6 NGÀY KHÁM PHÁ MỌI THỨ Ở PHƯỢNG HOÀNG CỔ TRẤN, TRƯƠNG GIA GIỚI
Đến Trung Quốc, du khách Việt không khỏi choáng ngợp bởi cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ tại Trương Gia Giới, Võ Lăng Nguyên hay sự cổ kính nên thơ của Phượng Hoàng cổ trấn.
Tôi từng nghe nói Trung Quốc là một điểm đến thú vị với nhiều điểm tham quan độc đáo và nền ẩm thực phong phú. Song, cũng không ít ý kiến nhận xét rằng đất nước này không phải điểm du lịch lý tưởng cho khách Việt bởi việc bất đồng ngôn ngữ hay chặt chém.
Chuyến đi khám phá thành phố Trương Gia Giới (Hồ Nam, Trung Quốc) đã cho tôi một cái nhìn hoàn toàn khác về đất nước tỷ dân này. Không chỉ có những tòa nhà chọc trời hay các công trình tham quan nhân tạo, Trung Quốc vẫn còn các điểm đến yên bình, gần gũi với thiên nhiên, hợp cho một chuyến đi để "nạp" lại năng lượng.
Đây là lần đầu đến Trương Gia Giới, tôi quyết định chọn du lịch theo tour để tiết kiệm thời gian chuẩn bị, làm hồ sơ xin visa và đảm bảo khám phá được hết những điểm đến thú vị ở đây. Tôi chọn chương trình tour 6 ngày 5 đêm với mức giá hơn 16 triệu đồng của Vietravel.
Cổ trấn nghìn tuổi đa màu sắc
Trong lịch trình lần này, Phượng Hoàng cổ trấn là cái tên quen thuộc nhất với tôi. Thị trấn cổ nằm ở phía tây tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như Miêu, Hán, Hồi, Thổ Gia… Trong hình dung của tôi, điểm đến này là một con phố nhỏ, cũ kỹ và khá buồn chán. Tuy nhiên, chỉ sau một ngày ở đây, suy nghĩ của tôi đã thay đổi.
Cổ trấn rộng lớn, tấp nập du khách từ sáng sớm đến đêm muộn. Phần lớn kiến trúc cổ của Phượng Hoàng cổ trấn còn giữ lại đến ngày nay đều là các công trình từ thời nhà Thanh, do người Hán và người Miêu cùng xây dựng. Nếu đến đây lần đầu, du khách có thể thử trải nghiệm hoạt động đi thuyền ngắm cảnh trên dòng Đà giang. Từ đây, cổ trấn trầm mặc thu trọn trong tầm mắt, dòng sông Đà trong vắt soi bóng những ngôi nhà nghìn năm tuổi, xa xa là những cây cầu cổ kính vắt ngang con sông.
Một trong những lý do khiến nhiều du khách say mê Phượng hoàng cổ trấn chính là khung cảnh bình yên, cổ kính và mang đậm nét văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, thị trấn cổ ngày càng nổi tiếng, lượng khách đổ về ngày càng tăng, đôi lúc còn dẫn đến tình trạng quá tải.
Để cảm nhận được không khí yên bình ở cổ trấn, tôi chọn khám phá những con ngõ nhỏ, tách biệt với sự ồn ào, xô bồ ngoài kia. Nếu những dãy nhà nằm dọc hai bên bờ sông đã trở thành địa điểm buôn bán, khách sạn, quán cà phê… thì trong các ngõ nhỏ, bạn sẽ cảm nhận được cuộc sống bình dị thường nhật của người dân nơi đây. Đây cũng là một nét chấm phá, tô điểm thêm cho vẻ đẹp của thị trấn cổ.
Những cây cầu được xây nối hai bờ của dòng sông là nét đặc biệt của thị trấn cổ. Tôi không thể nhớ nổi mình đã đi qua bao nhiêu cây cầu bởi chưa đến một cây số đã có cả chục cây cầu bắc qua con sông nhỏ với đủ mọi chất liệu. Theo quan niệm của người dân địa phương, những cây cầu này nhằm trấn giữ con chim phượng hoàng nằm dưới dòng sông, giúp cuộc sống của người dân nơi đây được ấm no và ngày càng phát triển.
Nổi tiếng nhất với du khách chính là cầu Đá Nhảy. Hàng dài người cứ chen chân qua lại trên cầu để ghi lại những bức ảnh kỷ niệm ở đây. Có những vị khách còn cầu kỳ thuê trang phục dân tộc kiểu người Hán, Miêu, Thổ Gia để bức hình thêm phần ấn tượng. Chính vì vậy, để có được một khung hình sạch sẽ, không vướng người đòi hỏi bạn phải kiên trì chờ đợi.
Nếu ban ngày, Phượng Hoàng như bức tranh thủy mặc trữ tình, đêm xuống, cổ trấn khoác lên diện mạo hiện đại, rực rỡ sắc màu. Mặt trời vừa tắt nắng, những ngôi nhà cổ, các cây cầu, khu phố đồng loạt sáng đèn. Hồng Kiều, cây cầu cổ bậc nhất tại đây, được trang hoàng lộng lẫy.
