So sánh con với đứa trẻ khác: Cha mẹ so sánh con với “con nhà người ta” khiến trẻ không có cái nhìn chính xác về bản thân và cảm thấy mình là kẻ thất bại. Ngoài ra, sự thiên vị con này hơn con khác cũng dẫn đến tình trạng cạnh tranh không đáng có giữa những đứa trẻ. Thái độ này của cha mẹ khiến một đứa trẻ tổn thương vì thấy không được yêu thương. Trẻ còn lại mang gánh nặng phải trở nên hoàn hảo, làm mọi thứ tốt nhất. Nhìn chung, việc so sánh con mình với con nhà người ta hay với chính anh chị em trong nhà đều làm tổn thương con sâu sắc, dễ gây ra chứng trầm cảm. Ảnh: Dreams Nannies. |
Không coi trọng cảm xúc của trẻ: Tất nhiên, một món đồ chơi hỏng không quan trọng bằng các hóa đơn phải trả hàng tháng. Tuy nhiên, phụ huynh không nên vì thế mà phủ nhận tâm trạng buồn bã, mất mát của con khi đồ chơi hỏng. Đứa trẻ thường phải kìm nén niềm vui, nỗi buồn, sự thất vọng sẽ không học được cách thể hiện bản thân, xây dựng quan hệ ổn định với người khác khi trưởng thành. Lớn lên, con mất khả năng chịu đựng những cảm xúc mãnh liệt, có thể bị trầm cảm hoặc lo âu thái quá. Ảnh: Lifehack. |
Đánh lừa hoặc nói dối con: Nhiều phụ huynh đánh lừa trẻ, khiến con nghi ngờ trí nhớ của mình bằng cách nói dối hoặc thay đổi một ít thông tin đã đưa ra trước đó. Hoặc họ có thể giả vờ như chưa từng hứa hẹn gì với con. Sai lầm này của cha mẹ khiến trẻ nghi ngờ bản thân và thế giới xung quanh. Lớn lên, con dễ trầm cảm, lo âu thái quá, thậm chí rối loạn tâm thần. Ảnh: Raising Children Network. |
Yêu thương có điều kiện: Phụ huynh thường không để ý đến việc “mặc cả” với con kiểu “mẹ sẽ yêu con hơn nếu con học giỏi hơn”. Họ chỉ muốn thúc đẩy con tiến bộ. Nhưng thông điệp con nhận được lại là “cha mẹ chỉ yêu con khi con làm mọi thứ thật hoàn hảo. Nếu không có thành quả gì, con không đáng được yêu thương”. Ảnh: Medium. |
Nghi ngờ khả năng của con: Điều này không thúc đẩy trẻ nỗ lực hơn mà gây tác dụng ngược. Khi bị nghi ngờ khả năng nào đó, trẻ dễ lựa chọn từ bỏ nó. Sự nghi ngờ từ cha mẹ khiến con mất tự tin vào bản thân, dẫn đến trầm cảm, lo âu thái quá khi trưởng thành. Ảnh: The Conversation. |
Nhận dạng con bằng đặc điểm tinh thần, thể chất: Trong khi người lớn thường khuyên trẻ bỏ ngoài tai lời chê bai gây tổn thương từ những kẻ bắt nạt, chính họ lại thường gọi trẻ bằng những khuyết tật thể chất hoặc tinh thần. Điều này khiến con nghĩ sai lệch về hình ảnh bản thân, dẫn đến hàng loạt vấn đề tâm thần, bao gồm rối loạn ăn uống. Ảnh: Additude. |
Khiến con cảm thấy mắc nợ cha mẹ: Chắc chắn, phụ huynh thường phải hy sinh vì con cái. Nhưng đây là lựa chọn của cha mẹ, không nên đẩy trách nhiệm lên những đứa trẻ. Con cái cũng không cần thấy tội lỗi vì quyết định của cha mẹ. Nếu phụ huynh thường khiến con cảm thấy mắc nợ, lớn lên, con có thể mắc các bệnh liên quan đến chứng loạn thần kinh, bao gồm rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Ảnh: Firstcry. |