1. Viết ra cảm xúc của mình: Theo Times of India, những người EQ cao thường có xu hướng viết lách để truyền tải những cảm xúc của bản thân, bao gồm cảm xúc tiêu cực. Thay vì xả giận lên người khác, họ viết ra nỗi lòng của mình trên trang giấy. Duy trì viết nhật ký giúp chúng ta bộc lộ cảm xúc thật một cách rõ ràng mà không gây ảnh hưởng hay tổn thương người khác. Ảnh: Project Best Life. |
2. Xác định yếu tố gây căng thẳng: Khi gặp chuyện căng thẳng, bản năng của con người là bùng nổ như một cách để tự vệ, kéo theo nhiều cảm xúc tiêu cực gây ảnh hưởng sức khỏe tinh thần. Trong tình huống này, người thông minh về cảm xúc thường dành thời gian, năng lượng để phân tích, xác định những tác nhân gây ra căng thẳng. Khi nắm được vấn đề, họ đặt ra kế hoạch về nhận thức và hành vi để "tái tạo" nguồn năng lượng tích cực, lấy lại cân bằng. Ảnh: RTE. |
3. Không che giấu cảm xúc thật: Khi đối mặt với áp lực, đặc biệt là trong công việc, chúng ta thường che giấu cảm xúc, suy nghĩ thật để trốn tránh hiện thực. Tuy nhiên, điều này không tốt cho sức khỏe tâm lý, đặc biệt khi tình trạng này lặp đi lặp lại. Những người EQ cao không che giấu cảm xúc và luôn đối diện với vấn đề mình đang gặp phải. Họ duy trì sự tự chủ, bình tĩnh để tìm cách kéo bản thân ra khỏi những cảm xúc tiêu cực. Ảnh: Forbes. |
4. Cân nhắc trước khi nói: Khi căng thẳng, nóng nảy, chúng ta thường bột phát cảm xúc tiêu cực, nói lời gây tổn thương người khác. Thói quen thường thấy ở người EQ cao là suy nghĩ trước khi nói dù họ đang gặp chuyện căng thẳng, mệt mỏi. Thói quen này giúp họ giải quyết vấn đề thuận lợi, mang lại tác động tích cực cho người khác. Những người xung quanh cũng có cái nhìn thiện cảm, đánh giá tốt hơn về họ. Ảnh: Orai. |
5. Nghĩ về động lực, mục tiêu đã đặt ra: Khi đối mặt với những tình huống khó xử lý, nhiều người dễ đánh mất động lực, mục tiêu của bản thân. Với những tình huống này, người thông minh về cảm xúc thường nghĩ về điều bản thân hướng tới để lấy lại năng lượng tích cực, từ đó nâng cao khả năng tập trung để xử lý công việc. Ảnh: The Beverly Hills Therapy Group. |
6. Đánh giá mọi chuyện theo góc nhìn của người thứ ba: Đôi khi, nhìn nhận tình huống theo góc nhìn của người khác sẽ giúp chúng ta đưa ra quyết định tốt hơn, nhất là khi đang căng thẳng. Không ít người EQ cao có thói quen bước ra khỏi tình huống để đánh giá hành vi của bản thân, nguyên nhân và những tác động của sự việc. Cách này giúp họ bao quát vấn đề trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Ảnh: Freepik. |
7. Chia sẻ: Người EQ cao không ngại chia sẻ cảm xúc với người họ tin tưởng. Họ dành thời gian để phân tích tình huống trước rồi mới tâm sự, xin lời khuyên từ bạn bè, người thân. Điều quan trọng, khi chia sẻ cảm xúc, chúng ta cần cởi mở, duy trì thái độ tích cực, không trút giận lên người khác. Ảnh: GoFrendly. |