Anh lấy ví dụ, ở môn văn, con trai được cô giáo cho 7-8 điểm, nhưng anh chỉ chấm điểm 5 hoặc 6 bởi chữ viết “như gà bới” và toàn theo văn mẫu của cô.
"Thi thử thì học sinh cũng tự viết bài văn, xong cô sửa, học thuộc rồi chép lại khi thi thật. Học thế thì sẽ làm tê liệt hết cảm xúc của học sinh. Nhưng mình đâu có bắt con không theo thế được? Mình cũng không bắt buộc con phải là học sinh giỏi nhưng cả lớp đều giỏi, có mấy em là học sinh khá đâu”.
Lá cờ "chiến thắng" được các thầy cô sử dụng trong các buổi học thảo luận nhóm của học sinh tiểu học ở Hà Tĩnh. Ảnh: VietNamNet. |
Cùng nỗi niềm, chị Hằng, ở quận Ba Đình, Hà Nội, có con vừa học xong lớp 4. Mỗi lần đi họp phụ huynh, vợ chồng chị rất trăn trở về thành tích của con và của lớp.
"Thấy cô khen con có thành tích vượt trội nhưng ngó thấy lớp cháu nào cũng như vậy, không biết nên mừng hay lo. Cô nói cháu giỏi Toán, nhưng khi tôi tìm một bài toán khó hơn một chút so với bình thường là con không giải được. Thậm chí, có những bài toán cơ bản trong sách giáo khoa cháu phải vất vả mãi mới làm xong".
Cùng nỗi niềm, ảnh Nguyễn Ngọc Thắng, phường Linh Tây, Thủ Đức, TP HCM so sánh, cách đây 10 năm, khi học cấp 3 ở trường huyện, một lớp chỉ có 4-5 bạn có giấy khen học sinh tiên tiến (từ 6,5 điểm trở lên). Tổng kết học kỳ và tổng kết năm toàn trường có vài bạn được danh hiệu học sinh giỏi cấp trường (các môn trên 8,0 điểm). Còn lại toàn học sinh trung bình.
"Nhưng chúng tôi rất hãnh diện vì dù học trung bình vẫn đỗ đại học có điểm tương đối khá. Còn hiện nay có quá nhiều học sinh giỏi nhưng không biết giỏi như thế nào" - anh Thắng băn khoăn.
Phụ huynh không vô can
Một cô giáo tiểu học ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội phân trần: “Giáo viên hay phụ huynh đều mong muốn học sinh đạt kết quả tốt nhưng phải bằng thực lực. Thường thì đề thi sẽ có 80% câu hỏi mang tính chất kiểm tra kiến thức cơ bản, và đan xen câu hỏi phân loại. Lúc ôn thi, các cô sẽ ôn kiến thức sâu hoặc nâng cao để các con được rèn luyện. Đề thi do nhà trường ra”.
Do nội dung học tập ở bậc tiểu học còn đơn giản, với các bài tả người thân, nghề nghiệp của người thân, tả mùa, tả quê, tả lớp học,…nên đa phần học sinh không khó để có điểm 9, 10 ở các môn Toán và tiếng Việt.
Lo lắng phổ biến ở nhiều cha mẹ là: Môn tiếng Việt, Ngữ văn hiện nay phần nhiều là môn học thuộc lòng. Điểm cao của các con đạt được nhờ chép những bài văn mẫu, giải những bài toán đã được luyện kỹ càng không phải là điều mang tới niềm vui.
Một giáo viên ở quận 1, TP HCM cho rằng, nếu đánh giá thực chất, nhiều học sinh sẽ không đạt được kết quả như xếp loại. Nhưng kết quả này một phần xuất phát từ chính phụ huynh.
“Một số phụ huynh vẫn thích con được khen hơn là chê. Ngay cả trong các cuộc họp, nhiều giáo viên không dám đánh giá thực chất học sinh vì sợ phụ huynh ngại” – cô nói.
Chị Vân Chi, một phụ huynh có con đang học cấp THCS cho rằng, sở dĩ "trường trường đều giỏi, lớp lớp đều hay" hiện nay một phần cũng do quy định. Ngay cả tuyển sinh vào lớp 6 tại TP HCM, trường đưa ra quy định chỉ nhận học sinh có học lực giỏi.
Ở các bậc học khác chính sách cộng điểm cho học sinh giỏi trong các kì thi khiến các trường ưu ái cho học sinh hơn. Chưa kể nhà trường cũng phải làm đẹp bảng thành tích báo cáo vào dịp tổng kết, khai giảng để đề xuất "xin cái này cái khác" cho phát triển giáo dục.