Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

TL;DR

72 giờ đầu tiên của Bệnh viện Hồi sức Covid-19 lớn nhất Việt Nam

Sau 3 ngày hoạt động, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đang điều trị cho 160 bệnh nhân nhiễm nCoV tiên lượng rất nặng và nguy kịch.

Benh vien Hoi suc Covid-19 lon nhat Viet Nam anh 1

Nhận tin sản phụ vừa được mổ lấy thai 3 ngày nhưng suy hô hấp, phổi tổn thương trắng xóa, đêm 16/7, bác sĩ Linh cùng đồng nghiệp Bệnh viện Chợ Rẫy khẩn trương đưa hệ thống ECMO lên xe cứu thương, đến Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương để cấp cứu người bệnh.

Hai giờ sáng, sản phụ được đưa về Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, TP Thủ Đức) để tiếp tục điều trị. Bác sĩ Linh cho biết đây là người đầu tiên được can thiệp ECMO tại bệnh viện. Dự kiến, số ca nặng và nguy kịch tiếp tục gia tăng.

Tiếp nhận 160 bệnh nhân sau 3 ngày hoạt động

Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19, cho biết dự kiến, đơn vị này có quy mô 1.000 giường chuyên tiếp nhận, điều trị và hồi sức bệnh nhân Covid-19 nặng. Trong đó, 100 giường chuyên nhận bệnh nhân nguy kịch, 900 giường còn lại dành cho bệnh nhân hồi sức mức độ nặng.

Hiện tại, cơ sở này tiếp nhận 60 bệnh nhân tiên lượng nguy kịch, trong đó, 50 người phải thở máy, số còn lại thở oxy dòng cao (HFNC) và đặt nội khí quản, thở máy xâm nhập, 6 người thở máy liên tục.

"Trong số bệnh nhân hiện nay, khá nhiều người rất nguy kịch, tiên lượng nặng. Các bác sĩ đang nỗ lực hết mình. Số lượng 100 ca nặng còn lại được theo dõi trên các lầu trại, nhiều người thở oxy mask, oxy dòng cao, nguy cơ diễn biến nặng và có thể chuyển xuống giường điều trị nguy kịch", bác sĩ Linh nói.

Benh vien Hoi suc Covid-19 lon nhat Viet Nam anh 2

Sau 3 ngày hoạt động, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đã tiếp nhận 160 trường hợp. Ảnh: Duy Hiệu.

Cơ sở này cũng có ca được can thiệp ECMO đầu tiên. Người bệnh được chuyển đến từ Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương. Bệnh nhân mắc Covid-19 khi mang thai 35 tuần. Sau 3 ngày mổ lấy thai, bệnh nhân bị tổn thương phổi, viêm phổi nặng, không thể kiểm soát bằng máy thở được.

"Tối hôm qua, nhận được báo động đỏ, chúng tôi di chuyển hệ thống ECMO để can thiệp cho sản phụ ngay tại Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương, sau đó chuyển bệnh nhân về đây. Em bé không được chuyển viện cùng, thông tin chúng tôi được biết là bé đang được chăm sóc tích cực", bác sĩ Linh chia sẻ.

Nhóm tuổi của các bệnh nhân nặng hiện nay trong khoảng 50 đến trên 60. Các bệnh nhân nhẹ trong khoảng 30-50 tuổi. Chia sẻ với Zing, bác sĩ Linh cho biết để chuẩn bị cho tình huống người bệnh được chuyển đến ồ ạt, đơn vị này đã bố trí máy thở, hệ thống theo dõi sinh hiệu cho bệnh nhân tại giường các trống.

Dự trù tối thiểu 10-15 máy ECMO

Về nguồn lực và trang thiết bị hiện tại, bác sĩ Trần Thanh Linh cho biết Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đươc trưng dụng từ cơ sở điều trị ung bướu. Do đó, nơi đây cần xây dựng phân luồng kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế.

"Một cơ sở được trưng dụng không chuyên về bệnh truyền nhiễm, không chuyên về hồi sức cấp cứu. Do đó, chúng tôi đã có nhiều thay đổi, điều chỉnh. Đặc biệt, nhân lực và trang thiết bị của bệnh nhân được huy động khắp mọi nơi, có thể xem như là bệnh viện liên hợp quốc", ông nói.

Benh vien Hoi suc Covid-19 lon nhat Viet Nam anh 3

Một bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng đang được đặt nội khí quản, thở máy. Ảnh: Duy Hiệu.

Hệ thống trang thiết bị huy động từ nguồn lực sẵn có của các đơn vị của thành phố gồm Bệnh viện Chợ Rẫy, Nhân dân 115, Gia Định, Bệnh viện Đại học Y Dược và các cơ sở tư nhân như Vinmec, Hoàn Mỹ…, cùng sự hỗ trợ của Bộ Y tế.

Hiện tại, đơn vị này có 4 máy ECMO mang từ Bệnh viện Chợ Rẫy. Sắp tới, bệnh viện sẽ có thêm máy ECMO chưa sử dụng được huy động từ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Vinmec... Dự kiến, nếu số ca mắc tiếp tục tăng, bệnh viện phải dự trù tối thiểu 10-15 máy ECMO.