Đi dạo ven bờ sông, du khách sẽ ngửi thấy mùi thức ăn tỏa ra ngào ngạt như mùi đậu phụ thối đặc trưng, mùi thơm từ các cửa hàng bán thịt nướng, nghe được tiếng nói cười rôm rả của du khách xen lẫn là tiếng trả giá, mời chào từ một gian hàng nào đó. Đây cũng là lúc các quán nhạc, quán bar lên nhạc xập xình, khuấy động cả cổ trấn. Các hoạt động về đêm ở Phượng Hoàng cổ trấn có thể kéo dài đến khoảng 1-2h.
Ghé vào một quán cà phê nhạc sống gần cầu Hồng Kiều, tôi kỳ vọng sẽ có một buổi tối thật “chill” tại cổ trấn này. Tuy nhiên, menu chỉ có tiếng Trung Quốc, nhân viên không thể nói tiếng Anh, bất đồng ngôn ngữ, tôi chỉ có thể chọn đồ uống bằng cách chỉ vào chai bia được bày sẵn trên bàn. Giá cả của các hàng quán ở đây sẽ có sự chênh lệch tùy vào vị trí, không gian và dịch vụ.
Chinh phục cổng trời Thiên Môn Sơn
Thiên Môn Sơn nằm trong Vườn quốc gia Thiên Môn, cách Trương Gia Giới khoảng 8 km nhưng khung cảnh núi non nơi đây hoàn toàn khác biệt. Đoàn chúng tôi đã dành cả nửa ngày để khám phá điểm đến này nhưng dường như vẫn chưa đủ.
Chỉ dài 11 km nhưng chênh lệch chiều cao giữa điểm đầu và điểm cuối Thiên Môn Sơn lên tới 1.100 m. Nơi cao nhất của con đường ở mức 1.300 m so với mực nước biển. Việc xây dựng con đường này bắt đầu từ năm 1998 và phải đến năm 2006 mới hoàn thành. Điểm đặc biệt ở cung đường chính là 99 khúc cua với nhiều góc chết thách thức mọi tay lái. Tuy nhiên, trải nghiệm cảm giác mạnh này đã ngưng hoạt động.
Hiện, để lên đỉnh núi, du khách sẽ di chuyển bằng cáp treo. Tuyến cáp treo bắt đầu từ nhà ga Trương Gia Giới với 98 cabin và dài gần 7.500 m. Từ trên cao, quang cảnh cả vùng đất trời bao la, hùng vĩ thu gọn vào tầm mắt. Du khách còn có thể trải nghiệm cảm giác mạnh khi ngồi trong một chiếc cáp treo trong suốt với 5 mặt là kính. Nhiều người mô tả con đường nhìn từ trên cao xuống giống như bạch long uốn lượn bảo vệ đỉnh núi thiêng.
Theo hướng dẫn viên địa phương, việc tham quan khu vực này phụ thuộc nhiều vào tình hình thời tiết hôm đó. Hôm chúng tôi đi, sương mù dày đặc. Vừa ra khỏi cáp treo, cả đoàn đã phải mặc áo mưa để tránh ướt quần áo. Dọc đường đi, gần như tôi không thể nhìn thấy được khung cảnh núi non hùng vĩ ở đây.
Trước khi lên đến cổng trời, du khách sẽ đi qua con đường trong suốt làm từ kính cường lực, được gọi là Skywalk. Con đường men theo vách đá dựng đứng đem lại cảm giác thích thú, hồi hộp. Thời tiết xấu, không thể nhìn thấy được những vách núi sâu ở dưới chân, chúng tôi di chuyển qua khu vực này một cách nhanh chóng. Không ít thành viên bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể trải nghiệm hoạt động thú vị.
Sau khi vượt qua chặng đường đầy cảm giác mạnh, cửa ải tiếp theo là 999 bậc thang lên cổng trời cao 130 m, rộng 57 m. Với người dân Trung Quốc, con số 999 được lựa chọn với ý nghĩa là con số linh thiêng, đem lại nhiều may mắn. Tuy nhiên, thử thách này chỉ dành cho những người thích thử sức và rèn luyện sức khỏe. Như nhiều du khách khác, đoàn chúng tôi chọn di chuyển bằng thang cuốn.
Cổng cao 130 m, rộng 57 m, được cho là điểm trung chuyển giữa thiên đường và hạ giới. Cổng hình thành sau một cơn đại hồng thủy khiến núi đá vôi sụp xuống tạo thành mái vòm. Tên Thiên Môn cũng ra đời từ đó. Nơi này trông huyền ảo như chốn tiên cảnh khi ánh sáng chiếu qua khe. Chúng tôi không may mắn để ngắm được khung cảnh huyền ảo này. Sương và mây hôm đó che lấp toàn bộ cổng trời. Thỉnh thoảng, gió thổi qua, khu vực này cũng chỉ hiện ra một góc nhỏ.
Tiên cảnh ở Thiên Tử Sơn - phim trường Avatar, Tây Du Ký
Thiên Tử Sơn nằm ở khu vực phía Tây Bắc của khu thắng cảnh nổi tiếng Vũ Lăng Nguyên. Dãy Thiên Tử Sơn dài tới 40 km, che phủ hết cả 5.400 ha rừng núi. Đỉnh núi cao nhất trong dãy Thiên Tử cao đến 1.262 m so với mực nước biển. Phía xung quanh là các đỉnh núi trập trùng điệp đan xen.
Phong cảnh ở đây như một bức tranh tuyệt đẹp do thiên nhiên ban tặng. Thiên Tử Sơn cũng là một vùng núi đá độc đáo được hình thành trong quá trình đứt gãy và kiến tạo của địa chất.
Những dải núi dài điệp trùng, những khối núi đá mang vẻ bằng phẳng trên đỉnh mà không có độ nhấp nhô bao quanh thung lũng sâu thăm thẳm, ở giữa lại trồi lên các trụ đá với muôn hình vạn trạng, được đặt tên nghe qua đã thấy thú vị và rất gợi hình như Ngự Bút Phong (ngọn bút của vua), Tiên Nữ Tản Hoa (thiếu nữ tung hoa), Thạch Phàm Xuất Hải (giống cánh buồm đá ra khơi)… Hàng nghìn cột đá tự nhiên dựng đứng như trụ chống trời cũng khiến nhiều du khách choáng ngợp.
Đặc biệt, đây còn là phim trường của hai bộ phim “bom tấn” Tây Du Ký và Avatar. Du khách được phép tham quan và chiêm ngưỡng khung cảnh trong khoảng 15 km2. Khá đáng tiếc khi chúng tôi không thể ngắm nhìn trọn vẹn cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ ở đây do trời bất chợt đổ mưa.
Nhiệt độ trên núi xuống khá thấp, du khách có thể chuẩn bị thêm trang phục giữ ấm. Ngoài ra, khu vực này có diện tích lớn và đi bộ nhiều, bạn nên mang giày thể thao để thuận tiện hơn cho việc di chuyển.
Xuôi thuyền trên hồ Bảo Phong
Hồ Bảo Phong là một hồ nước ngọt, đã được công nhận là di sản tự nhiên thế giới, công viên địa chất thế giới nằm trong khu thắng cảnh Vũ Lăng Nguyên (gần Trương Gia Giới). Mỗi đoàn khách tới đây chỉ ngồi thuyền hơn 30 phút đi một vòng hồ rồi trở về bến xuất phát.
Thời gian không quá dài nhưng đủ để tôi và các thành viên khác trong đoàn trầm trồ trước phong cảnh thiên nhiên hữu tình nơi đây. Nước hồ trong xanh, tĩnh lặng, ngồi trên thuyền dọc theo hồ nước tôi chỉ nghe được tiếng chim hót, tán lá xào xạc hay đôi lúc là tiếng khua chèo của thuyền bè. Những chiếc thuyền đi trên hồ Bảo Phong đều được gắn động cơ điện, không bị ô nhiễm bởi xăng dầu nên nước ở hồ bốn mùa đều trong xanh.
May mắn, hôm ghé thăm hồ Bảo Phong cũng là hôm thời tiết tốt nhất trong suốt 6 ngày tôi ở Trung Quốc. Trời nắng đẹp, dạo chơi trên thuyền có thể thấy cả ngọn núi phản chiếu trong làn nước trong xanh đầy thơ mộng, đẹp như tranh vẽ. Hồ Bảo Phong được bao bọc bởi những đỉnh núi, dài khoảng 2,5 km, hồ giống như một tấm gương quý, được bao quanh bởi những ngọn núi xanh và làn nước trong vắt, thật dễ chịu khi chèo thuyền ấm áp. Phong cảnh yên bình này thật khó có thể tìm thấy khi ở những đô thị đông đúc, phát triển.
Điểm đặc biệt của hành trình này là mỗi khi gặp một căn nhà nhỏ, các chàng trai, cô gái người bản địa thấy có người đi qua liền cất lên tiếng hát Dao Trì, một hình thức hát dân ca gần giống Quan họ Bắc Ninh của Việt Nam.
Một điểm trừ trong chuyến đi của tôi là thời tiết khá xấu. Suốt 6 ngày tôi ở Trung Quốc hầu như không có nắng, nhiệt độ rơi vào khoảng 14-18 độ C, ở một số điểm còn xuống đến 8 độ C. Thỉnh thoảng còn có những cơn mưa trái mùa. Song, điều này cũng không làm ảnh hưởng nhiều đến lịch trình của tôi. Nghĩ tích cực đây còn là cơ hội để tôi ngắm nhìn thành phố du lịch vốn luôn nhộn nhịp này một cách chậm rãi và nên thơ.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.