Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nữ hoàng lục bình' miền Tây sắp hầu tòa

Từ tiền nghỉ hưu của cha, bà Bích gây dựng hợp tác xã đan lát thu hút gần chục ngàn lao động khắp miền Tây. Song, vì bị cáo buộc tham ô tài sản 17,6 triệu đồng, bà suýt phá sản.

Sau một năm rưỡi điều tra lại, ngày 20-24/10 tới đây, TAND tỉnh Sóc Trăng đưa ra xét xử vụ án Tham ô tài sản kéo dài nhiều năm ở tỉnh này với bị cáo đầu vụ là ông Ngô Hồng Phi, 58 tuổi, nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh Sóc Trăng. Cùng bị truy tố về tội Tham ô tài sản với ông Phi còn có Đặng Minh Út, Nguyễn Thế Vương, Nguyễn Quốc Trung (thuộc cấp của Phi), Huỳnh Văn Bảy (nguyên cán bộ phòng kinh tế huyện Kế Sách) và chủ nhiệm 2 hợp tác xã (HTX) là Trần Tấn Là, Huỳnh Ngọc Bích.

Vướng lao lý khi giúp nông dân

Theo hồ sơ vụ án, năm 2006-2007 Trung tâm Khuyến công Sóc Trăng được giao 39 đề án thực hiện mô hình, mở lớp dạy nghề, giải quyết việc làm cho nông dân. Tổng kinh phí được cấp cho những đề án này trên 1,4 tỷ đồng, đến cuối năm 2007 hồ sơ tạm ứng, thanh toán thể hiện hơn 1,37 tỷ.

1
Bà Bích cặm cụi đan đát hàng đêm.

Kết luận điều tra và cáo trạng xác định quá trình thực hiện các phần việc được giao, ông Phi phân công cán bộ triển khai nhưng có những đề án chỉ thực hiện một phần, chi không hết tiền. Kế toán Út báo cáo kinh phí thực hiện thấp hơn dự toán thì Phi được cho là chỉ đạo thanh toán đúng với con số được duyệt, hoàn thành 39 đề án vì tiền đã được tạm ứng nhập quỹ cơ quan do chuyên viên Nguyễn Quách Hồng Quyên (đã trốn ra nước ngoài) quản lý dưới sự giám sát của Phi, Út.

Theo cơ quan công tố, để hợp thức hóa việc lấy tiền chia nhau tiêu xài, Út chỉ đạo Vương, Trung và Quyên lập chứng từ tạm ứng, không có chi trong thực hiện đề án. Theo hướng dẫn của Út, 3 cán bộ của trung tâm tìm đến Bảy, Bích, Là để thỏa thuận ký kết các hợp đồng dạy nghề nhưng chỉ thực hiện một phần và khai man chứng từ thanh toán. 

Cụ thể, chỉ thanh toán đúng 9 đề án được duyệt, khai man 5 lớp dạy nghề; khai man thanh toán một phần của 30 đề án và 25 lớp dạy nghề để chiếm đoạt trên 402 triệu đồng.

Trong đó, ông Là (Chủ nhiệm HTX Như Ý) được cho là ký tên, đóng dấu của HTX giúp trung tâm khai man chứng từ thanh toán tiền nguyên liệu, đào tạo nghề, thuê dụng cụ gần 121 triệu đồng. Đối với bà Bích (Chủ nhiệm HTX Ngọc Bích), VKS cho rằng bị can ký hợp đồng mở 6 lớp dạy nghề nhưng chỉ mở 1 lớp ở Vĩnh Châu; 5 lớp còn lại chỉ khai giảng 2 lớp nhưng sau đó không dạy, 3 lớp không thực hiện mà nhận 17,6 triệu đồng.

"Bích còn đóng dấu treo của HTX trên 5 phiếu thu, giúp trung tâm thanh toán tiền mà Bích đã nhận theo 5 hợp đồng đào tạo nghề và 4 phiếu thu giúp trung tâm thanh toán tiền thuê dụng cụ 6 triệu đồng", cáo trạng ghi.

Nữ doanh nhân kêu oan

Hơn 20 năm trước, bà Bích mở tiệm tạp hóa ở chợ Mỹ Xuyên sau khi xin nghỉ làm ở ngân hàng vì thấy công việc không phù hợp. Được một năm, người phụ nữ này chuyển sang nghề mua đầu tôm để bán lại cho người trồng dưa hấu và kinh doanh trùng lá khi có nhiều người đến miền Tây mua trùng xuất khẩu sang nhiều nước để làm mồi câu.

