Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

8 điểm toán mới được học vi mạch bán dẫn, Bộ GD&ĐT lý giải

Theo Bộ GD&ĐT, học sinh phải đạt tối thiểu 8 điểm môn Toán đầu vào mới có thể phát huy tốt trong quá trình học các chương trình về vi mạch bán dẫn.

Bán dẫn là ngành học liên quan nhiều kiến thức toán học. Ảnh: Shutterstock.

Bộ GD&ĐT vừa công bố Chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học, thạc sĩ.

Chuẩn này áp dụng với các trường đại học tham gia chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 của Chính phủ.

Thí sinh muốn học hệ cử nhân, kỹ sư các ngành về vi mạch bán dẫn, nếu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT phải sử dụng tổ hợp có môn Toán và có ít nhất một môn Khoa học tự nhiên phù hợp với chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn.

Tổng điểm của các môn trong tổ hợp xét tuyển phải đạt tối thiểu 80% thang điểm xét, ví dụ tối thiểu là 24/30 với tổ hợp 3 môn. Ngoài ra, điểm Toán đạt ít nhất 80% thang điểm xét, ví dụ tối thiểu 8/10 điểm.

Nếu dùng phương thức khác, điểm trúng tuyển quy đổi phải tương đương.

Sáng 18/5, tại Ngày hội tuyển sinh khối các ngành Khoa học và Công nghệ năm 2025, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho biết để xây dựng cơ sở chương trình, hội đồng tư vấn chuyên môn nhận thấy kiến thức nền tảng cốt lõi để học sinh có thể học tốt ngành vi mạch bán dẫn là kiến thức STEM, đặc biệt kiến thức về toán.

"Sau này, các em sẽ sử dụng kiến thức về toán rất nhiều trong quá trình học tập và làm việc liên quan đến lĩnh vực vi mạch bán dẫn", ông Dũng nói.

Phó vụ trưởng cho biết khi khảo sát kết quả học tập của học sinh THPT, cũng như đánh giá kết quả học tập của sinh viên khi đã vào học các ngành kỹ thuật, công nghệ liên quan đến vi mạch bán dẫn, kết quả cho thấy các em cần nền tảng toán học nhất định.

"Qua khảo sát, đánh giá, môn Toán ở mức 8 điểm thì các em có thể phát huy tốt trong quá trình học tập. Chính vì thế, hội đồng tư vấn đề xuất chuẩn đầu vào môn Toán từ 8 điểm trở lên", phó vụ trưởng nói.

Cũng theo ông, chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn chỉ áp dụng với các trường tham gia vào đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn theo quyết định 1017 của Thủ tướng Chính phủ. Những trường không tham gia thì không bắt buộc theo chuẩn trên, có thể tuyển sinh khác quy định này.

Ngoài nội dung trên, người đã tốt nghiệp hoặc đang học đại học ngành khác có thể chuyển sang ngành vi mạch bán dẫn. Yêu cầu là cần có bằng tốt nghiệp phù hợp với ngành đào tạo dự tuyển và có điểm trung bình tích lũy (GPA) đạt từ 2,8/4 trở lên.

Với sinh viên đang học đại học ngành khác chuyển sang ngành vi mạch bán dẫn, tại thời điểm xét cần có GPA đạt từ 2,5/4 trở lên. Với trình độ thạc sĩ, yêu cầu với GPA ở bậc đại học đạt từ 2,8/4 trở lên.

Chuẩn chương trình cũng nêu danh sách 38 ngành ở trình độ đại học và 37 ngành ở trình độ thạc sĩ liên quan đến vi mạch bán dẫn, có thể tham gia đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy); được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.

TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.

80 triệu đồng cho một năm học vi mạch, bán dẫn tại Việt Nam

Mức học phí dành cho ngành học về vi mạch, bán dẫn dao động trong khoảng 20-30 triệu đồng/năm học, cao hơn có thể lên đến 80 triệu đồng đối với chương trình tiếng Anh.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm