Bữa ăn cân bằng gồm protein, chất béo và carbohydrate giúp bạn no lâu hơn. Ảnh: Pexels. |
Theo Eat This, thói quen ăn uống có tác động đáng kể đến cơ thể. Khi lựa chọn món ăn, bên cạnh cân nhắc hương vị, kết cấu và mức độ dễ chế biến, chúng ta nên tính đến việc món ăn đó ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể như thế nào.
Trên thực tế, một số thói quen ăn uống có thể đang hủy hoại cơ thể mà bạn không nhận ra. Dưới đây là việc làm gây hại cho cơ thể mà bạn nên thay đổi.
Ăn quá nhiều đường
Bạn nên học cách phân biệt giữa các loại đường. Đường tự nhiên có trong trái cây và sữa dường như không gây hại. Tuy nhiên, đường bổ sung thêm vào thực phẩm và đồ uống để tăng vị ngọt lại có tác động tiêu cực cho cơ thể.
Nghiên cứu chỉ ra đường bổ sung, đặc biệt là đồ uống có đường như soda hay nước trái cây, liên quan đến việc tăng cân và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type II, bệnh tim mạch cũng như một số dạng ung thư. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị nam giới nên tiêu thụ ít hơn 36 gram đường/ngày, trong khi phụ nữ nên tiêu thụ ít hơn 25 gram/ngày.
Ăn quá nhiều cùng một lúc
Nếu từng bị khó tiêu, đầy hơi hoặc chướng bụng sau bữa ăn, nguyên nhân có thể là bạn đã ăn quá nhiều thức ăn cùng một lúc.
Theo nghiên cứu, các triệu chứng liên quan đến đường tiêu hóa trên và dưới đều do ăn quá nhiều và quá nhanh. Ngoài ra, tiêu thụ lượng lớn thức ăn cùng lúc có thể gia tăng calo dư thừa, từ đó dẫn đến béo phì.
Để tránh những tác hại này, bạn hãy cố gắng dành ít nhất 15-20 phút cho một bữa ăn, giảm tốc độ ăn để hệ thống tiêu hóa có thời gian gửi tín hiệu no đến não.
Ăn quá muộn
Việc ăn uống gần giờ đi ngủ có thể gây hại cho sức khỏe. Trái lại, nghiên cứu chỉ ra ăn trong những khoảng thời gian được chỉ định cụ thể như 7-19h lại mang đến lợi ích cho cơ thể.
Mặc dù nghiên cứu về việc tăng cân liên quan đến ăn muộn vẫn chưa có kết luận rõ ràng, các chuyên gia tin rằng ăn tối sớm hơn có thể làm giảm các triệu chứng trào ngược.
Ngoài ra, ăn đêm dường như có liên quan đến chứng ăn vô độ. Theo nguyên tắc thông thường, bạn không nên ăn trong vòng hai giờ trước khi đi ngủ. Nếu cảm thấy đói trong khoảng thời gian đó hoặc trong đêm, bạn cần xem xét lại thói quen ăn uống vào ban ngày để đảm bảo cơ thể vẫn ăn đủ và cân bằng các chất dinh dưỡng.
Để giảm chất béo bão hòa trong chế độ ăn uống, bạn có thể ăn thịt nạc, uống sữa ít chất béo và ăn nhiều cá hơn. Ảnh: Pexels. |
Không ăn đủ chất xơ
Nếu bữa ăn không có ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, trái cây và rau quả, bạn có thể không nhận đủ chất xơ. Chất này chỉ được tìm thấy trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Nó có vai trò "nuôi" các vi khuẩn lành mạnh trong ruột, hỗ trợ giảm cân và giảm cholesterol trong máu.
Để tăng lượng chất xơ, bạn hãy kết hợp trái cây hoặc rau quả trong mỗi bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ, thay ngũ cốc chế biến bằng ngũ cốc nguyên hạt. Đồng thời, bạn có thể thêm nhiều loại hạt vào bữa ăn.
Ăn quá nhiều mỡ động vật
Chất béo có nguồn gốc thực vật như chất béo trong các loại quả hạch, hạt và dầu thực sự mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, chất béo từ các nguồn động vật lại có thể gây hại cho cơ thể nếu tiêu thụ quá mức.
Chất béo bão hòa là loại thường được tìm thấy trong thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt đỏ, sữa và trứng và có tác động tiêu cực đến hệ tim mạch.
Nghiên cứu cho thấy việc thay thế chất béo bão hòa trong chế độ ăn uống bằng chất béo không bão hòa đa có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Để giảm chất béo bão hòa trong chế độ ăn uống, bạn có thể chọn ăn thịt nạc, uống sữa ít chất béo và ăn nhiều cá hơn.
Tiêu thụ thực phẩm và đồ uống có tính axit
Những thức uống có tính axit như soda hay cà phê đều ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng và làm tăng sự xói mòn răng. Ngoài ra, trái cây có tính axit và trái cây sấy khô cũng có thể tạo ra môi trường axit trong miệng, dẫn đến các vấn đề răng miệng.
Để ngăn ngừa tình trạng này, bạn nên tránh tiêu thụ những thực phẩm có tính axit và cố gắng đánh răng ngay sau khi tiêu thụ chúng.
Không kết hợp các chất dinh dưỡng
Nếu chỉ ăn một bát ngũ cốc cho bữa sáng, bạn sẽ không nạp đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể vì nó không chứa nhiều chất đạm hoặc chất béo và không phải là một nguồn thực phẩm.
Protein và chất béo mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa, dẫn đến cảm giác no lâu hơn. Sự gia tăng cảm giác no giúp kiểm soát cơn thèm ăn, điều này dẫn đến lượng calo hấp thụ phù hợp hơn để hỗ trợ cân nặng khỏe mạnh.
Ngoài ra, các bữa ăn cân bằng cũng chứa nhiều loại chất dinh dưỡng thiết yếu bao gồm vitamin và khoáng chất.
Thế nào là chế độ ăn kiêng tốt nhất? Làm thế nào để ngừng lo lắng về cân nặng và tập trung vào việc sống lành mạnh? Để giải quyết mối quan tâm về vấn đề này, mục Sức khỏe của Zing giới thiệu bạn cuốn sách Chỉ dẫn để sống khỏe toàn diện của tác giả Shaun Francis. Sách sẽ giúp người đọc tập trung việc ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất và giữ tinh thần minh mẫn trong thời buổi bận rộn.