Các loại đồ ăn vặt quen thuộc như ô mai, hạt hướng dương, khô gà hay mứt là thức quà Tết phù hợp đãi khách. Ảnh: Aurora. |
Những thức quà vặt đang chiếm được cảm tình của giới trẻ và trở thành món quà không thể thiếu trong dịp Tết. Các món ăn này được lòng tín đồ ẩm thực nhờ có sự tổng hòa của nhiều hương vị như chua, cay, mặn, ngọt và không tốn quá nhiều thời gian chuẩn bị.
Khô gà lá chanh
Khô gà lá chanh hấp dẫn với những miếng thịt gà được tẩm ướp gia vị đậm đà, xé rời và sấy khô. Nguyên liệu chủ yếu gồm thịt ức gà, lá chanh, ớt tươi, nước mắm, đường.
Ảnh: Vũ Hồng Ngọc. |
Công thức làm món khô gà cũng khá đơn giản, bạn có thể tự làm tại nhà. Các bước chính gồm luộc gà trong khoảng 20 phút với gừng, sả, lá chanh cho thịt thơm và đậm vị hơn. Tiếp đến, để nguội ức gà, xé thành sợi nhỏ vừa ăn, ướp với nước mắm, đường, bột ớt trong 30 phút cho thấm. Cho gà đã ướp lên chảo chống dính, thêm lá chanh, ớt, nước cốt gà, nêm nếm gia vị cho vừa ăn, đảo đến khi thịt săn lại. Cuối cùng, sấy gà trong nồi chiên không dầu ít nhất 60 phút.
Thịt ức gà công nghiệp sẽ giúp món khô có độ mềm, dai như ý. Thời gian sấy lâu giúp bảo quản khô gà tốt hơn.
Thịt bò khô
Thịt bò khô là món ăn không còn xa lạ đối với người Việt, đặc biệt là vào dịp Tết. Mỗi mẻ bò khô ngon được làm khá kỳ công và tỉ mỉ, phải mất hơn nửa ngày mới xong. Tuỳ từng nhà, công thức ướp thịt gia truyền sẽ mang lại những hương vị đặc trưng riêng. Tuy nhiên, dù thế nào thì để có được hương vị thơm ngon, thịt bò khô vẫn chẳng thế thiếu các gia vị ướp như ớt bột, ớt, dầu hào, ngũ vị hương, hạt tiêu, bột canh, đường...
Để đạt độ ngon, mỗi mẻ thịt bò khô thường được ướp trong khoảng 6-8 giờ. Sau đó, thịt được cho vào nồi đun lên đến khi cạn bớt nước rồi mới bắt đầu quy trình sấy.
Ảnh: Vũ Hồng Ngọc. |
Ngày nay, khi việc sản xuất thịt bò khô đã được áp dụng những công nghệ hiện đại hơn, việc sấy thịt bò khô cũng không mất công nhiều như trước. Đa số các hàng bán thịt bò khô đều sử dụng máy sấy để không mất nhiều công sức mà có thể sấy được nhiều trong cùng một khoảng thời gian.
Bạn có thể chọn bò khô xé sợi hay bò miếng chiêu đãi khách ngày Tết. Thịt bò khô sợi dễ ăn, từng sợi thịt được xé nhỏ nên ngấm gia vị tẩm ướp rất kỹ. Thịt bò khô miếng lại ít vị tẩm ướp hơn, bù lại, ăn miếng thịt rõ vị bò.
Hạt dẻ cười
Hạt dẻ cười là đồ ăn quen thuộc mỗi dịp Tết. Ưu điểm của nó so với hạt hướng dương, hạt bí là dễ tách vỏ, hương vị thơm, mặn hòa quyện. Để bớt ngán khi ăn hạt dẻ cười, bạn có thể dùng cùng với trà, nước ngọt.
Ngoài ra, loại hạt này phù hợp với người thừa cân, hoặc béo phì và có tác giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch rất tốt.
Ảnh: Pinterest. |
Hạt hướng dương
Bên cạnh hạt dưa, hạt hướng dương cũng được giới trẻ ưa chuộng. Với đĩa hạt hướng dương đầy ắp, buổi trò chuyện, tán gẫu đầu năm với bạn bè cũng sẽ vui hơn.
Ngoài hướng dương vị truyền thống, ngày càng có nhiều hương vị hấp dẫn để bạn lựa chọn như muối, dừa, ngũ vị hương hay caramel...
Ảnh: HyggeLab Concept/Unsplash. |
Ô mai
Vào những ngày Tết sum vầy, cùng bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, trên khay mứt cổ truyền sẽ khó thể vẹn tròn nếu thiếu sự góp mặt của ô mai.
Ảnh: Hồng Lam. |
Nhấp một ngụm trà nóng, thưởng thức miếng mứt Tết hay những quả ô mai từ cay nồng đến mặn ngọt, chua chua, câu chuyện ngày Tết trở nên rôm rả và thú vị hơn.
Với người Việt Nam, ô mai còn mang ý nghĩa sum vầy bởi đây là món ăn thường được thưởng thức bên gia đình, bạn bè, vị ngọt lan tỏa cũng giống như tình yêu thương ấm áp mà mọi người dành cho nhau.
Mứt trái cây
Các loại mứt quen thuộc dịp Tết có thể kể đến như mứt dừa, quất, cà chua, bí, gừng, hạt sen...
Vào ngày Tết, các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, cùng thưởng thức miếng mứt ngọt lành bên tách trà ấm áp và chia sẻ những câu chuyện năm cũ, hay gửi trao lời chúc mừng năm mới là thói quen của nhiều gia đình Việt truyền thống. Không chỉ vậy, khay mứt Tết còn là mối kết tâm giao giữa chủ nhà với khách, là cách để dẫn dắt câu chuyện và chia sẻ những ngọt bùi đầu năm.
Ảnh: Hong Son/Pexels. |
Kẹo nougat
Kẹo nougat hay còn gọi là kẹo hạnh phúc. Từ nougat trong tiếng Pháp có nghĩa là “bánh hạt”. Món ăn này nổi tiếng với hương vị ngọt, bùi, béo ngậy tan trong miệng.
Thành phần chính của kẹo nougat là sữa, các loại hạt, mật ong và trái cây sấy giàu dinh dưỡng. Ngoài ra, kẹo cũng có những biến tấu như phiên bản cacao hoặc trà xanh để tăng thêm sự đa dạng về hương vị.
Ảnh: Kẹo Nougat Miminu. |
Nhiều người tự làm kẹo nougat để ăn trong dịp Tết. Kẹo xinh xắn, đa màu sắc, nhiều hạt tốt cho sức khỏe.
Quá trình chế biến là yếu tố quyết định chất lượng kẹo nougat. Thời gian nấu phải được căn chỉnh vừa đủ, chính xác để cho ra đời miếng kẹo vừa ăn, không quá cứng cũng không quá mềm.
Tết là dịp sum vầy, đoàn viên bên mâm cỗ. Zing giới thiệu tới bạn đọc những món ngon, truyền thống ẩm thực hay ngày Tết.