Ngày 5/9, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Trần Văn Hải (SN 1995), Nguyễn Đại Phúc (SN 1998), Phạm Hồng Ngọc (SN 1998), Nguyễn Quang Thái (SN 2001), Nguyễn Đức Thuận (SN 2001), Nguyễn Văn Nghị (SN 2001), Nguyễn Quang Huy (SN 2007), tất cả ở tỉnh Vĩnh Phúc, để điều tra về tội ''Lừa đảo chiếm đoạt tài sản''.
Trước đó, ngày 8/7, Công an quận Nam Từ Liêm nhận được đơn tố giác của anh Lê Văn Đ. (ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt 37,5 triệu đồng vào ngày 1/7 thông qua việc đặt mua 5 bộ điều hòa với giá 7,5 triệu đồng/bộ.
Công an quận đã phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra, làm rõ đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của anh Đ. là Trần Văn Hải.
Nhóm đối tượng bị công an bắt. Ảnh: CACC. |
Sau đó, Công an quận Nam Từ Liêm đã vào Nha Trang, phối hợp với công an địa phương tổ chức điều tra truy xét, bắt giữ Hải.
Tại một căn phòng trong khách sạn hạng sang, công an phát hiện ngoài Hải còn có nhóm đối tượng nói trên, cũng đang thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lực lượng công an đã lập biên bản, di lý đối tượng Hải về Hà Nội.
Tại cơ quan công an, Hải khai nhận đã dùng tài khoản “Đi Hoàng Vương” đóng vai người mua và người bán, liên hệ với những người mua bán hàng trên mạng và dẫn dắt họ gặp nhau để giao nhận hàng.
Đối với 2 bên, Hải đều nói lý do đang có việc bận, không thể đến giao dịch nên nhờ người quen giao, nhận hàng. Khi người bán đến giao hàng, Hải liền nói người mua kiểm tra hàng xong, thì chuyển tiền vào tài khoản do mình cung cấp. Sau khi nhận tiền, Hải liền chặn liên lạc cả hai bên.
Để tăng tỷ lệ tìm kiếm ''con mồi'', từ tháng 7/2024, Hải rủ thêm các đối tượng nêu trên đến Nha Trang sinh sống cùng mình và hướng dẫn thủ đoạn lừa đảo.
Mở rộng điều tra vụ án, công an xác định các đối tượng đã được Hải hướng dẫn lừa đảo thông qua việc mua bán phần mềm theo dõi, định vị điện thoại, vị trí cần theo dõi, nội dung hoạt động của các tài khoản mạng xã hội trên mạng Facebook với tên công ty “Phần Mềm Quản Lý Gia Đình Vĩnh Phát” và “Công ty phần mềm Lê Dũng” để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, ngày 31/7, các đối tượng lừa đảo bán phần mềm ''phanmem688.com'' có chức năng theo dõi điện thoại cho anh Nguyễn Văn T. (ở Bắc Ninh) và chiếm đoạt 30,8 triệu đồng.
Ngày 6/8, các đối tượng lừa bán cho anh Nguyễn Văn C. (ở Bắc Ninh) phần mềm định vị trên nền tảng phần mềm "phanmem688.com'' và chiếm đoạt 18,8 triệu đồng.
Các đối tượng khai nhận khi gặp khách có nhu cầu mua phần mềm giả mạo có chức năng theo dõi điện thoại từ xa, sẽ hướng dẫn khách dùng mạng xã hội để liên lạc, sau đó dẫn dắt khách mua phần mềm và mua gói cước để sử dụng. Khi khách mua và chuyển khoản, các đối tượng đưa ra các lý do gian dối để chiếm đoạt thêm tiền của khách.
Ngoài ra, các đối tượng còn thực hiện hành vi lừa đảo như cách Hải đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của anh Đ.
Từ đầu tháng 6/2024 cho đến khi bị bắt giữ, các đối tượng đã chiếm đoạt số tiền lên đến 400 triệu đồng của rất nhiều người.
Sách về Pháp luật
Nội dung cuốn sách "Thực hiện pháp luật về an ninh mạng ở Việt Nam" đi sâu nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật về an ninh mạng dưới góc độ của ngành lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật; đánh giá thực trạng pháp luật về an ninh mạng ở Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới,.