Đầu giờ chiều ngày 15/1, trước khi bước tiếp vào phần đối đáp với các luật sư, VKS xin HĐXX cho nói thêm một số vấn đề.
Nhiều bị cáo được VKS đề nghị giảm nhẹ hình phạt
Cụ thể, VKS đánh giá hậu quả các bị cáo gây thiệt hại đến nay vẫn chưa được khắc phục. Việc xem xét hành vi của bị cáo là cần thiết, đảm bảo khách quan, công bằng, đúng pháp luật.
Qua thẩm vấn công khai diễn biến tại phiên tòa, VKS quyết định bổ sung thêm các tình tiết giảm nhẹ đối với hành vi phạm tội của Bùi Mạnh Hiển (nguyên Chánh văn phòng PVC), Phạm Tiến Đạt (nguyên Kế toán trưởng PVC) và Nguyễn Lý Hải (nguyên Trưởng phòng kỹ thuật, Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC).
VKS đánh giá Bùi Mạnh Hiển, Lương Văn Hòa và Phạm Tiến Đạt có nhiều tình tiết giảm nhẹ, hợp tác với cơ quan điều tra để giải quyết vụ án. Tuy nhiên, bị cáo Hiển sẽ phải chịu trách nhiệm 2,7 tỷ đồng trong số 13 tỷ mà bị cáo chiếm đoạt.
Bị cáo Bùi Mạnh Hiển từng bị VKS đề nghị mức án 13-14 năm tù. Ảnh: P.D. |
Từ những phân tích, VKS đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho Hiển, Hòa, Mậu và Đạt so với mức VKS đề nghị trước đó, cân nhắc giảm nhẹ cho bị cáo Nguyễn Ngọc Quý (nguyên Phó chủ tịch PVC). Người đại diện giữ quyền công tố tại phiên tòa xác nhận, đến nay Trịnh Xuân Thanh và Nguyễn Anh Minh đã khắc phục hậu quả. Các vấn đề khác VKS giữ nguyên quan điểm so với luận tội.
Trước đó, hôm 11/1, theo đề nghị của VKS, với nhóm phạm tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo Phạm Tiến Đạt bị đề nghị mức án 6-7 năm tù; Lê Đình Mậu 7-8 năm tù; Nguyễn Ngọc Quý 8-9 năm tù. Nhóm phạm tội Tham ô tài sản, VKS đề nghị bị cáo Bùi Mạnh Hiển mức án 13-14 năm tù; Nguyễn Lý Hải 30-36 tháng tù treo; Lương Văn Hòa 13-14 năm tù.
Mong VKS xem lại quan điểm Phùng Đình Thực không thành khẩn
Lúc 14h30, luật sư Đinh Anh Tuấn - người bào chữa cho bị cáo Phùng Đình Thực (nguyên Tổng giám đốc PVN) được HĐXX mời lên đối đáp quan điểm của VKS trình bày trong buổi sáng. Phân tích về việc thân chủ của mình “có biết hợp đồng 33 trái pháp luật không”, luật sư Tuấn mong muốn VKS xem xét lại để không gắn cho thân chủ của mình “buộc phải biết” về hợp đồng 33 vì đã có sự phân công, phân quyền.
Luật sư mong VKS bỏ giúp luận điểm cho rằng bị cáo Thực đã cùng với Đinh La Thăng bằng mọi cách giúp PVC được chỉ định thầu. Luật sư Tuấn nói ông đang có trong tay bản kết luận buổi làm việc của PVN năm 2011, trong đó, phần nêu về dự án nhiệt điện Thái Bình 2 chỉ có hai dòng.
