Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

6 quan niệm sai lầm về bệnh sốt xuất huyết

Nhiều người nghĩ rằng sốt xuất huyết chỉ mắc một lần trong đời và dễ lây lan. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi sốt xuất huyết là một trong bệnh do muỗi truyền nhanh nhất thế giới và rất đáng quan tâm. Nó phổ biến ở hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến khoảng 400 triệu cuộc sống hàng năm.

Mặc dù đây là căn bệnh phổ biến, đến nay, thế giới vẫn chưa có cách điều trị đặc hiệu hay vaccine phòng ngừa nên dịch vẫn bùng phát hàng năm. Thậm chí, vẫn còn nhiều quan niệm thiếu chính xác về sốt xuất huyết khiến bệnh trở nên trầm trọng, khó điều trị.

Mỗi người chỉ bị sốt xuất huyết một lần trong đời

Theo India Times, nhiều người nghĩ rằng mắc bệnh sốt xuất huyết một lần sẽ cho khả năng miễn dịch suốt đời và người khỏi bệnh sẽ không bị tái nhiễm. Điều này không đúng.

Virus sốt xuất huyết (DENV) có bốn chủng huyết thanh khác nhau, bao gồm DENV-1, DENV-2, DENV-3, DENV-4. Điều này có nghĩa là khi một người bị nhiễm chủng virus, cơ thể tạo được miễn dịch với chủng đó. Tuy nhiên, người đó vẫn nhạy cảm với 3 loại khác và có thể mắc bệnh. Thậm chí, mỗi lần nhiễm trùng tiếp theo có khả năng nghiêm trọng hơn so với lần trước đó.

Đây cũng là lý do với biến chủng DENV-2, chúng ta thấy rất nhiều trường hợp tái nhiễm và nhiễm trùng nặng hơn ở những người từng mắc bệnh sốt xuất huyết trước đó. Như vậy, một người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết tối đa 4 lần trong suốt cuộc đời của mình.

Quan niem sai lam ve sot xuat huyet anh 1

Sốt xuất huyết được truyền sang người qua vết đốt của muối cái Aedes aegypti bị nhiễm bệnh. Ảnh: Chicmagazine.

Sốt xuất huyết dễ lây lan

Đây là một trong những lầm tưởng cũ cần được loại bỏ. Sốt xuất huyết không phải là bệnh nhiễm trùng có thể dễ dàng lây lan từ người sang người.

Virus DENV được truyền sang người qua vết đốt của muỗi cái bị nhiễm bệnh, chủ yếu là muỗi Aedes aegypti. Bạn không thể mắc bệnh sốt xuất huyết khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi. Các trường hợp lây truyền virus DENV qua truyền máu hoặc ghép tạng cũng rất hiếm.

Bất kỳ vết muỗi đốt nào cũng có thể dẫn đến sốt xuất huyết

Nhiều người cho rằng bất cứ loài muỗi nào cũng có thể gây sốt xuất huyết, thậm chí, vết đốt nào của muỗi cũng sẽ dẫn đến căn bệnh này.

Tuy nhiên, sự thật là sốt xuất huyết chỉ có thể lây truyền qua vết đốt của muỗi cái Aedes aegypti. Thông thường, muỗi đực không đốt và chỉ muỗi cái mới truyền virus. Ngoài ra, chúng chỉ có thể truyền bệnh khi bản thân bị nhiễm virus DENV. Theo các chuyên gia, muỗi có thể mang và truyền virus trong hơn một tuần sau khi bị đốt. Chúng cũng được cho là đốt chủ yếu vào ban ngày, các vết đốt thường ở dưới đầu gối, quanh mắt cá chân hoặc khuỷu tay.

Bên cạnh đó, mặc dù rất khó để phân biệt, các nhà khoa học cho rằng vết đốt của muỗi gây bệnh sốt xuất huyết có màu đỏ rõ rệt và ngứa hơn nhiều so với các loài muỗi khác. Các triệu chứng bắt đầu phát triển 4-10 ngày sau khi bị nhiễm trùng.

Chỉ trẻ em và người lớn tuổi có nguy cơ cao mắc sốt xuất huyết

Nhiều người vẫn có quan niệm rằng bệnh sốt xuất huyết có thể nghiêm trọng đối với một số nhóm nguy cơ như trẻ em, người già, người có hệ miễn dịch suy yếu.

Các chuyên gia cho biết dù 2 nhóm này dễ gặp nguy hiểm do miễn dịch kém hơn, ngay cả những người khỏe mạnh cũng có thể mắc bệnh sốt xuất huyết hoặc phát triển những triệu chứng nghiêm trọng.

Sốt xuất huyết có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, không phân biệt tuổi tác, giới tính hoặc điều kiện kinh tế xã hội. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh này, bao gồm việc mắc bệnh sốt xuất huyết trước đó và sống ở vùng nhiệt đới.

Quan niem sai lam ve sot xuat huyet anh 2

Mọi người, không phân biệt tuổi tác, giới tính, đều có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Facmedicine.

Bệnh sốt xuất huyết chỉ phổ biến vào mùa mưa

Từ thói quen đẻ trứng trong nước của muỗi Aedes aegypti, nhiều người nghĩ rằng chúng thường sinh sản vào mùa mưa. Tuy nhiên, muỗi chủ yếu bị thu hút bởi carbon dioxide và nhiệt. Điều này cho thấy chúng hoạt động tương tự trong mùa hè. Virus DENV có khả năng lây nhiễm cho con người vào mọi mùa trong năm.

Muỗi Aedes aegypti sinh sống bằng cách đẻ trứng trong nước tù đọng, bất kể sạch hay bẩn. Chậu, lọ, vũng nước mưa là một trong những vật chứa và bề mặt xung quanh nhà điển hình nước có thể đọng lại. Đó là lý do mọi người phải đổ bỏ sạch nước các thùng chứa này hoặc luôn luôn đậy nắp chặt.

Bệnh sốt xuất huyết không nghiêm trọng

Theo Webmd, sốt xuất huyết thông thường gây ra các triệu chứng phổ biến bao gồm: đau đầu dữ dội, nôn mửa, đau nhức xương và cơ, có thể kéo dài khoảng một tuần. Nếu nghĩ mình có thể bị sốt xuất huyết, bạn nên sử dụng thuốc giảm đau chứa acetaminophen, tránh các loại thuốc có aspirin vì sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng chảy máu.

Bạn cũng nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước và hỏi ý kiến của bác sĩ. Nếu sau khi hạ sốt mà cảm thấy tình trạng bệnh tồi tệ hơn trong 24 giờ đầu, bạn nên đến bệnh viện ngay lập tức để được kiểm tra các biến chứng.

Nhiều trường hợp khỏi sốt xuất huyết mà không cần nhập viện, vì vậy, có quan niệm cho rằng bệnh không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc tự điều trị, kiểm soát bệnh tại nhà rất nguy hiểm vì nó có khả năng tiến triển thành tình trạng nặng.

Giống như mọi căn bệnh khác, bệnh sốt xuất huyết có cả nhẹ và nặng. Nếu bệnh dược điều trị sớm, nó không ảnh hưởng quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu được can thiệp muộn, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng như lú lẫn, khó thở, xuất huyết trong, suy gan...

Hiện thế giới vẫn chưa có thuốc đặc trị cho sốt xuất huyết, nhưng có rất nhiều cách để phòng tránh và đối phó với bệnh này. Chìa khóa là người dân cần tiếp nhận thông tin chính xác và hiểu rõ về căn bệnh này, tham khảo tư vấn bởi những chuyên gia sức khỏe, bác sĩ chuyên khoa.

Những sai lầm khi điều trị sốt xuất huyết cho trẻ

Sốt xuất huyết có thể diễn tiến nặng, nguy hiểm tính mạng nếu cha mẹ chủ quan, điều trị cho trẻ sai cách.

Phương Mai

Bạn có thể quan tâm