Tỏi có khả năng ngăn ngừa bệnh cúm, cải thiện mức cholesterol, giảm huyết áp, ngăn ngừa u não,... Ảnh: Iuriibukhta. |
Tỏi (danh pháp: Allium sativum) thuộc chi hành (Allium), có họ hàng gần với hành tây, hành lá, hẹ, tỏi tây và hẹ tây.
Tỏi được sử dụng trên khắp thế giới suốt hàng nghìn năm. Thời Ai Cập cổ đại, tỏi không chỉ được dùng cho mục đích ẩm thực mà còn cho sức khỏe và lợi ích điều trị của nó.
Theo Medical News Today (MNT), tiến sĩ Richard S. Rivlin, bác sĩ nội khoa ở New York, đã viết trên tạp chí Dinh dưỡng rằng Hippocrates, thầy thuốc vĩ đại nhất lịch sử thời Hy Lạp cổ đại, "cha đẻ của y học phương Tây" ngày nay, đã kê đơn tỏi cho một loạt các tình trạng và bệnh tật.
Hippocrates đã thúc đẩy việc sử dụng tỏi để điều trị các vấn đề về hô hấp, ký sinh trùng, tiêu hóa kém và mệt mỏi.
Trong suốt lịch sử ở Trung Đông, Đông Á và Nepal, tỏi được sử dụng để điều trị viêm phế quản, tăng huyết áp, bệnh lao, rối loạn gan, kiết lỵ, đầy hơi, đau bụng, giun đường ruột, thấp khớp, tiểu đường và sốt.
Bên dưới là 8 lợi ích của tỏi đã các nghiên cứu khoa học công nhận.
Ngăn ngừa cảm cúm
Theo Healthline, bổ sung tỏi có tác dụng tăng cường chức năng của hệ thống miễn dịch.
Một nghiên cứu lớn kéo dài 12 tuần cho thấy bổ sung tỏi hàng ngày làm giảm 63% số ca cảm lạnh so với giả dược. Thời gian trung bình của các triệu chứng cảm lạnh cũng giảm 70%, từ 5 ngày ở nhóm người dùng giả dược xuống chỉ còn 1,5 ngày ở nhóm người dùng tỏi.
Một nghiên cứu khác cho thấy một liều cao chiết xuất từ tỏi già (2,56 gram mỗi ngày) làm giảm 61% số ngày bị ốm vì cảm lạnh hoặc cảm cúm.
Theo MNT, nhóm nhà nghiên cứu từ Bệnh viện Nội trú y học gia đình St.Joseph, bang Indiana (Mỹ), đã thực hiện một nghiên cứu có tiêu đề Điều trị cảm lạnh thông thường ở trẻ em và người lớn, được công bố trên Tạp chí American Family Physician.
Họ ghi nhận rằng: "Sử dụng tỏi dự phòng có thể làm giảm tần suất cảm lạnh ở người lớn, nhưng không ảnh hưởng đến thời gian kéo dài các triệu chứng. Sử dụng dự phòng có nghĩa là sử dụng thường xuyên để ngăn ngừa bệnh tật”.
Giảm huyết áp
Các bệnh tim mạch như đau tim và đột quỵ là nguyên nhân gây ra nhiều ca tử vong hơn hầu hết bệnh lý khác. Huyết áp cao là một trong những yếu tố quan trọng nhất có thể dẫn đến các bệnh này.
Theo Healthline, các nghiên cứu ở người phát hiện ra chất bổ sung từ tỏi có tác động đáng kể đến việc giảm huyết áp ở những người bị huyết áp cao. Trong một nghiên cứu, 600-1.500 mg chiết xuất tỏi già cũng có hiệu quả như thuốc Atenolol trong việc giảm huyết áp trong khoảng thời gian 24 tuần.
Liều bổ sung phải khá cao để có tác dụng mong muốn. Lượng cần thiết tương đương với khoảng 4 tép tỏi mỗi ngày.
Cải thiện mức cholesterol
Trang Healthline cho biết đối với những người có cholesterol cao, bổ sung tỏi có khả năng giảm cholesterol toàn phần và LDL cholesterol khoảng 10-15%. Xem xét cụ thể mức cholesterol LDL (xấu) và HDL (tốt), tỏi dường như làm giảm LDL nhưng không có tác dụng đáng tin cậy đối với HDL.
Mức chất béo trung tính cao là một yếu tố nguy cơ khác được biết đến của bệnh tim, nhưng tỏi dường như không có tác động đáng kể đến mức chất béo trung tính.
Tỏi giúp giảm lượng cholesterol xấu và giảm huyết áp ở những người bị huyết áp cao. Ảnh: Thespruceeats. |
Ngăn ngừa bệnh Alzheimer và chứng sa sút trí tuệ
Tổn thương oxy hóa từ các gốc tự do góp phần vào quá trình lão hóa. Tỏi chứa chất chống oxy hóa hỗ trợ cơ chế bảo vệ cơ thể chống lại tác hại của quá trình oxy hóa.
