![]() |
1. So sánh con với những đứa trẻ khác: Việc so sánh con với những đứa trẻ khác ngay trước mặt trẻ có thể gây ra những tác động tâm lý tiêu cực. Trẻ dễ cảm thấy tự ti, thua kém hoặc bị cha mẹ chối bỏ. Điều này không chỉ làm giảm lòng tự trọng mà còn có thể khiến trẻ cảm thấy không được yêu thương, từ đó nảy sinh tâm lý chống đối hoặc thu mình. Ảnh: Freepik. |
![]() |
2. Mất bình tĩnh: Việc thường xuyên chứng kiến cha mẹ nổi nóng hoặc đưa ra những quyết định bốc đồng do mất bình tĩnh có thể gây ra những tổn thương tâm lý cho trẻ. Chúng có thể trở nên khép kín, ít chia sẻ cảm xúc với cha mẹ vì sợ hãi. Thậm chí, trẻ còn có nguy cơ phát triển chứng lo âu và các vấn đề xã hội khác. Ảnh: Freepik. |
![]() |
3. Không thực hiện những gì đã rao giảng: Mọi cha mẹ đều mong muốn con mình hình thành những thói quen tốt như giúp đỡ việc nhà, cư xử lịch sự... Tuy nhiên, điều quan trọng là cha mẹ phải thực hành chính những gì mình dạy con. Trẻ em học hỏi chủ yếu qua việc quan sát hành động của người lớn. Nếu cha mẹ không làm gương, con cái sẽ khó lòng tiếp thu và làm theo những lời dạy đó. Ảnh: Freepik. |
![]() |
4. Uống rượu hoặc hút thuốc: Trẻ em thường có tính tò mò và thích bắt chước những gì chúng nhìn thấy, đặc biệt là từ người lớn trong gia đình. Khi thường xuyên chứng kiến cha mẹ sử dụng rượu hoặc thuốc lá, trẻ có thể xem đó là hành động bình thường, thậm chí hấp dẫn, từ đó bí mật thử theo. Điều này không chỉ gây hại cho sức khỏe mà còn dễ dẫn đến các hành vi lệch chuẩn trong tương lai. Ảnh: Pexels. |
![]() |
5. "Dán mắt" vào các thiết bị điện tử: Thường xuyên chứng kiến cảnh cha mẹ dành hàng giờ "dán mắt" vào điện thoại, ipad chỉ để giải trí, trẻ có thể dần xem đó là một hoạt động quen thuộc, hiển nhiên. Tuy nhiên, việc sử dụng thiết bị điện tử quá mức có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ. Vì vậy, để hạn chế thời gian xem màn hình của con, cha mẹ hãy bắt đầu bằng cách điều chỉnh thời gian sử dụng thiết bị của chính mình. Ảnh: Freepik. |
![]() |
6. Chế nhạo con trước mặt người khác: Việc chế nhạo con cái trước mặt người khác không chỉ là hành động thiếu tôn trọng mà còn gây tổn thương đến tâm hồn trẻ. Khi bị chê bai công khai, trẻ dễ cảm thấy xấu hổ, tự ti và dần mất đi lòng tin vào bản thân. Điều này có thể dẫn đến việc trẻ ngại giao tiếp, thu mình lại và khó phát triển toàn diện về mặt tâm lý. Ảnh: Freepik. |
![]() |
7. Đưa ra những nhận xét tiêu cực: Cha mẹ đừng đưa ra những bình luận tiêu cực về người khác hoặc các thành viên trong gia đình trước mặt con cái. Ngay cả việc sử dụng ngôn ngữ tục tĩu hay chửi thề trước mặt trẻ cũng cần tránh. Chứng kiến cha mẹ cư xử thô lỗ với người khác, trẻ có thể học theo sự thiếu tôn trọng đó. Lâu dần, trẻ sẽ ít quan tâm đến cảm xúc và tình cảm của người khác hơn. Ảnh: Pexels. |
![]() |
8. La hét hoặc hành hung bạn đời: Dù biểu hiện bằng lời nói hay hành động, bạo lực là điều không thể chấp nhận, đặc biệt là trước mặt con cái. Chứng kiến bạo lực gây tổn hại nghiêm trọng đến sự phát triển cảm xúc, tinh thần và quá trình trưởng thành của trẻ. Hành vi này còn truyền đi một thông điệp sai lầm rằng bạo lực là phương tiện duy nhất để giải quyết mâu thuẫn. Ảnh: Shutterstock. |
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.