần 26 (127 ca). Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) ghi nhận 50 ca, tăng 15 ca so với tuần trước.

Lũy tích từ đầu năm đến hết tuần 27, TP.HCM mới ghi nhận tổng cộng 14.370 ca sốt xuất huyết, tăng 153,3% so với cùng kỳ năm 2024 (8.696 ca). Trong đó khu vực TP.HCM cũ có 11.014 ca (tăng 158%), khu vực Bình Dương ghi nhận 2.494 ca (tăng 145%), khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu có 862 ca (tăng 122%).

Đáng chú ý, đã có 6 ca không qua khỏi do sốt xuất huyết, trong đó TP.HCM cũ có 3 ca, Bình Dương 2 ca và Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận 1 ca.

HCDC cho biết thành phố đang vào cao điểm mùa mưa, điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh sinh sôi. Số ca mắc mới tăng nhanh và có xu hướng lan rộng địa bàn. Nếu không duy trì các biện pháp kiểm soát ổ dịch, nguy cơ hình thành các chuỗi lây lan thứ phát rất cao, có thể gây áp lực lớn lên hệ thống điều trị, đặc biệt ở bệnh viện nhi và các tuyến quận, huyện.

benh sot xuat huyet anh 1

Biểu đồ diễn tiến bệnh sốt xuất huyết theo tuần năm 2025. Ảnh: HCDC.

So với giai đoạn 2019-2022, các đợt dịch lớn thường bùng phát từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 8. Ngành y tế xác định chiến lược "chủ động phòng ngừa - phát hiện sớm - xử lý triệt để" là then chốt để kiềm chế dịch.

Trong tháng cao điểm phòng, chống dịch bệnh, ngành y tế kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, các cơ sở y tế và cộng đồng để hạn chế số ca mắc mới.

Để ứng phó, HCDC đang tập trung giám sát, xử lý ổ dịch, đánh giá điểm nguy cơ và hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh tại hộ gia đình. Công tác truyền thông được đẩy mạnh trên nhiều kênh. Ứng dụng “Y tế trực tuyến” tiếp tục được sử dụng để tiếp nhận phản ánh và theo dõi các điểm nguy cơ bùng phát dịch.

Ngành Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân không chủ quan, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, gồm

  • Diệt lăng quăng: Tìm và loại bỏ các vật chứa nước nơi muỗi có thể đẻ trứng. Đậy kín xô, thùng, hồ chứa nước; thay nước bình hoa, chậu cây; thả cá bảy màu vào bể cảnh, non bộ để ăn lăng quăng. Với các vật chứa nước không sử dụng, cần đổ bỏ hoặc che chắn, tránh đọng nước.
  • Diệt muỗi và phòng muỗi chích: Ngủ mùng, dùng bình xịt, hương, kem xua muỗi hoặc vợt điện bắt muỗi.
  • Khi bị sốt: Đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn, không tự ý điều trị tại nhà.
  • Phối hợp với ngành y tế: Tích cực tham gia chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất phòng dịch. Khi phát hiện điểm có nguy cơ lăng quăng, người dân cần phản ánh ngay qua ứng dụng “Y tế trực tuyến”.

HCDC khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình để kịp thời cảnh báo và triển khai các biện pháp kiểm soát, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và hạn chế thấp nhất số ca mắc, không qua khỏi do sốt xuất huyết trong thời gian tới.

Cuốn sách Bệnh của thời thức ăn tiện lợi giải thích nguyên nhân gây ra tất cả bệnh mạn tính, cách thực phẩm tiện lợi đã tác động đến chúng dẫn đến tổn hại cho sức khỏe, nền kinh tế và môi trường, từ đó đề xuất giải pháp để chữa lành cho con người.

Người đàn ông ở TP.HCM hai lần thoát chết trong lúc ngủ

Sau hai lần ngưng tim trong lúc ngủ, nam bệnh nhân 44 tuổi ở TP.HCM được chẩn đoán mắc hội chứng Brugada, phải cấy máy phá rung tự động (ICD) để phòng ngừa nguy cơ đột tử do rối loạn nhịp tim.

7 vấn đề về da mùa hè có thể ngăn ngừa

Việc tiếp xúc nhiều hơn với ánh sáng mặt trời, côn trùng, ô nhiễm môi trường… có thể gây nên một số vấn đề về da trong mùa hè. Vậy cách phòng ngừa các tình trạng da này như thế nào?

Uống collagen khi giảm cân có cần thiết?

Giảm cân không chỉ ảnh hưởng đến số cân nặng mà còn tác động rõ rệt đến làn da, mái tóc, sức khỏe tổng thể. Nhiều người lựa chọn bổ sung collagen trong quá trình này để duy trì vẻ ngoài tươi trẻ, hỗ trợ phục hồi cơ thể...

Nguyễn Thuận

Bạn có thể quan tâm