Theo The Richest, Koh-i-Noor là viên kim cương nổi tiếng và có giá trị nhất thế giới. Tên Koh-i-Noor có nghĩa là "ngọn núi ánh sáng" trong tiếng Ba Tư. Ban đầu, Koh-i-Noor có trọng lượng 793 carat, sau đó tạo hình và đánh bóng thành hình dạng hiện tại nặng 105,6 carat. Nguồn gốc của Koh-i-Noor bắt đầu từ Ấn Độ và Nữ hoàng Elizabeth II là chủ nhân hiện tại của viên kim cương. Koh-i-Noor nằm yên bình trên vương miện của Nữ hoàng Anh và được đặt trong tủ kính ở Tháp London. Do tính độc nhất, Koh-i-Noor được cho là vô giá. Ảnh: Only Natural Diamonds. |
Tháng 1/1905, Giám đốc mỏ Frederick Wells đã phát hiện ra điều bất thường ở Gauteng, Nam Phi. Cách chỗ Wells đứng là viên kim cương lớn, màu trắng xanh. Wells lấy ra bằng con dao bỏ túi, mang đến văn phòng mỏ để cân và kiểm tra. Viên đá ban đầu nặng 3.106 carat, trở thành viên kim cương thô lớn nhất trong lịch sử. Viên kim cương được đặt tên theo chủ sở hữu của mỏ kim cương - Thomas Cullinan. Viên đá ước tính trị giá 400 triệu USD. Ảnh: Wikipedia. |
Du khách người Pháp tên Jean Baptiste Tavernier đã mua viên kim cương có tên Hope (tạm dịch: Hy vọng), được phát hiện trong cùng mỏ Golconda với Koh-i-Noor. Trong các báo cáo của mình, Tavernier mô tả màu xanh của viên kim cương là "tuyệt vời". Tavernier đã bán Hope cho Vua Louis XIV của Pháp vào năm 1668. Qua nhiều năm, viên đá được biết đến với cái tên "Viên kim cương xanh của Vương miện" hay "Màu xanh của Pháp". Tuy nhiên, Hope đã bị đánh cắp vào năm 1792 và sau đó lại nổi lên ở London vào năm 1812. Viên kim cương nặng 45 carat, ước tính trị giá 200-350 triệu USD. Ảnh: The Telegraph. |
Sau khi được phát hiện ở Nam Phi vào năm 1986, viên kim cương De Beers Centenary là một trong những viên kim cương màu lớn nhất thế giới, nặng 599 carat. Julian Oglivie Thompson - Chủ tịch công ty De Beers ngày đó - cho biết: "Chúng tôi đã thu hồi được tại mỏ Premier viên kim cương 599 carat rất hoàn hảo về màu sắc. Đây là một trong những viên kim cương có màu sắc hàng đầu lớn nhất từng được tìm thấy". Ảnh: Worthy. |
Mặc dù giá trị của viên đá chưa bao giờ được thẩm định công khai, Centenary đã được bảo hiểm với giá hơn 100 triệu USD vào thời điểm ra mắt công chúng năm 1991. Tập đoàn De Beers đã cho Tháp London mượn Centenary, để trưng bày trước công chúng trong vài năm. Nhiều người cho rằng Centenary không còn thuộc sở hữu của De Beers, tuy nhiên chủ nhân mới vẫn chưa được biết. Ảnh: De Beers. |
Viên kim cương CTF Pink Star đã phá vỡ mọi kỷ lục về giá khi Sotheby's bán với giá 71,2 triệu USD vào tháng 4/2017. Với trọng lượng 59,60 carat (kích thước bằng một quả dâu tây), CTF Pink Star được De Beers phát hiện ở châu Phi vào năm 1999. Trong khoảng hai năm, viên kim cương thô 132,5 carat ban đầu đã được cắt và đánh bóng một cách tỉ mỉ để trở thành viên kim cương màu hồng sống động hoàn mỹ. Ảnh: Only Natural Diamonds. |
Trước CTF Pink Star, Oppenheimer Blue là viên kim cương đắt nhất từng được bán đấu giá. Viên đá mang về 57,5 triệu USD trong đợt bán Christie's Geneva Magnificent Jewels năm 2016. Viên kim cương màu xanh đậm lạ mắt nặng 14,62 carat được đặt tên theo chủ nhân là Philip Oppenheimer - gia đình Oppenheimer ban đầu kiểm soát Công ty Khai thác De Beers. Ảnh: Business Insider. |
Vào năm 2014, Petra Diamonds ở Nam Phi đã khai quật viên Blue Moon Of Josephine thô nặng 29,6 carat ở mỏ Cullinan. Petra đã bán viên kim cương cho Cora International - công ty đá quý đã tạo nên hình dạng hiện tại của Blue Moon Of Josephine. Tại cuộc đấu giá của Sotheby's, viên kim cương xanh được bán với giá 48,4 triệu USD. Vào thời điểm đó, viên đá 12,03 carat là vật phẩm đấu giá đắt nhất từng được bán. Tỷ phú Joseph Lau đã mua viên đá và tặng cho con gái, rồi đổi tên thành Blue Moon Of Josephine. Ảnh: Robb Report. |