Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

6 quy tắc của bà mẹ trẻ để tránh xa stress sau sinh con

Jell Thương, 25 tuổi, mới sinh con đầu lòng nhưng chị đã có những "tôn chỉ" giúp cho hành trình nuôi con không có xung đột với người thân, đặc biệt là mẹ chồng.

Dưới đây là chia sẻ của bà mẹ trẻ gửi cho Zing.vn:

Mình mới sinh con và nuôi con được một tháng – có lẽ còn quá sớm để đưa ra những kinh nghiệm. Tuy vậy, nhìn lại hành trình mang thai và sinh nở khá thoải mái vui tươi, mình nghiệm ra có một số “tôn chỉ” đã giúp bản thân nhận được sự ủng hộ trong quá trình nuôi con để con vẫn khỏe, vui và mẹ không stress.

Xin phép liệt kê ngắn gọn để chia sẻ với các chị em, đặc biệt là các bạn gái chưa chồng. Mong rằng đây không chỉ là chút thông tin tham khảo, mà còn là một câu chuyện vui vẻ nhẹ nhàng – để các bạn có thể lạc quan về hôn nhân, sẵn sàng cho hành trình làm mẹ.

1. Chồng là người đồng hành đầu tiên và quan trọng nhất

Ngay từ khi mới quen nhau, hai đứa thẳng thắn chia sẻ rất nhiều về quan điểm, phương pháp nuôi – dạy con. Khi mình có bầu, cả hai cùng nhau đọc sách, cập nhật thông tin và share nhau những đường link hữu ích. Kết quả, khi con ra đời, chồng cũng học cách thanh trùng/trữ đông sữa, pha nước tắm, nghe-hiểu tiếng khóc của con.

Hơn thế, trong hành trình này, chồng vừa là đồng minh, vừa là lá chắn. Khi có ai đó có ý kiến về việc nuôi con, anh sẽ lên tiếng – và cái sự lên tiếng của ggười đàn ông dường như có sức nặng hơn tiếng nói của đàn bà!

Chồng luôn là người đồng hành đầu tiên và quan trọng nhất. Ảnh: NVCC

2. Loại bỏ tư tưởng thù địch với mẹ chồng

Mình nhận thấy, mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu đa phần là do sự khác biệt quan điểm, không phải do mẹ chồng xấu tính hay có ác ý. Tuy nhiên, quan điểm của bà có thể không còn phù hợp với hiện tại.

Nếu mẹ đẻ bắt ăn móng giò, nhiều chị em sẽ nói nghĩ do: “bà thương mình nhưng bà ko biết”, ngược lại, nếu là mẹ chồng, họ lại nghĩ: “bà bảo thủ, nói mãi không nghe”.

Khi có bất đồng, tôi nghĩ rằng trong mọi trường hợp, không nên ra mặt cãi vã hay căng thẳng với mẹ. Hãy để chồng lên tiếng. Tôi không cho rằng bà sai, bảo thủ, hay lạc hậu vì bản thân cũng chỉ vừa mới được tiếp cận những kiến thức này.

3. Chuẩn bị thật tốt về kiến thức cho bản thân

Kiến thức mang lại sự tự tin. Khi đã hiểu và biết rõ, chúng ta sẽ không hoang mang, lo âu, “đẽo cày giữa đường” giữa muôn ngàn ý kiến, lời khuyên trong quá trình nuôi con.

Mình nghĩ các chị em trong độ tuổi sinh nở, kể cả chưa có người yêu cũng cần chuẩn bị kiến thức về sức khỏe sinh sản, dinh dưỡng, nuôi con. Kiến thức này cần đi cùng với sự cập nhật và được kiểm chứng. Thông tin phải gắn với chuyên gia và các tổ chức chuyên môn có uy tín (WHO, UNESCO...) và không phải gắn với các thương hiệu, sản phẩm.

4. Chuẩn bị tinh thần và kiến thức cho những người xung quanh

Mục đích là để mọi người trong nhà hiểu và nhất trí để giảm thiểu những hiểu lầm, bất đồng không đáng có.

