Mụn trứng cá, sẹo hay nếp nhăn ảnh hưởng đến vẻ ngoài và sự tự tin của phái mạnh.
1. Không làm sạch da: Làn da của nam dày hơn nữ khoảng 20%, đồng thời tuyến bã nhờn hoạt động mạnh và sản sinh nhiều bã nhờn. Theo Allure, nếu bạn có làn da dầu và không rửa mặt, mụn và lượng dầu thừa sẽ gia tăng đáng kể. Điều này góp phần làm tắc nghẽn lỗ chân lông, sinh mụn. Ảnh: @seangraphy.
2. Rửa mặt trong lúc tắm: Nước nóng và dòng chảy mạnh từ vòi hoa sen hoàn toàn không tốt cho da mặt của phái mạnh. Tắm bằng nước nóng trong thời gian dài khiến da bị khô và mẩn đỏ. Bên cạnh đó, một số chất tẩy rửa từ dầu gội đầu hay sữa tắm có tính kiềm cao. Nếu sử dụng bọt xà phòng khi tắm để rửa mặt, da sẽ càng trở nên khô ráp và dễ kích ứng. Ảnh: @seangraphy.
3. Dùng sữa rửa mặt chứa thành phần khắc nghiệt: Sữa rửa mặt tạo nhiều bọt mang lại cảm giác sảng khoái khi sử dụng. Tuy nhiên, những loại sữa rửa mặt này thường chứa nhiều chất làm sạch có tính kiềm cao, gây phá vỡ hàng rào bảo vệ da. Từ đó, vi khuẩn, chất độc hại từ môi trường dễ tấn công và tạo nên tình trạng viêm nhiễm. Ảnh: Balding Beards.
4. Chà xát mạnh: Thói quen lau mặt bằng khăn có chất liệu dày, thô cứng khiến làn da dễ bị tổn thương, đau rát. Ngoài ra, khi tác động nhiều lực vào da, nếp nhăn sẽ sớm xuất hiện. Ảnh: Best Life.
5. Cạo râu sai cách: Cạo râu trên da khô, không thay lưỡi dao cạo thường xuyên gây trầy xước hay bỏng rát. Các vết trầy có thể bị nhiễm trùng, tạo điều kiện cho mụn phát triển. Ảnh: The Manual.
6. Sử dụng đồ uống có cồn: Theo Medical News Today, rượu là chất lợi tiểu. Khi phái mạnh uống nhiều rượu, rượu gia tăng sản xuất nước tiểu dẫn đến cơ thể và làn da bị mất nước. Sự thiếu hụt độ ẩm từ bên trong kích thích tuyến bã nhờn tăng cường tiết dầu. Dầu thừa làm lỗ chân lông dễ bị bít tắc và nổi mụn. Rượu cũng khiến chức năng của hệ thống miễn dịch bị suy giảm. Từ đó, cơ thể dễ bị nhiễm vi khuẩn gây mụn Propionibacterium acnes. Ảnh: Steps to Recovery.
7. Ngủ không đủ giấc: Chuyên gia da liễu Joshua Zeichner ở New York (Mỹ) cho biết nồng độ hormone cortisol giảm tự nhiên trong lúc ngủ. Từ đó, chu trình tái tạo và sửa chữa của da diễn ra hiệu quả. Ngủ ít thúc đẩy nồng độ cortisol gia tăng, cản trở quá trình chữa lành thương tổn và khiến mụn phát sinh. Ảnh: Scientific Inquirer.