Sau nhiều lần tạm hoãn, sáng 26/1 TAND tỉnh Sóc Trăng đưa 7 bị cáo ra xét xử vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại Trung tâm Khuyến công tỉnh Sóc Trăng. Hai điều tra viên với hàng chục người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không đến dự dù đã được triệu tập.
Trong phần thủ tục, nhiều bị cáo đề nghị thay kiểm sát viên Nguyễn Việt Hùng (VKSND tỉnh Sóc Trăng) vì cho rằng vị đại diện cơ quan công tố này từng tham gia xét xử trước đây nhưng bản án sau đó bị TAND Tối cao hủy. Bà Bích đặt ra nghi ngờ ông Hùng không khách quan trong các bước tố tụng và đề nghị HĐXX cho nữ bị cáo này dùng điện thoại ghi âm lại toàn bộ quá trình xét xử.
Bà Bích trong một lần ra tòa. Ảnh: Việt Tường |
HĐXX hội ý, bác yêu cầu của bà Bích và các bị cáo khác về việc ghi âm, thay kiểm sát viên... Những người được triệu tập nhưng vắng mặt sẽ được công bố lời khai khi cần thiết. Đối với 2 cán bộ điều tra, HĐXX chấp nhận văn bản của cơ quan công an có nội dung trong tố tụng không quy định triệu tập điều tra viên ra tòa.
Theo hồ sơ vụ án, năm 2006 - 2007 Trung tâm Khuyến công Sóc Trăng được giao 39 đề án thực hiện mô hình, mở lớp dạy nghề, giải quyết việc làm cho nông dân. Tổng kinh phí được cấp cho những đề án này trên 1,4 tỷ đồng, đến cuối năm 2007 hồ sơ tạm ứng, thanh toán thể hiện hơn 1,37 tỷ.
Kết luận điều tra và cáo trạng xác định quá trình thực hiện các phần việc được giao, nguyên Giám đốc Trung tâm khuyến công là ông Ngô Hồng Phi (58 tuổi) phân công cán bộ triển khai nhưng có những đề án chỉ thực hiện một phần, chi không hết tiền.
Kế toán Đặng Minh Út báo cáo kinh phí thực hiện thấp hơn dự toán thì Phi chỉ đạo thanh toán đúng với con số được duyệt, hoàn thành 39 đề án vì tiền đã được tạm ứng nhập quỹ cơ quan do chuyên viên Nguyễn Quách Hồng Quyên quản lý dưới sự giám sát của Phi, Út.
Theo cơ quan công tố, để hợp thức hóa việc lấy tiền chia nhau tiêu xài, Út chỉ đạo chuyên viên Nguyễn Thế Vương, Nguyễn Quốc Trung và Quyên lập chứng từ tạm ứng, không có chi trong thực hiện đề án.
Theo hướng dẫn của Út, 3 cán bộ của trung tâm tìm đến Huỳnh Văn Bảy (nguyên cán bộ phòng kinh tế huyện Kế Sách) và chủ nhiệm 2 HTX là Trần Tấn Là, Huỳnh Ngọc Bích để thỏa thuận ký kết các hợp đồng dạy nghề nhưng chỉ thực hiện một phần và khai man chứng từ thanh toán.
Cụ thể, chỉ thanh toán đúng 9 đề án được duyệt, khai man 5 lớp dạy nghề; khai man thanh toán một phần của 30 đề án và 25 lớp dạy nghề để chiếm đoạt trên 402 triệu đồng. Trong đó, ông Là (chủ nhiệm HTX Như Ý) được cho là ký tên, đóng dấu của HTX giúp trung tâm khai man chứng từ thanh toán tiền nguyên liệu, đào tạo nghề, thuê dụng cụ gần 121 triệu đồng.
Đối với bà Bích, VKSND cho rằng bị can ký hợp đồng mở 6 lớp dạy nghề nhưng chỉ mở 1 lớp ở Vĩnh Châu; 5 lớp còn lại chỉ khai giảng 2 lớp nhưng sau đó không dạy, 3 lớp không thực hiện và chịu trách nhiệm số tiền được cho là tham ô gần 20 triệu đồng.
Vụ án kéo dài từ năm 2009 và tháng 3/2012 TAND tỉnh Sóc Trăng phạt các bị cáo từ 2-4 năm tù về tội Tham ô tài sản. Riêng bà Bích bị phạt 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Các bị cáo kháng án.
Tháng 4/2013, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM hủy án, trả hồ sơ điều tra lại. Theo cấp phúc thẩm, cấp sơ thẩm căn cứ kết quả giám định 712 chứng từ thanh toán được cho là không hợp lệ để buộc bà Bích với các bị cáo khác tham ô trên 400 triệu đồng từ nguồn vốn dạy nghề cho nông dân là chưa chính xác và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.