Thay đổi tư duy, nhận thức là cả một quá trình nên phải làm công tác tư tưởng cho chồng, gia đình... từ khi chưa sinh con với các hành động thiết thực như cùng nhau đọc sách, xem những chương trình TV hữu ích, trao đổi quan điểm và nhất trí cách làm ngay từ đầu.

Quá trình này có thể diễn ra vài tháng – vài năm, từ lúc mới yêu nhau, từ khi mới có bầu…

5. Cố gắng tự chủ về tài chính và các vấn đề khác

Nếu phụ thuộc quá nhiều về tài chính và không thể tự chăm sóc mình và chăm con, bạn rất khó để lên tiếng, chưa kể đến việc bảo vệ chính kiến trong bão tranh cãi.

Vì thế, mình và chồng luôn cố gắng tự lực trong những gì có thể. Đó không phải là cự tuyệt sự giúp đỡ của mọi người, nhưng những việc như cho con ăn, ngủ, sau này là dạy con… tốt nhất bạn không nên để người khác làm.

Phút yên bình của mẹ con Jell Thương. Ảnh: NVCC
Phút yên bình của mẹ con Jell Thương. Ảnh: NVCC

6. Luôn tin vào chính mình nhưng vẫn tôn trọng người khác

Hãy chuẩn bị tinh thần để nghe những người xung quanh phán xét, phê bình, phàn nàn thậm chí xúc phạm. Khi mới sinh, người ta xầm xì chỉ trỏ sau lưng vì mình không chịu mua sữa bột cho con; lại còn “làm màu” vì trước khi chăm con, mình hay rửa tay bằng dung dịch vệ sinh chuyên dụng. Mình không quan tâm vì mỗi người một quan điểm và chúng ta không cần xúc phạm người khác chỉ vì họ khác mình.

Kết quả, sau bác sĩ vào thăm buồng khen mình có lọ rửa tay “chuyên nghiệp", họ lại lẳng lặng bắt đầu rửa tay giống mình. Sau 7 ngày, con mình mới là đứa khỏe, cứng và khôn nhất, ra viện sớm nhất. Một gia đình khác thấy vậy liền bắt đầu tìm mua túi trữ sữa để nuôi con “theo kiểu nhà em”.

Lần đầu sinh con, con chưa đầy tháng, kinh nghiệm của mình chỉ ngắn ngủi như vậy... hành trình phía trước còn quá dài, chưa ai nói trước được điều gì. Mình sẽ tiếp tục đi và chiêm nghiệm tiếp.

 

Bình tĩnh đợi sữa về

Hơn 10 ngày sau sinh, mình mới "có sữa về" - theo quan niệm truyền thống, tức là sữa chảy thấm ướt áo, con ti bên này sữa chảy bên kia.

Nếu không tìm hiểu, đọc tài liệu từ trước, chắc hẳn mình sẽ rất sốt ruột nghĩ rằng không có sữa và sẽ tự ti vào khả năng nuôi con bằng sữa mẹ của chính mình. Bởi trong 2 ngày đầu, mình không hề có giọt sữa nào. Những ngày sau đó, con ăn khỏe nên lượng sữa chỉ đủ no, sữa vắt chỉ được 1-2ml, nhiều nhất là 5 ml.

Lúc đó, mọi người trong nhà bắt đầu sốt ruột và ép mình ăn móng giò để có sữa. Song, mình và chồng có vẫn có một niềm tin bất diệt là móng giò không lợi sữa. Muốn lợi sữa, chúng ta cần kích thích các loại hormone tạo và tiết sữa bằng việc gần, ôm và cho con bú nhiều. Tức lợi sữa bằng hormone của tình yêu thương!

Tất nhiên, khi sữa chưa về, mình cũng rất sốt rột nhưng nhờ tài liệu và sự đồng hành của chồng, mình đã kiên nhẫn chờ. Và bây giờ sữa đã về rất nhiều.

Mình cho rằng, chúng ta phải chủ động chuẩn bị kiến thức cho mình để không bị luống cuống, hoảng sợ.

- Jell Thương

 

 

Độc giả Jell Thương

Bạn có thể quan tâm