Ngày 25/2, TAND tỉnh Sóc Trăng cho biết, ông Ngô Hồng Phi - nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến công Sóc Trăng - đã kháng cáo kêu oan. Ông không đồng ý với bản án sơ thẩm 3 tuần trước của tòa này tuyên 8 năm tù về tội Tham ô tài sản.
Cùng tội này nhưng so với bản án sơ thẩm xử lần đầu cách nay 3 năm, ông Phi bị phạt tù gấp đôi dù số tiền phải chịu trách nhiệm giảm từ 402 triệu đồng xuống còn gần 336 triệu.
Ngoài ông Phi, 3 thuộc cấp của người đàn ông 59 tuổi này là Đặng Minh Út, Nguyễn Quốc Trung, Nguyễn Thế Vương với Trần Tấn Là (Chủ nhiệm HTX Tiểu thủ công nghiệp Như Ý ở huyện Mỹ Xuyên) và Huỳnh Văn Bảy, nguyên cán bộ Phòng Kinh tế huyện Kế Sách cũng kháng cáo.
Sau khi thẩm vấn hơn nữa giờ, ông Là ngất xỉu và nhập viện vào chiều 27/1 nhưng hôm sau HĐXX tiếp tục xử và tuyên án ngày 3/2. |
Trong vụ án này Út bị phạt 7 năm tù, Vương và Trung mỗi người 5 năm tù về tội Tham ô tài sản. Cùng tội này, ông Là bị phạt 2 năm tù treo (năm 2012 bị phạt 1 năm tù treo), Bảy lĩnh 7 tháng 18 ngày tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. 3 năm trước Bảy chỉ bị phạt 6 tháng tù treo về tội Tham ô tài sản.
Riêng bà Huỳnh Ngọc Bích (Chủ nhiệm HTX Thủ công mỹ nghệ Ngọc Bích) trước đây bị phạt 6 tháng tù treo tội Tham ô tài sản. Lần này HĐXX tuyên không phạm tội vì các lớp dạy nghề mà cơ quan công tố cho rằng bà Bích không dạy đã được HĐXX kết luận có dạy đầy đủ.
"Bà Bích có mở lớp dạy nghề đan, không câu kết với cán bộ Trung tâm Khuyến công Sóc Trăng để tham ô thì đồng nghĩa với việc tôi không câu kết với bà Bích để phạm tội. Phần tiền tạm ứng cơ quan, tôi có đầy đủ chứng từ hợp lý, được cấp thẩm quyền cho thanh toán trong hoạt động của đơn vị nhưng không được HĐXX xem xét mà còn tăng án thêm 3 năm tù so với bản án trước đây", ông Vương nói.
Theo ông Vương, nguyên thủ trưởng của mình là ông Phi duyệt chi kinh phí hoạt động thường xuyên của cơ quan là hợp lý, kế toán Út làm đúng chức trách được giao. Đồng nghiệp là ông Trung dùng tiền cơ quan chi đi đám tang, tiếp khách cũng từ kinh phí hoạt động thường xuyên, không tư túi nên không thể xem là tham ô.
"Ông Là ngất xỉu, nhập viện điều trị nhiều ngày nhưng tòa vẫn xử là không đúng", ông Vương nêu quan điểm.
Theo hồ sơ vụ án, năm 2006-2007 Trung tâm Khuyến công Sóc Trăng được giao 65 đề án thực hiện mô hình, mở lớp dạy nghề, giải quyết việc làm cho nông dân. Tổng kinh phí được cấp cho những đề án này trên 1,4 tỷ đồng, đến cuối năm 2007 hồ sơ tạm ứng, thanh toán thể hiện hơn 1,37 tỷ.
Bản án sơ thẩm xác định ông Phi giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong vụ án này vì có chức vụ, trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý thu chi ngân sách tại đơn vị. Ông này bị cáo buộc biết rõ một số đề án chỉ thực hiện một phần hoặc không thực hiện nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới lập chứng từ khống, đóng dấu treo của hợp tác xã lên các phiếu thu chưa ghi nội dung để hợp thức hóa thủ tục thanh toán tiền.
Út cũng bị buộc chịu trách nhiệm về số tiền thất thoát gần 336 triệu đồng như ông Phi vì trực tiếp hướng dẫn các chuyên viên lập chứng từ khống để chi quyết toán. Còn Trung, Vương được xem là đồng phạm tích cực và Bảy, Là ý thức được hành vi gian dối, vụ lợi khi được cán bộ trung tâm hứa chia tiền.
Trong đó, Bảy được cho là làm hồ sơ thanh toán khống một lớp không giảng dạy để lấy 5,2 triệu đồng. Ông Là thì HĐXX đánh giá có vai trò giúp sức cho thuộc cấp của ông Phi phạm tội nhưng có tình tiết giảm nhẹ là chưa nhận tiền từ cán bộ Trung tâm Khuyến công Sóc Trăng.