Bé Nguyễn Thiện M. (6 tuổi, Thái Bình) bị sâu răng nặng. Những chiếc răng số 4, 5, 6 của bé đều bị sâu đen khoét vào tận tủy khiến cháu bị đau. Mỗi lần chỉ cần ai vô tình chạm vào mặt cháu đều khóc.
Bố mẹ cho con đi khám, biết là sâu răng nhưng bé M. không chịu mở miệng. Các nha sĩ không dám ép cháu vì sợ khi làm tủy răng, cháu sẽ nuốt phải kim lấy tủy nên bé M. đành sống chung với nó.
2 tháng này. M. đau nhiều quá không ăn được cơm, bố mẹ cháu đành nấu cháo cho con ăn. Nhìn con lớn tướng nhưng phải quay lại ăn cháo, ăn dè dặt, chị Mai, mẹ của M. xót xa lắm nhưng không biết làm thế nào.
Vợ chồng chị nghe người quen mách mua thuốc người ta đã chế biến về nhét vào chỗ răng sâu để hết đau. Tuy nhiên, chị Mai vẫn lo vì đó chỉ là giải pháp tạm thời.
Sâu răng vừa mất thẩm mỹ vừa nguy hiểm cho học sinh. |
Trường hợp của bé Ngô Thuỳ L. 7 tuổi, con chị Vũ Mai Diệu trú tại Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội, cũng tương tự. Chị L. cho biết ngày còn nhỏ cháu bị sún hết răng cửa, năm 4 tuổi chị đã cho con đi hàn răng và làm tuỷ.
Trong lúc làm cháu khóc nhiều quá, ho đến mức nôn hết cả thức ăn ra. Hai lần làm tuỷ cho con là hai lần chị khóc cùng con. Sau này, những chiếc răng hàm của bé bắt đầu sâu với những lỗ nhỏ trên mặt răng. Dù chị cố gắng vệ sinh cho con nhưng từ một lỗ đen trên răng, chỉ vài tháng sau chị đã thấy nó thành cái lỗ rỗ to. Mỗi lần thức ăn lại nhét vào đó, vệ sinh rất khó.
Tuy nhiên, mỗi lần đưa con đến nha sĩ là cháu sợ khóc thét nên chị đành thôi, cho con sống chung với hi vọng khi nào cháu thay răng sẽ hết. Nhưng khoảng 1 tháng trở lại đây bé bị sâu răng gây viêm lợi, áp xe răng. Cháu ngày càng đau đớn khiến chị không thể chần chừ được nữa.
Chị Nguyễn Bích Hà trú tại Hoài Đức, Hà Nội vẫn không thể nào quên được trận ốm “lịch sử” của con chị cách đây vài năm mà nguyên nhân là do chiếc răng sâu. Bé bị sâu răng gây viêm lợi rồi nhiễm trùng huyết khiến bé sốt cao, sốc nhiễm khuẩn, phải vào Bệnh viện Nhi trung ương điều trị cả tháng trời mới khỏi.
Dù khỏi nhưng cứ mỗi lần nghĩ đến răng sâu của con là chị lại thấy sợ hãi. Chính vì thế, đến cháu thứ 2, chị cố gắng vệ sinh răng miệng thật tốt cho con và hạn chế cho bé ăn đồ ngọt.
Biến chứng nguy hiểm
Thạc sĩ Lỗ Văn Tùng, Phó trưởng khoa phụ trách Khoa vệ sinh và Sức khoẻ trường học, cho biết bệnh răng miệng là bệnh về tổ chức cứng của răng, tổ chức quanh răng và niêm mạc miệng, trong đó có hai bệnh thường gặp là viêm lợi và sâu răng.
Hiện nay, tỷ lệ học sinh bị các bệnh về răng miệng rất cao, khoảng 50-70%. Tại Hà Nội, tỷ lệ sâu răng vĩnh viễn theo nghiên cứu của Viện sức khỏe nghề nghiệp đối với học sinh trung học cơ sở là 17.04%, tỷ lệ viêm lợi là 14, 59%. Nguyên nhân gây sâu răng, theo thạc sĩ Tùng, đó là do lên men các chất bột, đường còn dính lại ở răng tạo thành axit, phá hủy tổ chức cứng của răng tạo thành các lỗ sâu.
Ngoài sâu răng, ở trẻ nhỏ, học sinh còn mắc phải đó là bệnh viêm lợi, chủ yếu do mảng bám răng tích tụ dưới niêm mạc gây nên tổn thương khu trú ở lợi và tiếp đó là cao răng.
Khi mắc sâu răng viêm lợi hay gây ra các biến chứng áp xe răng, có trường hợp ghi nhận đã bị nhiễm trùng huyết vì sâu răng viêm lợi. Ảnh hưởng đến thẩm mỹ và gây hôi miệng.
Ngoài ra, sâu răng còn gây ra các cơn đau nhức dai dẳng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và thời gian học tập.
Theo thạc sĩ Tùng, cách phòng chống bệnh răng miệng ở trẻ đó là tăng cường vệ sinh đánh răng cho trẻ bằng bàn chải lông mềm, đầu nhỏ.
Các bậc cha mẹ nên thay đổi thói quen ăn uống, giảm lượng đường sử dụng, nên ăn chế độ cân bằng với 5 nhóm thực phẩm cơ bản để đảm bảo sức khỏe nói chung và cung cấp đầy đủ vi chất cho quá trình hình thành và phát triển răng.
Khi bị sâu răng cần điều trị phục hồi hay các tổn thương như trám bít hố rãnh, xúc miệng nước muối fluor tại chỗ, kiểm tra răng miệng 6 tháng 1 lần.