Phụ nữ 60 tuổi khó mang thai tự nhiên, nếu có cần nhờ cậy vào phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Ảnh: Pexels. |
Theo ThS.BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, phụ nữ 60 tuổi nằm trong độ tuổi mãn kinh, vì thế không thể mang thai tự nhiên. Cách duy nhất để phụ nữ trong độ tuổi này mang thai là xin trứng và thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Gần đây, nhiều nghiên cứu cho thấy, phụ nữ châu Âu sau 35 tuổi chất lượng trứng suy giảm, còn ở châu Á phụ nữ sau 30 tuổi chất lượng trứng bắt đầu sụt giảm.
Các bác sĩ khuyến cáo từ 20 đến 30 tuổi là giai đoạn vàng về sức khỏe, kinh tế, tri thức để sinh con khỏe mạnh. Tuy nhiên, chúng ta không cổ vũ phụ nữ mang thai quá sớm, trước 18 tuổi bởi tăng nhiều yếu tố nguy cơ.
Từ sau 30 tuổi, khả năng có thai của người phụ nữ sẽ giảm dần và đến 45 tuổi giảm rất nhanh, chất lượng trứng giảm theo tháng. Rất nhiều chị em trong nhóm tuổi này mong con nhưng rất khó khăn. Thực tế có rất nhiều trường hợp thất bại, không thể có con bằng chính trứng của mình, buộc phải xin trứng mới có thể có con.
ThS.BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tư vấn sức khoẻ cho bệnh nhân. |
Mang thai sau tuổi 35 có thể gặp nhiều khó khăn, thậm chí đe dọa đến tính mạng của cả mẹ và bé. Phụ nữ lớn tuổi thường sẵn nhiều vấn đề bệnh lý hơn so với phụ nữ trẻ, chẳng hạn như bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp dễ dẫn tới nguy cơ tiền sản giật. Nguy cơ mắc tiểu đường hay tiểu đường thai kỳ cũng gia tăng theo tuổi, gây nhiều biến chứng đe dọa trực tiếp đến tính mạng người mẹ.
Đáng lưu ý, người mẹ lớn tuổi mang thai khiến nguy cơ thai nhi nhỏ hơn so với tuổi thai. Trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ nhẹ cân, nguy cơ đẻ non, thai nhi dị tật, sảy thai cao hơn so với người mẹ trẻ tuổi.
Bản thân quá trình mang thai cũng sẽ làm cho các bệnh lý nền sẵn có của người mẹ như tăng huyết áp, tiểu đường, suy tim, suy thận nặng lên rất nhiều. Ở những người mẹ cao tuổi, nguy cơ xuất hiện các bệnh lý trong thai kỳ tăng cao hơn như tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật đẻ non, hay sẩy thai. Như một vòng xoắn bệnh lý, quá trình mang thai làm cho sức khỏe người mẹ kém đi và khi người mẹ không khoẻ thì lại càng ảnh hưởng tới thai nhi.
Những năm gần đây số chị em có nhu cầu lưu trữ trứng do nhiều lý do cá nhân như trì hoãn việc lập gia đình chưa thể mang thai và sinh con có dấu hiệu tăng lên. Việc trữ lạnh trứng khi tuổi còn trẻ có thể mang lại lợi ích trong việc bảo tồn chức năng sinh sản cho phụ nữ.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.