1. Ăn cho hai người
Theo The Health Site, nhiều người nghĩ rằng phụ nữ mang thai cần ăn gấp đôi mới đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và em bé. Tuy nhiên, đó là quan điểm sai lầm. Hàm lượng calo cần thiết mỗi ngày cho một người bình thường là từ 1800-2000 calo. Theo quy tắc ngón tay cái, bạn chỉ cần bổ sung thêm 300 calo khi mang thai.
Tăng cân quá nhiều có thể tăng nguy cơ mắc bệnh như tiền sản giật, tiểu đường trong thai kỳ, thậm chí gây các vấn đề sức khỏe khác sau khi sinh. Phụ nữ có cân nặng vừa phải trước khi mang thai thì nên tăng khoảng 11-16 kg, phụ nữ bị thiếu cân thì nên tăng khoảng 13-18 kg, phụ nữ thừa cân thì chỉ nên tăng khoảng 7-11 kg.
2. Tự ý sử dụng thuốc
Nhiều người không biết rằng họ không được phép sử dụng thuốc kháng sinh, paracetamol, các loại kem trị mụn… khi có thai. Tự uống thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng đến thai kỳ và những dị tật bẩm sinh bất thường ở thai nhi.
Hãy nhớ rằng phụ nữ mang thai không được phép uống bất kỳ loại thuốc nào trừ khi có sự chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, nói chuyện với bác sĩ nếu bạn cảm thấy buồn nôn, khó chịu khi bổ sung các loại vitamin, sắt và canxi trong thai kỳ.
3. Thiếu ngủ hoặc ngủ nhiều hơn mức cần thiết
Những thay đổi nội tiết tố và vật lý xảy ra trong cơ thể khiến phụ nữ mang thai cần được nghỉ ngơi nhiều hơn. Thiếu ngủ sẽ làm cơ thể mệt mỏi hơn, khó sinh do không đủ sức. Thời gian ngủ đủ cho phụ nữ mang thai là nhiều hơn 5-6h/ngày. Nếu bạn không thể ngủ, hãy thử đi ngủ sớm hơn ngày thường một giờ, bạn sẽ thức dậy muộn hơn một tiếng.
Tuy nhiên, bạn cũng không nên ngủ quá nhiều vì nó khiến cơ thể thèm ngủ hơn, chu kỳ ngủ của thai nhi thất thường, ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của em bé.
4. Căng thẳng khi tăng cân
Nhiều phụ nữ mang thai cảm thấy sợ và căng thẳng khi cân nặng ngày càng tăng, thậm chí tăng nhiều. Tuy nhiên, bạn không nên lo lắng về vấn đề này, vì tăng cân đồng nghĩa với sự phát triển đúng của em bé trong tử cung. Một khi em bé ra ngoài, bạn có thể dễ dàng giảm cân. Hơn nữa, căng thẳng là không tốt trong quá trình mang thai, bạn cần quên đi cân nặng và vui vẻ hơn để giúp em bé khỏe mạnh.
5. Không tập thể dục
Mang thai không có nghĩa là bạn không được phép tập thể dục. Nhiều phụ nữ cho rằng đi làm, leo cầu thang, làm việc nhà cũng được coi là cách luyện tập và đốt cháy calo hàng ngày.
Các bài tập thể dục nhẹ nhàng như yoga, thiền… giúp chống lại các hormone căng thẳng, tăng cường lưu thông, giúp hỗ trợ tăng trưởng và phát triển của thai nhi. Thai phụ nên thảo luận với bác sĩ về kế hoạch tập luyện và chế độ ăn uống bắt đầu từ những ngày đầu tiên của thai kỳ.
6. Không tham gia lớp học tiền sản
Nhiều phụ nữ mang thai nghĩ rằng lớp học tiền sản sẽ không mang lại lợi ích gì cho họ vì mọi thông tin cần thiết bạn có thể tự tìm hiểu trên mạng, bạn bè, người thân. Tuy nhiên, nếu tham gia một khóa học tiền sản, bạn sẽ phải suy nghĩ lại.
Lớp học tiền sản có thể cung cấp cho bạn tất cả các thông tin trong quá trình mang thai và chăm sóc em bé. Bạn sẽ được học về cách luyện tập, chế độ ăn uống, phương pháp sinh dễ, không đau và cách cho con bú, chăm sóc em bé sau sinh. Tham gia khóa học trong giai đoạn 3 tháng đầu, bạn có nhiều thời gian để tìm hiểu và làm những việc phù hợp cho cả mẹ và con.