1. Dạy trẻ kiên nhẫn: Theo Bright Side, kiên nhẫn là một kỹ năng quan trọng trong cuộc sống mà nhiều người có thể thiếu. Không giống như các hình thức giải trí khác, việc lắng nghe cha mẹ đọc sách đòi hỏi trẻ phải chờ đợi để biết kết quả của câu chuyện. Điều này giúp trẻ rèn luyện tính kiên nhẫn, khả năng tập trung và duy trì sự chú ý trong một thời gian dài. |
2. Phát triển trí tưởng tượng của trẻ: Những câu hỏi "tại sao" và "như thế nào" luôn xuất hiện trong đầu trẻ khi nghe những câu chuyện. Điều này khuyến khích trẻ tìm hiểu, khám phá và đặt ra những câu hỏi mới, từ đó kích thích trí tò mò, khả năng tưởng tượng, sáng tạo và cởi mở hơn với những ý tưởng mới. |
3. Dạy trẻ cách đồng cảm: Khi trẻ em tự đọc sách hoặc được nghe đọc truyện, chúng có cơ hội đặt mình vào góc nhìn của nhân vật, tưởng tượng những trải nghiệm và hiểu được cảm xúc của nhân vật. Nhờ đó, trẻ học cách nhận biết và quản lý cảm xúc của bản thân cũng như hiểu rõ hơn về cảm xúc của người khác, hình thành khả năng thấu hiểu và chia sẻ. |
4. Khuyến khích sự tương tác và cải thiện kỹ năng giao tiếp: Đừng quá khó chịu nếu trẻ cứ ngắt lời bạn khi bạn đang đọc một câu chuyện cho chúng, thực ra đó là điều rất tốt. Cha mẹ hãy trả lời câu hỏi của trẻ, kiên nhẫn giải thích mọi thứ và kết nối những gì đang xảy ra trong truyện với đời thực. Ngoài ra, bạn hãy hỏi trẻ về cảm xúc của các nhân vật và điều gì có thể xảy ra tiếp theo... |
5. Dạy trẻ tập trung: Trẻ em rất dễ bị phân tâm, vì vậy, việc đọc sách cho con nghe có thể dạy chúng tập trung và khả năng chú ý. Trẻ phải lắng nghe và ngồi yên để hiểu được câu chuyện, điều này có thể dẫn đến ít cơn giận dữ hơn. Ngoài ra, có một số lợi ích bổ sung như khả năng đọc hiểu, tự kỷ luật, ghi nhớ tốt hơn. Tất cả những kỹ năng đó sẽ mang lại lợi ích rất lớn khi con đi học và trưởng thành. |
6. Giúp trẻ mở rộng vốn từ vựng: Việc đọc sách cho trẻ sơ sinh từ sớm có tác động đáng kể đến sự phát triển ngôn ngữ của bé. Theo một nghiên cứu được thực hiện tại Bệnh viện Rhode Island (Mỹ), trẻ sơ sinh được nghe đọc sách có khả năng hiểu được nhiều từ vựng hơn so với những trẻ không được tiếp xúc với sách. Vốn từ vựng tiếp nhận của nhóm trẻ được nghe đọc sách tăng 40%, trong khi nhóm trẻ không được tiếp xúc chỉ tăng 16%. |
7. Giúp trẻ yêu thích việc đọc: Bằng cách đọc sách cho con nghe ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ đang dần giúp con phát triển niềm đam mê sách và đọc sách. Trẻ em khi tiếp xúc với sách có nhiều khả năng sẽ chọn chúng hơn là trò chơi điện tử, TV và các hình thức giải trí khác, ngay cả khi chúng lớn lên. |
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.