Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những sai lầm khi điều trị sốt xuất huyết cho trẻ

Sốt xuất huyết có thể diễn tiến nặng, nguy hiểm tính mạng nếu cha mẹ chủ quan, điều trị cho trẻ sai cách.

Sốt xuất huyết nếu phát hiện và điều trị theo đúng phác đồ sẽ khỏi bệnh, không để lại di chứng. Tuy nhiên, nhiều người có những nhận thức không đúng về bệnh dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Sốt xuất huyết không nguy hiểm?

Hầu hết trường hợp ở thể nhẹ. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan bởi bệnh vẫn có khả năng gây ra biến chứng nặng như xuất huyết nội tạng, tổn thương não, gan, thận khi không được phát hiện kịp thời.

Hết sốt là khỏi bệnh?

Bệnh thường diễn tiến qua 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu trẻ thường có biểu hiện sốt cao. Giai đoạn nguy hiểm thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh. Lúc này, trẻ có thể sốt giảm hơn giai đoạn đầu. Do đó, cha mẹ không nên nghĩ rằng trẻ hết sốt là đã khỏi bệnh. Giai đoạn hồi phục thường diễn ra vào ngày thứ 7-10 của bệnh. Trẻ lúc này hết sốt, tươi tỉnh, ăn ngon miệng, tiểu nhiều và có thể phát ban hồi phục hoặc ngứa ngoài da.

dieu tri sot xuat huyet cho tre anh 1

Ai nào cũng có thể bị mắc sốt xuất huyết dù là người già, trẻ nhỏ hay thanh niên. Ảnh: Republic Broadcasting.

Chỉ mắc một lần trong đời?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên. Virus này có 4 type huyết thanh là DEN 1, DEN 2, DEN 3 và DEN 4. Do đó, bạn bị tuýp này rồi có thể mắc type khác.

Mắc sốt xuất huyết là phải nhập viện?

Số xuất huyết có 3 mức độ: nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo và nặng. Trong trường hợp sốt xuất huyết nhẹ, bạn có thể theo dõi con tại nhà. Tuy nhiên, cha mẹ cần cho con đi tái khám bởi bệnh có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang nặng trong quá trình diễn tiến.

Trẻ phải đi khám ngay nếu có một trong những dấu hiệu cảnh báo sau:

- Người khó chịu hơn hoặc quấy hơn dù sốt giảm hoặc hết sốt.

- Không ăn uống được.

- Nôn ói nhiều.

- Đau bụng nhiều.

- Tay chân lạnh, ẩm.

- Mệt lả, bứt rứt.

- Chảy máu mũi, miệng hoặc bất kỳ chỗ nào.

- Không đi tiểu trên 6 giờ.

- Biểu hiện thay đổi hành vi thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc ly bì.

Tuy nhiên, bệnh nhân là người lớn hay trẻ em nên xem xét chỉ định nhập viện trong các trường hợp sau dù chưa có dấu hiệu cảnh báo:

- Sống một mình.

- Nhà xa cơ sở y tế không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng.

- Gia đình không có khả năng theo dõi.

- Dư cân, béo phì.

- Phụ nữ có thai.

- Trẻ nhỏ hơn 1 tuổi hoặc người lớn hơn 60 tuổi.

- Có bệnh mạn tính đi kèm.

Đã có vaccine sốt xuất huyết?

Vaccine sốt xuất huyết đang được đánh giá. Do đó, hiện vẫn chưa có thuốc để tiêm chủng. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh như tránh muỗi đốt, diệt bọ gậy (loăng quăng), diệt muỗi trưởng thành, vệ sinh môi trường, loại bỏ ổ chứa nước đọng.

Cách điều trị cho trẻ sốt xuất huyết

Chúng ta không có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vaccine để phòng ngừa sốt xuất huyết. Vì vậy, cha mẹ và bác sĩ cần điều trị triệu chứng và theo dõi những dấu hiệu nặng. Trẻ chỉ được hạ sốt bằng Paracetamol, không được dùng Ibuprofen hoặc Aspirin vì có nguy cơ gây chảy máu.

Gia đình nên cho con uống nhiều nước, tránh các loại có ga hay thức ăn sẫm màu (có màu nâu đỏ). Trẻ nên ăn những món lỏng như súp, cháo. Phụ huynh nên theo dõi những dấu hiệu cảnh báo để đưa bé đi khám ngay.

Bài viết do bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Quốc Tưởng, giảng viên bộ môn Nhi khoa, Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Nhi đồng 2, cung cấp thông tin.

TP.HCM thừa nhận hạn chế khi cách ly tất cả F0

Sở Y tế TP.HCM cho biết trong thời gian qua địa phương còn nhiều hạn chế như cách ly tập trung tất cả F0 gây quá tải, chưa đảm bảo nhập liệu và giãn cách khi tiêm vaccine.

Bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng

Bạn có thể quan tâm