Khó tập trung và hoàn thành bài tập ở trường: Áp lực học tập và giao lưu xã hội, đặc biệt là việc hòa nhập với bạn bè, là một trong những nguyên nhân chính gây ra căng thẳng cho trẻ. Khi bị căng thẳng, trẻ thường không tập trung trong lớp học, khó khăn với bài tập được giao. Điểm số bị ảnh hưởng cũng là hậu quả của stress. Ảnh: Verywellfamily. |
Mệt mỏi, chán nản: Theo Very Well Family, khi trẻ nói rằng bé đang cảm thấy mệt mỏi, lo lắng về điều gì đó, cha mẹ không nên phớt lờ. Stress cũng có thể được biểu hiện bằng các cơn đau bụng, đau đầu hoặc cảm giác mệt mỏi hay chán chường. Cha mẹ cần đưa con đi khám để xem bé có bị bệnh gì không nhưng cũng nên lường tới việc đây là biểu hiện của stress. Ảnh: Smartparents. |
Tính cách hung hăng hơn bình thường: Một số trẻ khi bị căng thẳng phản ứng bằng hành động gây hấn về thể chất (cắn, đá hoặc đánh) hoặc lời nói (la hét). Trẻ cũng có xu hướng gặp khó khăn trong việc hoàn thành các nhiệm vụ đòi hỏi sự kiên nhẫn. Ảnh: Coachart. |
Hành vi hiếu động: Khi trẻ không thể xử lý được căng thẳng, chúng sẽ giải phóng năng lượng tiêu cực. Nổi cáu, bỏ chạy hoặc liên tục không nghe lời là những cách để cảnh báo người lớn trẻ có vấn đề. Lúc này, cha mẹ nên giúp con đốt cháy năng lượng tích cực, nhẹ nhàng bằng cách tập thở sâu, nghe nhạc thư giãn hoặc tập yoga. Ảnh: Mama. |
Không giao lưu với gia đình, bạn bè: Chuyển nhà, cha mẹ ly hôn, có em trai/gái mới hoặc bị bắt nạt ở trường có thể khiến trẻ cảm thấy bị bỏ rơi hoặc sợ hãi. Cha mẹ nên dành nhiều thời gian quan tâm đến con và duy trì các thói quen để tạo cảm giác thoải mái cho trẻ. Nói chuyện với giáo viên của con nếu bạn nghi ngờ trẻ đang gặp rắc rối ở trường. Ảnh: Medium. |
Rối loạn giấc ngủ hoặc ăn uống: Theo New York Times, áp lực, bồn chồn và lo lắng khiến trẻ bị gián đoạn thói quen ngủ. Các vấn đề về giấc ngủ như khó ngủ, thức dậy vào nửa đêm hoặc gặp ác mộng có thể báo hiệu sự căng thẳng ở trẻ. Ngoài ra, sự thay đổi đột ngột trong thói quen ăn uống, dù ăn ít hay nhiều, cũng là dấu hiệu khác của căng thẳng. Ảnh: Helpguide. |
Lo lắng quá mức: Đôi khi, áp lực làm hài lòng cha mẹ khiến trẻ trở nên cầu toàn và lo lắng thường xuyên. Ngay cả những vấn đề rất nhỏ trong cuộc sống cũng khiến trẻ lo lắng, tự ti. Khi nhận thấy con có dấu hiệu này, cha mẹ nên xây dựng sự tự tin của trẻ để bé có thể tự mình đối mặt với các thử thách và giải quyết vấn đề. Ảnh: Theirishtimes. |