Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

8 năm bế tắc của hôn nhân ở Trung Quốc

Tình trạng ngày càng nhiều người thuộc thế hệ Millennials từ chối kết hôn, sinh con khiến kế hoạch thúc đẩy tỷ lệ sinh, trẻ hóa dân số của chính phủ Trung Quốc lâm vào bế tắc.

Tháng 10/2021, giới chức tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc bày tỏ lo ngại về tình trạng nhiều đàn ông lớn tuổi ở nông thôn chưa thể lập gia đình và cho biết đang làm nhiều biện pháp để "khuyến khích phụ nữ trẻ ở lại quê hương của mình".

Một trang tạp chí của địa phương còn xuất bản bài viết tuyên truyền với tiêu đề: "Mang lại hơi ấm trên giường ngủ cho những người đàn ông có tuổi ở nông thôn là một việc làm cần thiết", theo Sixth Tone.

Tiêu đề bài viết nhanh chóng vấp phải sự chỉ trích của dân mạng Trung Quốc, nhiều người cho rằng bài viết đã làm giảm giá trị của người phụ nữ, coi họ chỉ là "vật giữ ấm trên giường".

Câu chuyện ở tỉnh Hồ Nam phần nào cho thấy cuộc khủng hoảng ở Trung Quốc, khi tỷ lệ kết hôn giảm trong 8 năm liên tiếp.

Nhiều phụ nữ cho biết họ không còn hứng thú với hôn nhân, coi việc kết hôn có thể cản trở họ độc lập tài chính. Điều đó cộng với tình trạng mất cân bằng giới tính, chi phí khổng lồ để xây dựng một gia đình khiến đất nước bước vào kỷ nguyên nơi người trẻ chỉ muốn theo đuổi tự do tài chính của cuộc sống độc thân, bất chấp sự thúc giục của xã hội, theo Insider.

gioi tre Trung Quoc khong ket hon anh 1

Ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc quyết định không kết hôn. Ảnh: EPA-EFE.

Rủi ro tài chính khi kết hôn

Chen Yu (35 tuổi), sống tại tỉnh Quảng Đông, đã quen với việc bạn bè bày tỏ sự lo ngại khi biết cô chưa lập gia đình.

“Cha mẹ, người thân của tôi đang rất lo lắng. Họ nghĩ tôi nên có một gia đình ở độ tuổi này. Nhiều người Trung Quốc cũng nghĩ vậy”.

Nhưng nữ bác sĩ cho biết cô vẫn vui vẻ. Cô có một căn hộ rộng 92 m2 ở thành phố Trạm Giang.

Sở hữu bất động sản cũng là một trong những yếu tố khiến thế hệ Millennials Trung Quốc phân vân chuyện kết hôn. Giữa bối cảnh giá bất động sản tăng vọt, không mua nổi một căn nhà có thể phá hỏng mối quan hệ của nhiều cặp đôi.

Dù đã có nhà riêng, việc tìm một tấm chồng vẫn không phải là một trong những mục tiêu sống của Chen.

“Nhiều người vẫn có quan điểm rằng phụ nữ nên ở nhà chăm sóc gia đình, đàn ông ra ngoài kiếm tiền. Khi tôi độc thân, tôi tự do, có nhiều thời gian hơn. Những mối quan hệ, những nơi tôi đi không bị ràng buộc với ai. Tôi chưa tìm thấy người đàn ông khiến mình sẵn sàng hy sinh những điều đó”.

gioi tre Trung Quoc khong ket hon anh 2

Nhiều cô gái sợ không còn được tự do tài chính, tận hưởng cuộc sống sau khi kết hôn. Ảnh: New York Times.

Chen không cô đơn. Allison Malmsten, giám đốc tiếp thị tại Daxue Consulting, cho biết nhiều phụ nữ Trung Quốc độc thân lo ngại rằng hôn nhân sẽ khiến họ phải hy sinh tự do tài chính.

“Trong hai thập kỷ qua, chúng tôi chứng kiến ​​phụ nữ Trung Quốc trở nên giàu có hơn. Họ đang chi tiêu nhiều tiền cho bản thân hơn là chỉ vì gia đình. Đối với một số phụ nữ, cuộc sống độc thân của họ rất tốt và chất lượng, họ biết rằng kết hôn có thể khiến tình trạng đó gặp rủi ro”.

Phó giáo sư xã hội học Mu Zheng thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho biết có một "áp lực kép" đối với phụ nữ ở Trung Quốc khi phải đồng thời là những người có sự nghiệp thành công và người nội trợ tận tụy.

"Nhiều phụ nữ có trình độ học vấn cao đang trì hoãn hoặc từ bỏ hôn nhân để tránh xa những áp lực này".

Allison dẫn chứng một cuộc khảo sát năm 2021 của trang web tìm kiếm việc làm Trung Quốc Zhaopin Recruiting, cho thấy 43,5% phụ nữ độc thân do dự việc kết hôn vì lo lắng điều đó sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống của họ.

Trong khi đó, 53,6% nam giới được khảo sát cho biết lý do chính khiến họ duy trì tình trạng độc thân là sợ chưa đủ tài chính để chăm lo cho gia đình.

Vấn đề dân số

Giáo sư Stuart Gietel-Basten, giảng viên khoa học xã hội và chính sách công tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, nhận định chỉ riêng tỷ lệ kết hôn giảm không phải vấn đề đáng báo động, nhưng nó sẽ kéo theo tỷ lệ sinh thấp và dân số già đi nhanh chóng nếu tình trạng duy trì.

Già hóa dân số cũng trở thành vấn đề báo động đối với Trung Quốc: lực lượng lao động thu hẹp, ít nhân lực có trình độ hơn và hàng triệu người già cần được chăm sóc sức khỏe. Trong khi các quốc gia châu Á khác như Nhật Bản và Hàn Quốc đã và đang nghiên cứu giải pháp cho vấn đề này trong nhiều năm, Trung Quốc mới chỉ đưa ra chiến lược quốc gia từ năm 2021.

gioi tre Trung Quoc khong ket hon anh 3

Chi phí để nuôi dạy một đứa trẻ, nhất là tại các thành phố lớn Trung Quốc, không hề nhỏ, tạo áp lực lên những cặp vợ chồng muốn có con. Ảnh: Xinhua.

Trung Quốc cũng phải đối mặt với vấn đề mất cân bằng giới tính. Theo South China Morning Post, nước này có số nam giới nhiều hơn so với nữ là 30 triệu, với tỷ lệ trẻ sơ sinh trai/gái là 111,3/100. Trong khi đó, tỷ lệ giới tính tự nhiên là khoảng 105 trẻ trai/100 trẻ gái.

Bà Mu cho biết đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ kết hôn giảm - sự mất cân bằng giữa số lượng nam giới và phụ nữ trong từng nấc thang kinh tế xã hội.

“Phụ nữ luôn được cho là phải kết hôn với những người đàn ông có địa vị kinh tế xã hội tốt hơn họ", bà nói.

Giáo sư Stuart cho biết điều này có nghĩa là khi phụ nữ ở Trung Quốc trở nên giàu có hơn, những người đàn ông ở nhóm nghèo nhất bắt đầu khó kiếm được bạn đời hơn, trong khi nhóm phụ nữ giàu nhất sẽ gặp ít đàn ông mà họ muốn kết hôn hơn.

Chọn nuôi chó mèo hơn sinh con

Trung Quốc vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc kêu gọi các cặp vợ chồng sinh thêm con, ngay cả khi đã bỏ chính sách một con vào năm 2016 và cho phép các gia đình có đến 3 con vào năm 2021. Bên cạnh đó, chính phủ nước này còn khuyến khích sinh đẻ bằng cách tặng tiền và kéo dài thời gian nghỉ thai sản. Tuy nhiên, dữ liệu công bố vào tháng 1 cho thấy tỷ lệ sinh vẫn đạt mức thấp kỷ lục vào năm 2021.

“Chi phí nuôi con quá cao. Mọi người muốn con cái họ có cuộc sống chất lượng, như là về giáo dục, nhưng tiềm lực lại có hạn”, Esther Zhong (40 tuổi), giám đốc tài chính ở Quảng Châu, cho biết.

Các bài đăng trên truyền thông Trung Quốc ước tính chi phí nuôi dạy một đứa trẻ cho tới khi chúng đến tuổi đại học ở một thành phố lớn như Thượng Hải vào khoảng 1,99 triệu nhân dân tệ (309.000 USD). (Tại Mỹ, chi phí trung bình để nuôi dạy một đứa trẻ đến 18 tuổi là 233.610 USD, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ).

gioi tre Trung Quoc khong ket hon anh 4

Nhiều người trẻ Trung Quốc chọn bầu bạn với chó, mèo khi trì hoãn kết hôn, sinh con. Ảnh: Reuters.

Zhao Qi (31 tuổi) hẹn hò bạn trai đã hơn 5 năm. Cả hai làm streamer và sống trong một căn hộ rộng 90 m2 ở Vân Nam. Nhiều người thuộc thế hệ Millennials cô biết đã nhận nuôi mèo hoặc chó, điều mà các đôi chưa kết hôn có thể làm mà không phải chịu đựng sự kỳ thị của xã hội như việc mang thai trước khi cưới.

“Họ muốn có được niềm hạnh phúc khi nuôi dạy một đứa trẻ, nhưng có thể chưa sẵn sàng cho các trách nhiệm tài chính khi nuôi chúng, đáp ứng các nhu cầu chẳng hạn như khi chúng bị ốm và cần điều trị, hoặc khi chi phí sinh hoạt cao. Tôi nghĩ rằng phần lớn người trẻ hiện nay không có đủ năng lực để làm điều đó”.

'Thế hệ vào bếp' ở Trung Quốc

Khi quy định phong tỏa làm gián đoạn việc cung ứng thực phẩm, nhiều người trẻ ở Trung Quốc trân trọng hơn giá trị của thực phẩm tươi sống và việc nấu nướng tại nhà.

Mai An

Bạn có thể quan tâm