Theo Healthline, bổ sung tỏi với liều lượng cao được chứng minh có khả năng làm tăng các enzym chống oxy hóa ở người, cũng như giảm đáng kể stress oxy hóa ở những người bị huyết áp cao. Stress oxy hóa là sự mất cân bằng giữa các gốc tự do và chất chống oxy hóa trong cơ thể.
Những tác động kết hợp trong việc giảm cholesterol và huyết áp, cũng như các đặc tính chống oxy hóa, có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh não phổ biến như bệnh Alzheimer và chứng sa sút trí tuệ.
Giải độc kim loại nặng trong cơ thể
Ở liều lượng cao, các hợp chất lưu huỳnh trong tỏi được chứng minh là có khả năng bảo vệ chống lại các tổn thương cơ quan do nhiễm độc kim loại nặng.
Theo Healthline, một nghiên cứu kéo dài 4 tuần ở các nhân viên tại nhà máy sản xuất pin ôtô, những người đã tiếp xúc nhiều với chì, cho thấy rằng tỏi làm giảm lượng chì trong máu tới 19%. Nó cũng làm giảm nhiều dấu hiệu lâm sàng của nhiễm độc, bao gồm cả đau đầu và huyết áp.
Ba liều tỏi mỗi ngày thậm chí còn tốt hơn cả thuốc D-penicillamine trong việc giảm các triệu chứng.
Giảm nguy cơ sinh non
Theo MNT, nhiễm vi khuẩn trong thời kỳ mang thai làm tăng nguy cơ sinh non ở phụ nữ. Các nhà khoa học tại Phòng Dịch tễ học, Viện Y tế Cộng đồng Na Uy, đã nghiên cứu thực phẩm có tác động gì đối với nhiễm trùng kháng sinh và nguy cơ sinh non. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng.
Tiến sĩ Ronny Myhre và các đồng nghiệp tập trung vào tác dụng của chi hành và trái cây sấy khô, bởi vì có tài liệu nghiên cứu xác định 2 loại thực phẩm này cho thấy hứa hẹn lớn trong việc giảm nguy cơ sinh non.
Nhóm nghiên cứu đã điều tra việc ăn trái cây khô và chi hành trong số 18.888 phụ nữ từ nhóm Bà mẹ và Trẻ em Na Uy, trong đó 5% (950) đã trải qua sinh non tự phát.
Họ kết luận: “Việc hấp thụ thức ăn có chứa các hợp chất kháng khuẩn và prebiotic có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ sinh non tự phát. Đặc biệt, tỏi có liên quan đến việc giảm nguy cơ sinh non tự phát nói chung”.
Tỏi có nhiều lợi ích cho phụ nữ mang thai. Ảnh: Livestrong. |
Ngăn ngừa ung thư não
Theo MNT, hợp chất hữu cơ chứa lưu huỳnh được tìm thấy trong tỏi được xác định có hiệu quả trong việc tiêu diệt các tế bào trong u nguyên bào thần kinh đệm, một loại u não chết người.
Các nhà khoa học tại Đại học Y Nam Carolina báo cáo trên Tạp chí Ung thư rằng 3 hợp chất hữu cơ chứa lưu huỳnh tinh khiết từ tỏi gồm DAS, DADS và DATS. Chúng đã chứng minh hiệu quả trong việc tiêu diệt tế bào ung thư não, nhưng DATS được chứng minh là hiệu quả nhất.
Đồng tác giả, tiến sĩ Ray Swapan, cho biết: “Nghiên cứu này nhấn mạnh sự hứa hẹn của các hợp chất có nguồn gốc thực vật như một loại thuốc tự nhiên để kiểm soát sự phát triển ác tính của tế bào khối u não ở người. Cần có thêm nhiều nghiên cứu trên các mô hình động vật có khối u não trước khi áp dụng chiến lược điều trị này cho bệnh nhân u não”.
Có khả năng là một loại kháng sinh mạnh
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hóa học trị liệu kháng sinh, Diallyl sulfide, một hợp chất có trong tỏi, có hiệu quả gấp 100 lần so với 2 loại kháng sinh phổ biến trong việc chống lại vi khuẩn Campylobacter.
Vi khuẩn Campylobacter là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm trùng đường ruột.
Tiến sĩ Xiaonan Lu, tác giả chính của bài nghiên cứu, từ Đại học Bang Washington, cho biết rằng: “Công trình này rất thú vị với tôi vì nó cho thấy rằng hợp chất này có khả năng làm giảm vi khuẩn gây bệnh trong môi trường và trong nguồn cung cấp thực phẩm của chúng ta”.