Năm 1995, thấy cha nhận tiền nghỉ hưu được 600.000 đồng (khoảng 1,5 chỉ vàng), bà Bích mượn hết số tiền này để mở tổ hợp đan giỏ. Nhờ thị trường tiêu thụ tốt, cuối năm ấy tổ hợp này tạo được công ăn việc làm cho 300 lao động. Năm 2002 bà mở HTX đan đát bằng nguyên liệu lục bình (trôi trên sông mang lên phơi khô) nên được người dân miền Tây gọi là "nữ hoàng" lục bình khi tạo công ăn việc làm cho trên 8.000 lao động ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

2
Một năm rưỡi trước "nữ hoàng lục bình" ra tòa tại Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM và HĐXX đã hủy toàn bộ án sơ thẩm.

Khi HTX đang ăn nên làm ra, giữa năm 2009 bà Bích bị Công an tỉnh Sóc Trăng khởi tố về hành vi Tham ô tài sản. Tháng 3/2012, TAND tỉnh Sóc Trăng phạt phạt nữ doanh nhân 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Cùng tội này, các bị cáo còn lại lĩnh từ 2-4 năm tù.

Cho rằng có mở đầy đủ các lớp dạy nghề theo hợp đồng ký kết với ngành công nghiệp, bà Bích kháng cáo kêu oan. Liên minh HTX Việt Nam cũng thành lập đoàn thanh tra, xác minh việc mở các lớp học của bà Bích và kết luận HTX Ngọc Bích có mở lớp đầy đủ theo hợp đồng ở Vĩnh Châu và các điểm Thuận Hòa, An Hòa, Bình Hòa, Nhơn Hòa của xã Gia Hòa 2 với lớp tại xã Tham Đôn của huyện Mỹ Xuyên.

Tháng 4/2013, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM xử phúc thẩm, tuyên hủy án, trả hồ sơ điều tra lại. Theo cấp phúc thẩm, cấp sơ thẩm căn cứ kết quả giám định 712 chứng từ thanh toán được cho là không hợp lệ để buộc bà Bích với các bị cáo khác tham ô trên 400 triệu đồng từ nguồn vốn dạy nghề cho nông dân là chưa chính xác. 

Cũng theo cấp phúc thẩm, Sở Công thương Sóc Trăng đóng vai trò chủ quản, giám sát thực hiện nhiều đề án khuyến công nhưng buông lỏng quản lý. Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước tỉnh Sóc Trăng thiếu kiểm tra chứng từ thanh toán mà không cán bộ nào bị xử lý là bỏ lọt tội phạm.

Trò chuyện cùng phóng viên, bà Bích cho biết do ảnh hưởng vụ án mà HTX suýt phá sản nếu không có sự giúp đỡ của cụ bà Nguyễn Thị Cúc (chủ nhiệm HTX Ba Nhất). Một năm nay bà gầy dựng các làng nghề đan đát với hơn 4.000 lao động có việc làm trở lại, mở rộng kinh doanh ra Nha Trang, Bình Dương…

"Tôi mở lớp đầy đủ nhưng cán bộ điều tra trước đây kêu xác nhận vào các hợp đồng là không mở để đổ trách nhiệm cho trung tâm khuyến công. Cán bộ điều tra còn nói chồng tôi là công an nên muốn giúp vợ đồng đội, động viên tôi mang tiền trả trung tâm rồi sau đó cho là khắc phục hậu quả để khép tôi tội tham ô, thật quá oan ức", bà Bích nói.

Theo danh sách triệu tập ra tòa, ngoài 8 bị cáo với 2 nguyên đơn dân sự còn có gần 60 người là cán bộ huyện, xã và những người làm nghề đan đát, được "nữ hoàng" lục bình Huỳnh Ngọc Bích đào tạo nghề.

"Để đảm bảo quyền lợi, tôi đã gửi đơn yêu cầu HĐXX triệu tập đầy đủ 164 người là giáp viên, học viên của 5 lớp mà HTX dạy nghề", bà Bích cho biết.

Việt Tường

Bạn có thể quan tâm