Nói với con về cảm xúc: Trẻ không hiểu cảm xúc hoặc không biết cách nói ra cảm nhận của mình có thể phản ứng theo cách tiêu cực. Do đó, người lớn cần hướng dẫn con cách xác định cảm xúc, bắt đầu bằng những thứ cơ bản như tức giận, vui, buồn, sợ hãi. Dần dần, trẻ sẽ biết phân biệt cảm xúc của chính mình, kể cả những thứ phức tạp như thất vọng, cô đơn… Ảnh: Verywell Family. |
Xây dựng thang đo cơn tức giận: Phụ huynh có thể cùng con tạo thang đo cơn tức giận với chỉ số từ 0 đến 10. 0 tức là không tức giận, 5 ở mức trung bình và 10 là cơn giận lớn nhất từ trước đến nay. Ở thời điểm trẻ vui vẻ, cha mẹ nên hướng dẫn con nhận biết các dấu hiệu để tự đánh giá cơn giận đang ở mức nào và dần học cách lấy lại bình tĩnh khi nhận thấy mức độ giận dữ tăng cao. Ảnh: Social Emotional Workshop. |
Lập kế hoạch lấy lại bình tĩnh: Phụ huynh cần hướng dẫn con nên làm gì khi tức giận. Đó có thể là về phòng để yên tĩnh một mình hay tô màu, đọc sách. Việc cùng con tạo ra bộ dụng cụ lấy lại bình tĩnh với bút màu, cuốn sách yêu thích sẽ giúp trẻ ứng phó tốt hơn với sự cáu kỉnh. Ảnh: Verywell Family. |
Dạy con kỹ thuật kiểm soát cơn giận: Cha mẹ có thể hướng dẫn con hít thở sâu, đi bộ nhanh hay đếm đến 10, lặp lại một vài cụm từ. Trẻ nên học cách kiểm soát cơn giận, tự kỷ luật từ nhỏ và luyện tập thường xuyên. Ảnh: Firstcry. |
Không thỏa hiệp khi con giận: Nhiều đứa trẻ phát hiện chỉ cần cáu kỉnh, cha mẹ sẽ đáp ứng yêu cầu. Không ít phụ huynh có thói quen đưa đồ chơi để trẻ dịu cơn giận khiến con ngộ nhận tức giận là biện pháp hiệu quả để đối phó với người lớn. Sự nhượng bộ từ cha mẹ có thể mang lại tác dụng ngắn hạn. Nhưng về lâu dài, điều này khiến trẻ hung hăng và có hành vi tệ hơn. Thay vào đó, cha mẹ nên hành xử sao cho con hiểu con cần bình tĩnh trao đổi để được đáp ứng nhu cầu. Ảnh: Family Education. |
Có hình phạt thích hợp: Kỷ luật giúp trẻ hiểu hành vi gây hấn hay thái độ thiếu tôn trọng người khác là không thể chấp nhận. Nếu con vi phạm nguyên tắc, phụ huynh cần có hình phạt phù hợp như tước bỏ một số đặc quyền (xem phim, đi chơi…). Nếu con tức giận, ném vỡ đồ, người lớn có thể yêu cầu con tự sửa hoặc làm việc nhà để đền bù thiệt hại. Ảnh: Firstcry. |
Tránh yếu tố bạo lực: Việc thường xuyên xem các chương trình truyền hình hay chơi game có yếu tố bạo lực cũng ảnh hưởng đến tích cách trẻ, khiến trẻ dễ nổi nóng. Thay vào đó, cha mẹ nên cho con đọc sách, chơi trò chơi lành mạnh hoặc xem các chương trình hướng tới kỹ năng giải quyết xung đột. Ảnh: Physician News. |