Số lượng máy thở hiện tại đang phục vụ 100 giường bệnh nhân nguy kịch, trong đó có hơn 2/3 có máy thở chức năng cao. Trong hôm nay, bệnh viện sẽ huy động thêm ít nhất 20 máy thở chức năng cao để phục vụ công tác điều trị ca nguy kịch. Khi không còn huy động được nữa, cơ sở này có thể phải lên phương án mua sắm đầu tư.

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19, cho biết Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 vẫn thực hiện song song hai nhiệm vụ kép là vừa tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19 tình trạng nặng, nguy kịch và đảm bảo điều trị ung thư trong ngày.

Theo lộ trình, bệnh viện sẽ dần tăng cường trang thiết bị hồi sức cấp cứu ECMO, máy lọc máu, máy thở cao cấp và nhân lực, cho quy mô 1.000 giường.

Benh vien Hoi suc Covid-19 lon nhat Viet Nam anh 4

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM kiêm Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.

"Do nguồn lực có hạn, chúng tôi huy động sự góp sức từ các đơn vị. Sau khi hết nhiệm vụ, các máy móc sẽ được trả về, đảm bảo không tiêu phí. Quan trọng nhất là đảm bảo chất lượng điều trị, giảm tải cho các bệnh viện tuyến dưới an tâm điều trị đúng sức của họ, hạn chế bệnh nhân tử vong do Covid-19. Không riêng nhiệm vụ của chúng tôi, đây là mục tiêu chung của toàn ngành", bác sĩ Tuấn chia sẻ.

Về nhân lực, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 sẽ có tổng cộng 340 bác sĩ, 1.050 điều dưỡng và 1.500 nhân viên. Lực lượng tinh nhuệ nhất được huy động từ 3 bệnh viện gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy (82), Bệnh viện Nhân dân 115 (65), Bệnh viện Nhân dân Gia định (41), Bệnh viện Ung bướu (60). Ngoài ra, 5 bệnh viện Trung ương chi viện gồm Sở Y tế Thanh Hóa (59), Sở Y tế Phú Thọ (52), Hải Phòng (114), Bệnh viện 71 Trung ương (30), Bệnh viện 74 Trung ương (30).

Trường hợp cần thiết, bệnh viện sẽ huy động thêm lực lượng từ các đơn vị ở phía Nam. Mục tiêu của cơ sở này là tập trung cứu chữa cho bệnh nhân toàn khu vực phía Nam.

"Ngày đầu tiên triển khai, Bí thư Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch UBND TP và lãnh đạo Bộ Y tế đã có chuyến thăm và đánh giá, giám sát và cam kết chi viện bệnh viện. Nếu cần, cơ quan chức năng sẽ có cơ chế đặc thù để hỗ trợ bệnh viện sớm nhất", bác sĩ Tuấn nói thêm.

Song song công tác tiếp nhận, điều trị Covid-19, bệnh viện vẫn phải thực hiện nhiệm vụ điều trị bệnh nhân ung thư. Đây là hoạt động không thể trì hoãn.

“Giải pháp của chúng tôi là tách đôi bệnh viện, chia lối đi riêng, tách biệt hoàn toàn giữa khu điều trị Covid-19 và khu hóa trị, xạ trị ban ngày cho người bệnh ung thư. Chúng ta hoàn toàn yên tâm không xảy ra lây nhiễm chéo giữa các khu điều trị”, bác sĩ Tuấn nhấn mạnh.

Trong bối cảnh hệ thống điều trị gặp áp lực lớn, ngày 9/7, Sở Y tế TP.HCM thành lập Bệnh viện Hồi sức Covid-19 với quy mô 1.000 giường được trưng dụng từ Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2. Nhiệm vụ của bệnh viện này là hồi sức tích cực cho người bệnh Covid-19 nặng và nguy kịch, tương ứng tầng 4 - tầng cao nhất trong hệ thống điều trị Covid-19 của TP.HCM.

Nhân lực được điều phối từ 4 bệnh viện chủ lực của TP.HCM gồm Bệnh viện Chợ rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định và nguồn chi viện của Bộ Y tế, các địa phương.

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Bắc Giang, Bộ Y tế thành lập Trung tâm hồi sức tích cực lớn nhất miền Bắc với quy mô 100 giường ICU, đặt tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang, Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang. Trung tâm này hoạt động ngày 4/6 với chức năng điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.

Như vậy, với quy mô và số lượng bệnh nhân Covid-19 đang điều trị hiện nay, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 được xem là bệnh viện hồi sức Covid-19 lớn nhất tại Việt Nam.

Đêm trực căng thẳng tại bệnh viện dã chiến ở TP.HCM

Tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 6, mỗi ngày đội ngũ bác sĩ phải cấp cứu tại chỗ và chuyển viện cho hàng chục ca F0 trở nặng.

Căng mình điều trị hàng nghìn F0 ở TP.HCM

"Sợ nhất là những bệnh nhân diễn biến nhanh đến mức nhân viên y tế không kịp trở tay. Hôm trước, một người suy hô hấp ngay khi chờ làm thủ tục nhập viện", bác sĩ ở TP.HCM chia sẻ.

Dịch Covid-19

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm