Vì sao trí thức dễ bị tâm thần?
Cuộc sống quá nhiều áp lực, càng lao lực trí óc thì càng dễ căng thẳng, lo âu, quá nhiều tệ nạn (bia rượu, thuốc lá, ít vận động...), khiến trí não làm việc quá tải, dẫn đến tâm thần rối loạn. Tỷ lệ người bị rối loạn tâm thần ở Việt Nam hiện nay khoảng 15% dân số (tương đương 13 triệu người).
Trước đây, TS Ngô Thanh Hồi - nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) đã nói về hội chứng cháy hết (hội chứng burnout) rất phổ biến và nguy hiểm ở nhóm trí thức trẻ đang phát triển, nhưng thiếu kinh nghiệm sống, thiếu khả năng đối phó với thất bại, nên rất dễ bị khủng hoảng tâm lý, dễ tự tử, hoặc gây hậu quả lớn tới cuộc sống sau này.
Một số trí thức sai lầm xả stress, áp lực bằng cách nhậu nhẹt, dẫn tới nghiện bia rượu. Cú hích bia rượu với những người làm việc trí óc căng thẳng càng tăng nguy cơ bị rối loạn tâm thần, rất dễ bị tâm thần hoang tưởng, hành vi, lời nói rối loạn… phải nhập viện điều trị. Bác sĩ La Đức Cương – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư I đã nhận định vậy trong hội thảo xây dựng chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2016 - 2025,
Stress cấp tính
Những triệu chứng đầu tiên là về cảm xúc, họ luôn khó chịu, lo lắng, căng thẳng, buồn bã, chán nản, thờ ơ, cảm thấy đánh mất giá trị bản thân…
Hành vi biểu hiện là nổi cáu, bực bội, hoặc nóng tính, thích dùng chất kích thích như rượu, thuốc lá. Các sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, ngủ… bị xáo trộn, mất tập trung, nóng nảy đột ngột, có những quyết định vô lý, hay quên, vụng về, luôn vội vàng và hấp tấp, ăn quá nhiều hoặc ăn quá ít…
Về thể chất sẽ thấy hay đau đầu, đau cơ bắp, đau bụng, vã mồ hôi, chóng mặt, rối loạn tiêu hóa, khó thở, đau ngực, khô miệng, ngứa cơ thể, có vấn đề về tình dục.
Theo bác sĩ Hồng Thu, Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương (số 4 Hồng Mai, Hà Nội), nếu stress kéo dài sẽ gặp những vấn đề nghiêm trọng hơn về mặt sức khỏe (đau tim, tăng huyết áp, trầm cảm, bị sốc, bị đau nửa đầu, lo âu, bị hen, suy giảm hệ miễn dịch, đau dạ dày, rối loạn giấc ngủ).
Có 4 nguồn gây stress:
- Môi trường bên ngoài: Thời tiết, tiếng ồn, giao thông, bụi, ô nhiễm.
- Căng thẳng từ xã hội và gia đình: Áp lực công việc, tốn sức vào công việc, hay gia đình, mất mát người thân, mâu thuẫn gia đình, bạn bè…
- Các vấn đề về thể chất: Sức khỏe thay đổi, ốm đau, không đủ chất dinh dưỡng…
- Suy nghĩ: Đôi khi suy nghĩ, hay phiền giải những điều đã hoặc sẽ xảy ra cũng bị căng thẳng và dẫn tới suy nghĩ tiêu cực.
Dấu hiệu báo trước của một số bệnh tâm thần
Theo bác sĩ Hồng Thu, trong cuộc đời hầu hết mọi người đều gặp phải các sang chấn tâm lý (thất tình, thất nghiệp, bệnh tật, áp lực)… dễ dẫn tới bị rồi loạn tâm thần, nhất là ở nhóm lao động trí thức có nhiều áp lực trong công việc và đời sống.
Mọi người có quan niệm sai lầm cho người bị tâm thần là người nói năng lảm nhảm, điên loạn, mất năng lực hành vi, là người bỏ đi, vô dụng.
Nhưng thực tế, trừ những người bị rối loạn tâm thần mãn tính như tâm thần phân liệt, động kinh, còn lại các rối loạn tâm thần chia ra nhiều giai đoạn, trạng thái, biểu hiện khác nhau. Theo bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 về các rối loạn tâm thần và hành vi của Tổ chức y tế thế giới, có tới hơn 300 loại rối loạn tâm thần và hành vi như sa sút tâm thần.
Đa số các loại rối loạn này sẽ khỏi hay ổn định nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, chỉ có một tỷ lệ rất thấp ( khoảng 1 -2% ) là diễn tiến ngày càng nặng dần và không đáp ứng với điều trị.
Quan trọng nhất là nhận biết các dấu hiệu đầu tiên của tâm thần. Theo tư vấn của ThS. Bs. Đinh Hữu Uân, Phòng khám tâm thần (Tập thể Bệnh viện Tâm thần trung ương I, Thường Tín, TP Hà Nội), khi thấy một trong những dấu hiệu đầu tiên của rối loạn tâm thần cần tới bệnh viện, phòng khám chuyên khoa tâm thần sớm. Cụ thể:
1- Đau đầu, mất ngủ (hay bị rối loạn giấc ngủ), lúc nào cũng lo lắng, sợ hãi, tim đập nhanh, cảm xúc không ổn định (buồn rầu, bi quan, mất tự tin, có người nói nhiều, hay khóc, có người trở nên im lặng, thích ngồi một mình trong phòng kín, sợ tiếp xúc với mọi người), lo âu bồn chồn, đứng ngồi không yên, khóc cười vô cớ, nói lẩm bẩm một mình, cười một mình…) là triệu chứng mới bị trầm cảm, nếu không được điều trị bệnh sẽ nặng lên.
2- Người đau mỏi, đau xương khớp, đau bả vai, đau ống tiêu hoá, đau đầu, đau vùng ngực trái... đã đi khám nhiều lần ở nhiều chuyên khoa khác nhau nhưng kết quả bình thường – nên đi khám chuyên khoa tâm thần.
3- Cảm thấy bất lực trước công việc, rửa tay nhiều lần trong ngày, hoặc không chú ý đến vệ sinh cá nhân, từ chối ăn uống.
4- Những ý nghĩ ám ảnh xuất hiện nhiều làm mất tập trung vào công việc, nghe thấy tiếng nói trong đầu nói chuyện, chửi mắng mình, bình luận về mình, hoặc ra lệnh cho mình phải làm việc này, việc khác…
5- Nhìn thấy những hình ảnh kì lạ mà người khác không nhìn thấy. Hoặc có những ý nghĩ kì lạ, bất thường.
6- Luôn nghĩ có người đang làm hại và điều khiển mình.
7- Đập phá đồ đạc, hoặc tấn công người khác, quát mắng vô lý… không có nguyên nhân.
8- Có ý định và hành vi tự sát mà không phải do bế tắc trước cuộc sống.