Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

TP.HCM thừa nhận hạn chế khi cách ly tất cả F0

Sở Y tế TP.HCM cho biết trong thời gian qua địa phương còn nhiều hạn chế như cách ly tập trung tất cả F0 gây quá tải, chưa đảm bảo nhập liệu và giãn cách khi tiêm vaccine.

Bộ Y tế vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác điều trị Covid-19. Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm công tác chẩn đoán, điều trị người bệnh Covid-19 và triển khai các giải pháp mới.

Tại hội nghị, Sở Y tế TP.HCM cho biết từ 1/1 đến ngày 23/11, toàn thành phố đã có 459.723 ca Covid-19 được Bộ Y tế công bố. Địa phương này cũng đã trải qua 4 đợt giãn cách xã hội.

Về tình hình tiếp nhận, điều trị, TP.HCM đã triển khai mô hình "tháp 3 tầng". Trước 27/4, địa phương này chỉ có 5 bệnh viện điều trị F0 (970 giường, 42 giường ICU). Sau 27/4, số cơ sở điều trị được nâng lên 95 bệnh viện (chuyển đổi công năng 54 bệnh viện, thành lập thêm 36 bệnh viện dã chiến) và 201 cơ sở cách ly F0.

chong dich Covid-19 o TP.HCM anh 1

Phân bổ số F0 đang điều trị tại các tầng. Nguồn: Sở Y tế TP.HCM.

Tại thời điểm cao nhất của đợt dịch thứ 4, thành phố có 104.000 giường ở cả 3 tầng, trong đó có 4.600 giường ICU và có 8.128 bác sĩ, 15.914 điều dưỡng, 1.500 kỹ thuật viên và hộ lý tham gia chăm sóc F0.

Từ 28/7, thành phố đã thí điểm cách ly F0 tại nhà. Ngày 9/8 bắt đầu cấp gói thuốc A-B cho F0 cách ly tại nhà. Đến 26/8, địa phương tiếp tục cấp gói thuốc C (chương trình có kiểm soát của Bộ Y tế). Bên cạnh đó, TP.HCM cũng thành lập 327 tổ phản ứng nhanh, 5 trạm cấp cứu vệ tinh 115 dã chiến và 525 trạm y tế lưu động do lực lượng quân y hỗ trợ. Tính đến 24/11, 260.603 F0 cách ly tại nhà đã khỏi bệnh, góp phần giảm tải cho hệ thống thu dung, điều trị.

Cách ly tập trung tất cả F0 dẫn đến quá tải

Trải qua các đợt dịch, đại diện Sở Y tế TP.HCM cho rằng thành phố có điểm thuận lợi như được chỉ đạo sâu sát và quyết liệt của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Tổ công tác đặc biệt của chính phủ, Bộ Y tế. Sự hỗ trợ của các bệnh viện trung ương, sở y tế các tỉnh. Chính quyền thành phố ưu tiên mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch,...

Tuy nhiên, địa phương này thừa nhận nhiều hạn chế như công tác dự báo chưa theo kịp với diễn biến thực tế của dịch bệnh. Kỹ thuật rRT-PCR và năng lực xét nghiệm rRT-PCR chưa tương xứng với tốc độ lây lan của chủng Delta. Triển khai chiến dịch tiêm vaccine với quy mô lớn trong thời gian rất ngắn nên chưa đảm bảo việc nhập liệu và giãn cách.

Đặc biệt, việc cách ly tập trung tất cả F0 dẫn đến quá tải, gây áp lực cho người bệnh. Hệ thống y tế và dự phòng chưa được đầu tư đúng mức, quá tải và tăng nguy cơ tử vong. Ứng dụng công nghệ thông tin cũng chưa hiệu quả.

Theo đại diện của Sở Y tế TP.HCM, nguyên nhân khách quan là đại dịch còn mới, chưa có tiền lệ nên chưa có cách xử trí kịp thời. Dân số TP.HCM đông, lây nhanh trong thời gian ngắn. Ngoài ra, những hạn chế này còn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan như chưa có dự báo đầy đủ và tổ chức diễn tập trước đó; hệ thống y tế cơ sở, y tế công cộng chưa được đầu tư đúng mức; chưa có chính sách thu hút hệ thống y tế tư nhân tham gia; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch còn manh mún, chưa đồng bộ.

Bài học kinh nghiệm

Trong báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, cơ quan này nhận định chiến lược để chống dịch hiệu quả là "coi mỗi phường, xã, thị trấn là một pháo đài; mỗi người dân là một chiến sĩ". Trong đó, vai trò của ban chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện và phường, xã, thị trấn đóng vai trò quyết định.

"Cách ly F0 để ngăn chặn lây lan là cần thiết nhưng không nhất thiết phải cách ly tập trung tất cả trường hợp. Cách ly tập trung khi không đủ điều kiện cách ly tại nhà. Nhiều khu cách ly tập trung với quy mô nhỏ gắn liền với địa bàn phường, xã tốt hơn ở quy mô lớn cấp quận, huyện hay thành phố. Cách ly tại nhà hay tập trung phải gắn liền với chăm sóc, điều trị và cung ứng gói thuốc, gói an sinh...", đại diện Sở Y tế TP.HCM chia sẻ về bài học kinh nghiệm trong việc cách ly F0.

Về chiến lược điều trị, cơ quan này cho rằng nên theo 2 trụ cột: chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng và điều trị tại bệnh viện. Huy động mọi nguồn lực để phát huy hiệu quả mô hình trạm y tế lưu động trong chăm sóc F0 tại nhà. Củng cố hệ thống điều trị 3 tầng, triển khai mô hình "Bệnh viện dã chiến 3 tầng" nhằm chăm sóc tốt nhất cho người bệnh và hạn chế các nguy cơ khi chuyển viện.

chong dich Covid-19 o TP.HCM anh 2

Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 do Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vận hành kín giường bệnh chỉ sau 3 ngày mở cửa. Ảnh: Duy Hiệu.

Bên cạnh đó, địa phương cần phát huy sự phối hợp hiệu quả của lực lượng quân đội, công an và ngành y tế trong việc hỗ trợ ngay từ đầu về bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, an toàn trật tự xã hội.

Ngoài ra, địa phương nên củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng từ thành phố đến phường, xã. Ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm công tác thu thập, tổng hợp và phân tích dữ liệu chính xác, kịp thời để quản lý người bệnh, sàng lọc từ xa giúp tạo sự an tâm cho người bệnh và kịp thời kích hoạt hệ thống cấp cứu tại nhà khi người bệnh có dấu hiệu trở nặng, quản lý bệnh nhân khi chuyển tuyến, tử vong.

Vaccine vẫn là chiến lược lâu dài và hàng đầu trong phòng, chống dịch bệnh. Những trường hợp có nguy cơ cao (thai phụ, người trên 50 tuổi, có bệnh nền, béo phì…) và lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh cần được ưu tiên tiêm vaccine.

Bài học cuối cùng Sở Y tế TP.HCM đưa ra là việc tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ứng dụng các công nghệ mới để giám sát, dự báo dịch bệnh, chăm sóc và điều trị F0 ở các tầng.

Bộ Y tế đưa thêm nhiều loại thuốc vào điều trị bệnh nhân Covid-19

Ngoài Molnupiravir, Bộ Y tế đưa thuốc kháng thể kép và Favipiravir vào điều trị bệnh nhân Covid-19.

Dịch Covid-19

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm