Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

7 bước dạy trẻ thành công, mạnh mẽ hơn

Paul Tough, tác giả cuốn How Children Succeed, cho rằng để trẻ thành công trong tương lai, việc dạy con những kỹ năng mềm quan trọng hơn phát triển chỉ số thông minh.

7 buoc day con thanh cong anh 1

1. Giúp con xác định đam mê: Nhà văn Paul Tough nói rằng một đặc điểm của đứa trẻ mạnh mẽ, dễ thành công là có động lực tìm kiếm hạnh phúc thông qua việc nuôi dưỡng và cố gắng vì mục tiêu ban đầu. Vì thế, cha mẹ cần giúp trẻ tìm kiếm, xác định đam mê ngay từ những năm đầu đời. Khi các con lớn hơn, bạn hãy cho phép con theo đuổi sở thích đã chọn. Đây là phương pháp giúp trẻ chủ động tham gia các hoạt động và học cách kiên trì ngay cả khi gặp khó khăn. Ảnh: Happy Families.

7 buoc day con thanh cong anh 2

2. Khuyến khích con bước khỏi vùng an toàn: Đối với trẻ, niềm tin của cha mẹ là động lực để các em vươn lên và thoát khỏi vùng an toàn của bản thân. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ thử và kiên trì với những điều khó. Nhân cơ hội đó, trẻ sẽ chứng minh được bản thân có thể làm mọi thứ, kể cả những thử thách khó nhất. Nhà tâm lý học Angela Duckworth tại ĐH Pennsylvania (Mỹ) gợi ý cha mẹ nên cho trẻ cơ hội theo đuổi ít nhất một điều khó hoặc một hoạt động đòi hỏi kỷ luật rèn luyện. Bà nói với Verywell Family rằng hoạt động thực tế sẽ trở nên quý giá nếu đi kèm nỗ lực và những kinh nghiệm đạt được. Ảnh: Areebarba.

7 buoc day con thanh cong anh 3

3. Cho phép con đối diện với thử thách: Nếu trẻ đang vật lộn với những thử thách của bản thân, bạn không nên can thiệp, hãy để các em tự đối phó và nếm trải sự thất bại. Thất bại cũng là một phần của cuộc sống, trẻ sẽ học được nhiều điều bổ ích từ những lần bản thân vấp ngã. Bạn cũng không cần lo lắng trẻ buồn bã hay thất vọng khi chưa thành công. Đây sẽ là cơ hội để các con học hỏi, phát triển khả năng phục hồi. Ảnh: UNICEF.

7 buoc day con thanh cong anh 4

4. Giúp con hình thành tư duy phát triển: Tư duy của con người được chia làm hai loại là tư duy cố định (fixed mindset) và tư duy phát triển (growth mindset). Tư duy cố định là kiểu suy nghĩ cho rằng thông minh là trời ban, sẵn có. Những người sở hữu dạng tư duy này thường ngại thử thách, khó khăn. Trong khi đó, tư duy phát triển là lối suy nghĩ với niềm tin tư duy có thể cải thiện thông qua nỗ lực học tập. Người sở hữu tư duy phát triển không ngại đương đầu với thử thách để rèn luyện bản thân. Cha mẹ nên giúp con hình thành tư duy phát triển từ sớm bằng cách tập trung vào quá trình trẻ phát triển bản thân thay vì cho rằng con mình thông minh sẵn có. Việc này giúp trẻ nhận ra thành công được xây dựng từ những nỗ lực thường ngày, không chỉ đơn giản là nhờ trí tuệ bẩm sinh. Ảnh: PBS.

7 buoc day con thanh cong anh 5

5. Cùng con tư duy: Nếu con đang chán nản vì gặp khó khăn, điều đầu tiên cha mẹ cần làm là không khuyến khích con bỏ cuộc. Thay vào đó, bạn có thể cùng con suy nghĩ những chiến lược mới và lập kế hoạch khác cho bản thân. Trong hoạt động này, cha mẹ chỉ đóng vai trò là người gợi ý, hỗ trợ, phần lớn quyền quyết định vẫn thuộc về trẻ. Cha mẹ cùng tư duy tìm giải pháp sẽ giúp trẻ thêm trân trọng sự đồng hành của người lớn. Ngoài ra, bài học quý báu từ những lần khó khăn sẽ giúp các con hiểu rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng. Chính những điều này cũng góp phần giúp các con hình thành khả năng phục hồi, phát triển tính kiên trì, bền bỉ. Ảnh: Noldus.

7 buoc day con thanh cong anh 6

6. Giúp con hiểu thất bại cũng không sao: Nói chuyện với con về những thất bại của bản thân sẽ giúp chúng hiểu rằng thất bại là điều bình thường, ai cũng từng trải qua. Trẻ thường học hỏi từ những kinh nghiệm xung quanh nên bạn có thể kể cho trẻ nghe bạn đã vượt qua thất bại thế nào để chúng ghi nhớ, biết cách xử lý nếu gặp những tình huống tương tự. Ngoài ra, bạn cũng nên cùng trẻ xây dựng các kế hoạch thay thế cho những tình huống đó. Đây là phương pháp tốt để trẻ hình thành tư duy linh hoạt, biết cách giải quyết vấn đề nhanh chóng. Ảnh: Raising Children Network.

7 buoc day con thanh cong anh 7

7. Khen ngợi nỗ lực thay vì khen ngợi thành tích: Mục tiêu của mỗi nhiệm vụ là quá trình, không phải kết quả hay sự hoàn hảo. Nếu bạn liên tục xen vào quá trình làm việc của trẻ, các em sẽ cho rằng bạn không tín nhiệm khả năng của con. Khi trẻ hoàn thành nhiệm vụ, bạn nên tập trung khen ngợi sự cố gắng của con, thay vì chỉ khen kết quả con đạt được. Ngoài ra, bạn cũng nên cho phép trẻ chia sẻ những khó khăn bản thân đã trải qua và dành cho con một cái ôm động viên, khen ngợi. Ảnh: iStock.

7 điều cha mẹ thông minh không làm với con

Cha mẹ thông minh hiểu rõ nhiều hành vi xấu sẽ ảnh hưởng đến việc trẻ phát triển tư duy, nhận thức và trí tuệ cảm xúc.

Thái An

Bạn có thể quan tâm