Mỡ bụng vừa ảnh hưởng đến ngoại hình, vừa khó loại bỏ nếu không tuân thủ chế độ ăn uống, tập luyện phù hợp.
1. Tiêu thụ nhiều đường: Đường bổ sung từ các loại đồ uống ngọt, bánh ngọt chứa hàm lượng fructose cao. Khi dung nạp nhiều fructose, tỷ lệ đốt cháy chất béo và trao đổi chất bị giảm, thúc đẩy tăng cân cũng như tích tụ mỡ thừa. Bên cạnh đó, đồ uống ngọt không làm no nhanh nên chúng ta có xu hướng tiêu thụ lượng đường lớn trong khoảng thời gian ngắn. Ảnh: Harvard Health, PopSugar.
2. Ăn nhiều chất béo chuyển hóa: Chất béo chuyển hóa thường có trong các loại thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn. Loại chất béo này dẫn đến tình trạng viêm, kháng insulin, bệnh tim mạch… Bên cạnh đó, chất béo chuyển hóa còn gây béo phì, gia tăng mỡ bụng. Ảnh: Common Ground International.
3. Ăn ít protein, chất xơ: Bổ sung đầy đủ protein, chất xơ trong chế độ ăn là yếu tố quan trọng giúp ngừa tăng cân. Thực đơn giàu protein, hàm lượng chất xơ cao giúp no lâu. Từ đó, chúng ta có xu hướng ăn ít hơn và giảm lượng calories nạp vào cơ thể. Tuy nhiên, khi cơ thể nạp quá ít protein sẽ tăng giải phóng hormone neuropeptide Y. Hormone này kích thích sự thèm ăn. Ảnh: Fedhealth, Jennifer Fugo.
4. Lối sống ít vận động: Nếu tiêu thụ calories nhiều hơn mức đốt cháy, bạn sẽ tăng cân. Ít vận động, ít tập thể dục tác động xấu đến sức khỏe, gây khó khăn trong việc loại bỏ mỡ thừa. Ảnh: Stanford Medicine.
5. Thường xuyên căng thẳng: Hormone cortisol giúp cơ thể kiểm soát, đối phó căng thẳng. Nhiều người có xu hướng tìm kiếm thức ăn, đặc biệt là đồ ngọt khi bị căng thẳng kéo dài. Ở trong trạng tháp áp lực cao, cơ thể sản sinh nhiều cortisol, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất. Cortisol góp phần làm mỡ thừa ở bụng, đùi và những vùng khác trở nên khó loại bỏ. Ảnh: Clarity Clinic.
6. Uống nhiều đồ uống chứa cồn: Tiêu thụ nhiều bia, rượu dẫn đến chứng viêm, bệnh gan và các vấn đề sức khỏe khác. Rượu ngăn chặn quá trình đốt cháy chất béo và calories, từ đó lưu trữ dưới dạng mỡ bụng. Ảnh: Men's Health.