Hôm nay (20/4) là hạn chót để thí sinh đăng ký thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ. Sau ngày này, thí sinh không được thay đổi điểm thi, các thông tin về bài thi/môn thi đã đăng ký.
Theo Bộ GD&ĐT, số thí sinh đăng ký dự thi Khoa học xã hội tăng cao, chiếm trên 50% tổng số thí sinh đăng ký dự thi.
Bộ GD&ĐT lý giải nguyên nhân các bài thi Khoa học xã hội tăng cao do việc đổi mới phương thức từ tự luận sang trắc nghiệm, không bắt buộc học sinh phải học thuộc lòng máy móc, giúp các em học hiệu quả hơn.
Ngoài ra, năm nay các trường cũng đề ra các tổ hợp xét tuyển mới, trong đó nhiều tổ hợp có các môn xã hội cũng tạo điều kiện cho thí sinh có nhiều cơ hội lựa chọn.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia. Ảnh: Lê Hiếu. |
Theo thống kê, phần đông thí sinh chỉ chọn lựa 4-5 nguyện vọng xét tuyển. Thậm chí, có đến 13% thí sinh chỉ đăng ký một nguyện vọng xét tuyển duy nhất, 30% thí sinh đăng ký hai nguyện vọng.
Điều này cho thấy thí sinh rất có bản lĩnh, xác định được ngành nghề mình yêu thích và quyết tâm theo đuổi. Đồng thời, thí sinh cũng biết phân tích, tính toán phương án đăng ký xét tuyển một cách khoa học để không cần phải điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi.
Để xử lý vấn đề thí sinh ảo hiệu quả, Bộ GD&ĐT đưa ra lời khuyên các trường nên phối hợp với nhau thành nhóm để xét tuyển như nhóm GX của ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì (năm học 2016-2017). Khi đó, nhóm có thể loại bỏ trước những thí sinh trúng tuyển nguyện vọng thấp, xác định điểm chuẩn phù hợp.
Trong 10 ngày đăng ký xét tuyển, hệ thống công nghệ thông tin hoạt động ổn định, thông suốt. Các Sở GD&ĐT đã phân tán việc nhập dữ liệu về các trường THPT nên không xảy ra tình trạng nghẽn mạng. Nhiều sở GD&ĐT đã kết thúc nhập dữ liệu lên hệ thống sớm hơn dự kiến.