Theo luật sư, trong Ban tổng giám đốc Tập đoàn PVN, bị cáo Thực chỉ có năng lực chuyên môn về thăm dò về khai thác và tập trung cho mảng nhiệm vụ đó. Trong phần tự bào chữa, thân chủ của ông cũng thừa nhận trách nhiệm của mình khi thiếu kiểm tra rà soát công việc giao cho cấp dưới. Bị cáo nhận trách nhiệm chưa làm hết mình, làm chưa hết nhiệm vụ, chưa dành đủ thời gian cho dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Tiếp theo, luật sư Hoàng Huy Được bào chữa cho bị cáo Phùng Đình Thực tiếp tục đối đáp quan điểm của VKS. Ông Được tập trung nêu các luận cứ để bào chữa cho thân chủ mình không có hành vi sai phạm trong chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC 33 với PVC trái quy định, để bị can Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm gây thiệt hại cho nhà nước 119 tỷ đồng.
Luật sư Được cũng nêu bị cáo Thực đã khai báo thành khẩn và được ghi trong cáo trạng, tuy nhiên VKS lại nêu không thành khẩn. Luật sư mong VKS xem xét lại quan điểm này.
Bị cáo Phùng Đình Thực. Ảnh:TTXVN. |
Ông Nguyễn Huy Thiệp: Bị cáo Thăng không có hành vi cố ý làm trái
Sau phần luật sư bào chữa cho Phùng Đình Thực, luật sư Nguyễn Huy Thiệp - bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng được mời lên trình bày quan điểm đối đáp với viện kiểm sát.
Luật sư tự đặt câu hỏi rằng khi Tập đoàn PVN có ý tưởng giao cho PVC thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, HĐTV PVN và bị cáo Đinh La Thăng có được những thông tin gì từ PVC. Theo ông Thiệp, kết quả hoạt động tài chính của PVC khi đó công khai cho thấy, lợi nhuận của doanh nghiệp này lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Với đơn vị có hiệu quả kinh doanh như thế thì PVC đủ điều kiện làm dự án.
Quá trình xét xử vụ án, các bị cáo khẳng định vào thời điểm đó, nếu xét về kinh nghiệm thì chỉ có Lilama là đủ điều kiện triển khai dự án. Tuy nhiên, luật sư cho rằng để một mình Lilama vào thực hiện dự án sẽ dẫn tới độc quyền. Nếu độc quyền thì không kích thích được phát triển.
Ông Thiệp cho rằng nếu không giao việc cho những đơn vị không bao giờ làm dự án khó thì làm sao phát triển được. Do đó HĐTV Tập đoàn PVN chỉ định thầu cho PVC là phù hợp.
Với những lý lẽ riêng của mình, luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng cho rằng thân chủ của mình không có hành vi Cố ý làm trái trong vụ này.
Nói về hợp đồng 33, luật sư nói thẩm quyền ký hợp đồng là chủ đầu tư và nhà thầu. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, bị áp lực tiến độ. Từ đó bị cáo Thăng mới quyết liệt chỉ đạo để đảm bảo tiến độ.
Trình bày ý kiến, luật sư nêu bị cáo Đinh La Thăng từng nói với các dự án cấp bách mà nhất nhất tuân theo trình tự triển khai sẽ không bao giờ kịp tiến độ. Vì sức ép tiến độ bị cáo Thăng đã tiến hành đồng thời nhiều nội dung, chứ không làm theo cách: việc trước được rồi mới làm việc sau. Từ lập luận đó, vị luật sư bào chữa cho rằng những sai sót trong hợp đồng 33 không thuộc trách nhiệm của thân chủ mình.
Cùng bào chữa cho bị cáo Thăng, luật sư Đào Hữu Đăng được mời lên đối đáp. Luật sư cho rằng bản đối đáp của VKS trong sáng nay có nhiều chi tiết mới hơn bản luận tội.
Theo luật sư, VKS đã dành thời gian để chứng minh việc PVC không đủ năng lực và bị cáo Đinh La Thăng biết PVC không đủ năng lực nhưng vẫn chỉ định doanh nghiệp này làm nhà thầu dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Lắng nghe quan điểm đối đáp của VKS, luật sư mong muốn VKS cần có quan điểm đánh giá năng lực, khả năng doanh nghiệp, nhà thầu khác.
Người bào chữa cho bị cáo Thăng nhấn mạnh cần đánh giá khả năng của doanh nghiệp, không nên nhìn vào việc họ làm được nhà máy nhỏ và không làm được nhà máy lớn. Để doanh nghiệp lớn hơn không có cách nào là giao việc từ nhỏ đến lớn.
Ông Đăng nói dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đến nay gần như hoàn thành. Vậy chủ trương chỉ định thầu cho PVC là không sai.
Vị luật sư cũng chia sẻ khó khăn vốn với PVC không phải đến từ PVC, mà đến từ chủ trương tái cơ cấu. Do phải nhận nhiều dự án dẫn đến các khó khăn về tài chính, trong khi vốn điều lệ chưa được tăng. Khó khăn như vậy là nhất thời - luật sư nêu quan điểm.
Đánh giá năng lực nhà thầu theo luật sư là trách nhiệm của chủ đầu tư - tức PVPower. PVPower thấy không đủ năng lực phải báo cáo với Tập đoàn PVN. Việc thực hiện quy trình chỉ định thầu là trách nhiệm PVPower chứ không phải PVN.
Từ những lập luận trên, luật sư Đăng nêu ý kiến bị cáo Thăng chỉ đạo ký hợp đồng 33 là không có căn cứ.
Tranh luận việc nguyên phó tổng PVN đồng phạm với Đinh La Thăng
Chiều muộn cùng ngày, luật sư Nguyễn Văn Chiến - người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó tổng PVN), được mời lên đối đáp với quan điểm của VKS. Trong phần trình bày kéo dài khoảng 40 phút, luật sư Chiến tập trung gỡ tội cho thân chủ của mình với cáo buộc đồng phạm với bị cáo Đinh La Thăng trong tội Cố ý làm trái.
Về quan điểm của VKS cho rằng Nguyễn Quốc Khánh đồng phạm với bị cáo Thăng chỉ đạo ký hợp đồng 33 trái quy định, ông Chiến tỏ ra không hiểu thân chủ của mình đồng phạm với vai trò, vị trí thế nào. Vị luật sư mong VKS nói rõ việc đồng phạm trong tổ chức, thực hành hay giúp sức.
Theo luật sư, những chỉ đạo của Nguyễn Quốc Khánh trong thời điểm xảy ra sự việc là đúng pháp luật. Về lời khai hồi tháng 11/2017, sau khi bị cáo bị khởi tố, luật sư cho rằng do Khánh nhớ lại việc xảy ra từ lâu nên khai không đầy đủ. Việc Khánh khai nhận thức ký hợp đồng 33 không đúng quy định là lời khai thể hiện trạng thái nhận thức của Khánh ở thời điểm điều tra. Lời khai này được lấy sau khi Nguyễn Quốc Khánh được xem các văn bản của điều tra viên và bị cáo nhận thức bước đầu về hợp đồng 33 - luật sư nêu luận điểm.
Từ đó, luật sư Nguyễn Văn Chiến cho rằng thân chủ của mình chỉ liên quan đến một số hành vi thực hiện nhiệm vụ, không đồng phạm với ai trong tội Cố ý làm trái. Về các tình tiết giảm nhẹ cho thân chủ, luật sư nói trong quá trình điều tra vụ án cũng như ở phiên tòa, bị cáo Khánh đã nhận trách nhiệm về các hành vi vi phạm, thành khẩn khai báo, ăn năn hối hận, tự nguyện nộp 2 tỷ đồng nên mong HĐXX xem xét thỏa đáng cho thân chủ của mình.
Gần 18h30, HĐXX tuyên bố tạm dừng phiên tòa sau gần 5 giờ làm việc buổi chiều. Trong số gần 20 luật sư được HĐXX gọi lên đối đáp chiều nay, nhiều vị nói ngắn gọn, họ mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ của mình. Phần lớn thời gian HĐXX dành cho nhóm các luật sư bào chữa cho 3 bị cáo Phùng Đình Thực, Đinh La Thăng và Nguyễn Quốc Khánh.
8h ngày mai (16/1), phiên xử sẽ tiếp tục với phần trình bày ý kiến đối đáp của luật sư với VKS. Trong các luật sư chưa đối đáp, đáng chú ý của nhóm luật sư của bị cáo Trịnh Xuân Thanh.